Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc

Từ đầu tháng 3/2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát tại 2 huyện Ngân Sơn và Chợ Đồn, phải tiêu hủy 53 con lợn, tổng khối lượng 815kg. Để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng và các hộ chăn nuôi cần nhanh chóng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Cuối năm 2020, toàn tỉnh cơ bản khống chế dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), các hoạt động tái đàn lợn được người dân tích cực thực hiện. Tuy nhiên, đầu tháng 3/2021, trên địa bàn tỉnh lại xảy ra 02 ổ dịch tại xã Thuần Mang (Ngân Sơn) và các xã: Ngọc Phái, Yên Phong (Chợ Đồn) làm chết và tiêu hủy 53 con lợn, tương đương 815kg. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã đánh giá, công tác phòng, chống bệnh DTLCP còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương còn lơ là trong việc chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; việc tái đàn lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sau Tết Nguyên đán chưa đảm bảo về nguồn gốc con giống và an toàn dịch bệnh…

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn Châu Phi tại xã Thuần Mang

Với tinh thần kiên quyết không để mầm bệnh bùng phát, lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, đặc biệt trong bối cảnh đang thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm túc các nội dung Phương án phòng, chống dịch bệnh động vật trên đàn gia súc; chỉ đạo các địa phương đang có dịch tập trung nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, kéo dài; thực hiện triệt để các biện pháp chống dịch theo quy định; thành lập các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tại các địa phương có dịch.

Đối với các địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao, tổ chức giám sát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh; định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ động vật và các sản phẩm động vật; duy trì và tăng cường hoạt động của các đội kiểm tra liên ngành cấp huyện, xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời triển khai kế hoạch chăn nuôi an toàn và hiệu quả, tăng cường tuyên truyền đối với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn phải thông báo, kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện nuôi tái đàn, kiểm soát chặt chẽ việc nhập con giống đảm bảo an toàn dịch bệnh và nguồn gốc xuất xứ, khi nhập lợn giống từ ngoài tỉnh phải được cơ quan thú y nơi xuất phát kiểm dịch theo quy định; xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Các huyện bố trí đủ cán bộ chuyên môn cho Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện và cán bộ thú y cấp xã đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm và trong chỉ tiêu biên chế được giao để tăng cường, củng cố, nâng cao năng lực thú y. Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành lập tổ công tác, tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, sự lưu hành của mầm bệnh để chủ động tham mưu các giải pháp phòng, chống hiệu quả; tăng cường kiểm tra việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa bàn tỉnh Bắc Kạn…

 

Phun tiêu độc, khử trùng xe ô tô vận chuyển gia súc ra, vào tỉnh Bắc Kạn

Triển khai thực hiện phòng, chống DTLCP, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y đã ban hành, phổ biến rộng rãi, đồng bộ nội dung tuyên truyền. Theo đó, khuyến cáo các hộ chăn nuôi lợn vệ sinh hằng ngày trong, ngoài chuồng nuôi, quét dọn thu gom rác và chất thải. Vệ sinh chuồng trại, dụng cụ bảo hộ lao động bằng nước với xà phòng hoặc chất tẩy rửa. Định kỳ 1lần/tuần tổng vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi. Sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi, các thiết bị dụng cụ bảo hộ lao động trước khi đưa vào trại và sau khi sử dụng; sát trùng người và phương tiện vận chuyển; xử lý phân và chất thải bằng biogas, chôn, đốt; tiêu huỷ xác lợn chết và sản phẩm từ lợn theo đúng hướng dẫn của cơ quan Thú y. Thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi như: Cách ly, kiểm soát ra vào cơ sở chăn nuôi; không nuôi các động vật khác như lợn rừng, gà, vịt, chó, mèo trong khu vực chăn nuôi lợn; không cho khách tham quan chuồng trại. Sử dụng quần áo bảo hộ riêng cho khu vực chăn nuôi, diệt chuột và côn trùng gây hại. Cung cấp nước sạch cho lợn; không cho lợn ăn thức ăn thừa của người khi chưa được nấu chín

Tại các địa phương trong tỉnh, công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã được triển khai quyết liệt. Các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát các hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ lợn và các sản phẩm từ thịt lợn vào tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn thú y cơ sở, hộ chăn nuôi tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như thông qua hệ thống truyền thanh của xã, trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó nhận thức của người dân và cộng đồng về DTLCP đã được nâng lên.

Dù không bất ngờ trước DTLCP tái phát, nhưng quá trình dập dịch còn gặp nhiều khó khăn do cùng một lúc phải phòng, chống dịch Covid-19; phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, trong khi đội ngũ cán bộ Thú y rất mỏng, phương tiện cơ giới (xe ô tô) không có. Đây là những khó khăn hiện hữu rất cần được quan tâm, hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, cả 02 loại bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu, bò hiện nay đều chưa có thuốc đặc trị. Do vậy, công tác phòng bệnh đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư, nhằm kiểm soát hiệu quả, lâu dài./.

Theo baobackan.org.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000834
Hôm nay : 94
Trong tháng : 2568
Trong năm : 8944
Tổng : 39558
Skip to content