Quy trình chăn nuôi lợn địa phương từ Báo cáo tổng kết Dự án mở rộng mô hình chăn nuôi giống lợn địa phương tại tỉnh Bắc Kạn:
- Kỹ thuật xây dựng chuồng trại và bãi chăn thả
1.1.Vị trí xây dựng chuồng nuôi và bãi thả
– Xây chuồng hướng Nam hoặc Đông Nam.
– Không làm chuồng dưới gầm sàn, không làm chuồng nuôi chung với các vật nuôi khác.
– Chọn địa điểm cao ráo, dễ thoát nước, dễ làm vệ sinh,..
1.2. Diện tích chuồng nuôi và bãi thả
Áp dụng với quy mô chăn nuôi 2 nái + 1 lợn đực và 20 lợn thịt/ năm:
– Dãy chuồng nuôi có 05 ô chuồng: 02 ô chuồng lợn nái đẻ, 01 ô chuồng lợn con, 01 ô chuồng lợn thịt và 01 ô chuồng nuôi lợn đực; diện tích mỗi ô chuồng từ 4 – 5 m2 (Kích thước 2m x (2-2,5m).
– Diện tích bãi chăn thả lợn từ 200- 300 m2.
1.3. Vật liệu xây dựng chuồng trại
Sử dụng gạch, đá, sỏi, đá dăm, cát, gỗ, tre, xi măng, lưới thép B40,ngói Phibro, lá cọ để xây dựng chuồng trại.
1.4. Kiểu chuồng nuôi
– Kiểu chuồng: Chuồng nuôi thiết kế theo kiểu bán mái, chiều cao đỉnh mái của chuồng cao 2,5m, mái trước cao 2m, mái sau cao 1,5m.
– Vật liệu lợp mái lợp bằng lá cọ, ngói, tấm lợp Phibro, hoặc tôn,…
– Nền chuồng làm bằng bê tông có độ dày 5cm hoặc lát gạch và có độ dốc 5%.
– Hệ thống rãnh thoát phân, nước thải và hố ủ phân bố trí đằng sau dãy chuồng nuôi, kích thước 1,5 x (0,8m -1,0m).
– Máng ăn, uống cho lợn có thể xây sát với tường chuồng hoặc làm tách rời bằng gỗ, tôn, lốp ô tô hoặc các loại máng có bán trên thị trường,…
1.5. Bãi chăn thả
– Độ cao của hàng rào bảo vệ khu vực chăn thả cách mặt đất là 1,5m.
– Dùng tre, nứa, vầu đan thành hàng rào chắc chắn, dùng đá kè vào phía sau với độ cao là 30 – 40 cm, có thể dùng cọc tre dài 70 – 80 cm đóng sâu xuống đất 30cm với khoảng cách giữa 2 cọc là 10 cm, ngoài ra hàng rào bao quanh có thể sử dụng lưới thép B40 để quây xung quanh khu vực bãi chăn, thả hoặc xây tường bao quanh bằng gạch, đá.
2. Kỹ thuật chọn giống lợn địa phương để nuôi sinh sản
2.1. Kỹ thuật chọn lợn đực giống
Để tạo lợn đặc sản nên chọn những lợn địa phương có màu lông đen tuyền hoặc lợn có tỷ lệ lai với lợn rừng càng nhiều càng tốt. nên chọn lợn đực giống lúc được 2 – 3 tháng tuổi.
Cách chọn: Chọn những con có đầu thanh, mặt dài, lưng thẳng, bụng thon không sệ; ngực sâu rộng, mông vai nở; bốn chân cao, thẳng và vững chắc; lông bờm dựng đứng chạy dài từ cổ tới lưng. Chọn lợn đực có từ 10 – 12 vú, không chọn con có vú kẹ, không thẳng hàng; chọn lợn có hai tinh hoàn lộ rõ, to và cân đối, độ đàn hồi tốt, lợn đực có tính hăng.
2.2. Kỹ thuật chọn lợn cái giống
Để nuôi lợn theo hướng đặc sản, cần chọn những lợn cái địa phương có màu lông đen tuyền, chọn lợn cái làm giống lúc 2 – 3 tháng tuổi.
Cách chọn: Chọn những con có ngoại hình cân đối, mông, vai nở, lưng không võng, bốn chân chắc khỏe, nhanh nhẹn và linh hoạt. Không chọn những lợn cái chân yếu vì ảnh hưởng tới sinh sản và nuôi con sau này; Cơ quan sinh dục ngoài phát triển bình thường cả về hình thể và hoạt động, chọn lợn có từ 10 – 12 vú, vú phát triển tốt, phân bố đồng đều, thẳng hàng dọc và hàng ngang; không chọn con có núm vú quá to hoặc quá nhỏ, những con có vú kẹ; chọn những con hiền lành, tạp ăn.
