Bí xanh được người dân trồng từ lâu tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Na Rì, Pác Nặm. Những năm gần đây bí xanh được nhiều người tiêu dùng biết đến và phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Một phần diện tích trồng bí xanh tại huyện Ba Bể đã được cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ và chứng nhận OCOP 3 sao, với giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu/ha, so với trồng lúa và các cây trồng ngắn ngày khác, cây bí xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, do vậy hiện nay bí xanh đang là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Ba Bể mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Năm 2022 diện tích trồng bí xanh của tỉnh đạt 303,82ha, năng suất đạt 256 tạ/ha tăng 34% so với năng suất năm 2020. Năng suất bí xanh phụ thuộc vào điều kiện khí hậu thời tiết, điều kiện chăm sóc của người sản xuất. Những năm gần đây, diễn biến khí hậu thay đổi bất thường, phát sinh nhiều sâu bệnh hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất cây bí xanh.
Đối với sản xuất nông nghiệp, bí xanh là cây trồng được người dân trồng chủ yếu ở các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Na Rì, Pác Nặm… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu như mưa kéo dài, ngập lụt, hạn hán, mưa nắng thất thường, ẩm độ cao, thời tiết không theo quy luật, làm cho cây trồng sinh trưởng, phát triển kém, phát sinh nhiều sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh chết héo cây con và héo xanh vi khuẩn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhằm hỗ trợ người dân về các giải pháp kỹ thuật thích ứng làm giảm thiểu tác hại của Biến đổi khí hậu đến cây bí xanh, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành tài liệu “Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác cây bí xanh thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bắc Kạn”.
Tải tài liệu tại đây.Tài liệu thích ứng BĐKH cây bí xanh