3. Kỹ thuật chế biến thức ăn cho lợn địa phương theo hướng đặc sản
3.1. Các loại thức ăn dùng để chăn nuôi lợn
Thức ăn dùng trong chăn nuôi lợn chủ yếu là thức ăn có sẵn tại địa phương. Bao gồm: Ngô, cám gạo, khoai, sắn, cây chuối, dây lang, các loại lá cây rừng, các loại quả xanh, các loại bã đậu phụ, bỗng bã rượu,…
Cần bổ sung thêm thức ăn đạm như: Đậu tương, bột cá, thức ăn đậm đặc; các loại khoáng như premix vitamin – khoáng (có bán trên thị trường). Không được sử dụng các chất kích thích sinh trưởng làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt mỡ lợn.
3.2. Cách chế biến thức ăn
– Các loại thức ăn hạt như ngô, thóc, sắn lát…cần nghiền nhỏ.
– Đậu tương cần rang chín, nghiền nhỏ.
– Phương pháp chế biến thức ăn: Nấu chín các loại ngô, cám gạo, sắn, đậu tương, thức ăn có nguồn gốc động vật như cá, tôm, cua, tôm tép, các loại rau, lá thu hái từ rừng.
– Thức ăn đậm đặc, thân cây chuối băm nhỏ trộn với thức ăn đã nấu chín.
3.3. Lượng thức ăn (kg/con/ngày)
Loại lợn | Ngô, cám gạo | Bột sắn | Thức ăn đạm, premix khoáng | Rau xanh |
1. Lợn nái hậu bị | 0,55 | – | 0,05 | 2 – 3 |
2. Lợn nái chuẩn bị phối giống | 0,90 | – | 0,10 | 3 – 4 |
3. Lợn nái chửa | 0,60 – 0,8 | – | 0,05 – 1,0 | 3 – 4 |
4. Lợn nái đẻ và nuôi con | 1,2 – 1,5 | – | 0,12 – 0,15 | 2 – 3 |
5. Lợn đực giống | 0,6 – 0,8 | – | 0,06 – 0,08 | 1 – 2 |
6. Lợn nuôi thịt | Cho ăn tự do theo khả năng ăn của lợn |
– Cho lợn uống đủ nước sạch hằng ngày.
– Lợn đực giống cho ăn thêm những loại thức ăn ngâm nảy mầm như giá đỗ, thóc mầm, cho ăn thêm 1 – 2 quả trứng gà /lần phối giống.
4. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng lợn đực giống theo hướng đặc sản
4.1. Chuồng nuôi lợn đực giống
– Nhốt riêng lợn đực giống 1 ô chuồng.
– Bãi thả lợn đực giống cần có diện tích rộng từ 100 – 200m2
4.2. Kỹ thuật nuôi dưỡng lợn đực giống
– Cho lợn đực giống ăn ngày hai bữa; lượng thức ăn 0,6 – 0,8kg thức ăn (ngô, cám gạo, đậm đặc hoặc đậu tương, bột cá…). Điều chỉnh lượng thức ăn theo thể trạng của lợn, lợn béo cho ăn giảm hơn, lợn gầy cho ăn tăng thêm (Khoảng 0,15 – 0,20kg/con).
4.3. Kỹ thuật chăm sóc lợn đực giống
– Hàng ngày vệ sinh chuồng lợn sạch sẽ, không để thức ăn thừa trong máng và chuồng lợn; cho lợn vận động tự do trong khu thả riêng của lợn đực, để giúp cho lợn rèn luyện thể chất, nâng cao phản xạ tính dục, nâng cao phẩm chất tinh dịch…
– Tắm cho lợn khi trời nóng, oi bức; che chắn cho lợn khi mưa, gió, lạnh.
– Chú ý kiểm tra chân cẳng cho lợn đực nếu thấy các biểu hiện bất thường cần báo cán bộ thú y để xử lý.
– Tiêm phòng cho lợn định kỳ một năm hai lần (Vắcxin dịch tả, Tụ -Dấu, Lepto, Lở mồm long móng).
4.4. Quản lý và phối giống
– Khi lợn cái động dục, thả vào khu chuồng nuôi lợn đực để phối giống qua hình thức nhảy trực tiếpsau khi lợn đực nhảy phối giống xong, đuổi lợn đực vào chuồng nuôi nhốt. Cho lợn đực nhảy hai lần liên tiếp, cách nhau 10 – 12 giờ.
– Sau khi lợn đực phối giống, cần để lợn nghỉ 30 – 60 phút mới cho ăn hoặc tắm.
– Chú ý tuyệt đối không cho mượn lợn đực hay thả lợn đực ra ngoài khỏi khu vực vườn nuôi.
5. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái sinh sản
5.1. Phối giống cho lợn nái
– Hàng ngày theo dõi cẩn thận lợn nái động dục để cho phối giống.
– Chu kỳ động dục của lợn từ 19 – 23 ngày (bình quân 21 ngày). Thời gian động dục thường kéo dài 3 – 4 ngày.
– Biểu hiện khi lợn động dục: Lợn kêu, bỏ ăn hoặc ăn ít, phá chuồng, thích nhảy lên lưng con khác, âm hộ tấy đỏ sau đó chuyển sang màu tím tái.
– Thời điểm phối giống thích hợp: Cho lợn nái vào chuồng lợn đực để phối giống khi lợn có biểu hiện chịu đực (để cho con khác nhảy lên lưng, không bỏ đi khi người để tay lên lưng lợn).
– Cho lợn đực nhảy lợn cái 02 lần, mỗi lần cách nhau 10 – 12 giờ.
– Sau khi lợn cái được phối giống, phải nhốt riêng con cái vào một ô chuồng, ghi vào sổ sách ngày động dục, ngày phối giống của lợn cái.
5.2. Nuôi dưỡng lợn nái chửa, đẻ và nuôi con
– Lượng thức ăn cho ăn: Từ khi phối giống đến 84 ngày chửa đầu cho ăn 0,5kg ngô bột + cám gạo + 0,05kg đậm đặc + 2 đến 3kg rau, chuối…
– Lợn cái chửa từ ngày thứ 85 trở đi cho ăn 0,8kg (ngô bột + cám gạo) + 0,08kg thức ăn đậm đặc + 2 đến 3kg rau, chuối.
Trước khi lợn đẻ 2 ngày, giảm lượng thức ăn xuống: 0,4kg (ngô bột + cám gạo) + 0,04kg đậm đặc + 2 kg rau, ngày lợn đẻ không cho ăn hoặc cho rất ít.
Sau khi lợn mẹ đẻ xong, không nên cho ăn nhiều ngay mà tăng dần lượng thức ăn đến ngày thứ 4 – 5 cho ăn đủ nhu cầu; lượng thức ăn tùy theo số lượng lợn con, càng nhiều con càng cho ăn nhiều hơn, cho lợn nái nuôi con ăn thêm các loại củ quả để kích thích tạo sữa (đu đủ).
– Số bữa cho ăn: 2 bữa/ngày; lợn nái nuôi con khảnh ăn nên cho ăn 3 bữa/ngày.
5.3. Lịch tiêm phòng cho lợn nái
– Tiêm phòng Vắc xin Dịch tả lợn cổ điển: Tiêm lúc chửa được 70 ngày tuổi; Vắc xin Lepto lúc 75 ngày và 85 ngày, Vắc xin Tụ – Dấu lúc 80 ngày.
5.4. Kỹ thuật đỡ đẻ và chăm sóc lợn con
– Khi lợn nái đẻ, cần phải trực đẻ.
– Vệ sinh chuồng lợn đẻ: Trước khi đẻ 2 – 3 ngày rửa sạch, phun thuốc sát trùng, để khô, cho thêm chất độn chuồng như: rơm, lá chuối khô, che chắn chuồng trại để giữ ấm cho lợn con.
– Lúc lợn đẻ, phải hộ sinh cho lợn con:
Một tay cầm chắc mình lợn, một tay dùng khăn khô lau sạch dịch nhờn ở mồm mũi và toàn thân cho lợn; các động tác cần nhẹ nhàng, khéo léo để lợn con không kêu nhiều ảnh hưởng đến mẹ.
– Cắt rốn: Dùng chỉ thắt lại chỗ cắt, độ dài rốn để lại là 4 – 5cm, rồi cắt bằng kéo đã sát trùng, sau khi cắt dùng cồn iot sát trùng vết cắt.
– Bấm nanh: Dùng bấm móng tay loại to để bấm răng nanh, số răng nanh phải bấm là 8 cái (4 cái hàm trên, 4 cái hàm dưới).
Sau đó cho lợn con vào thùng hoặc thúng có lót rơm hoặc vải mềm, đỡ đẻ từng con một, cho đến khi hết thì tiến hành vệ sinh chuồng lợn mẹ và cho lợn con vào bú mẹ.
– Chờ để lấy hết nhau ra, không để cho lợn mẹ ăn nhau thai sống.
a) Chăm sóc và nuôi dưỡng lợn con
– Cho lợn con bú: Lần cho bú đầu tiên, thả những con nhỏ hơn vào trước, sau khi những con nhỏ bú được mới thả những con to hơn vào.
– Chú ý quan sát để điều chỉnh sau đó để có đàn lợn con phát triển đồng đều.
– Tiêm sắt cho lợn con: Tiêm 1 lần duy nhất loại Dextran Fe nồng độ 200mg sắt/ml cho lợn con lúc 3 ngày tuổi. Tiêm hai lần (3 và 10 ngày tuổi), mỗi lần 1ml Dextran Fe nồng độ 100mg sắt/1ml.
– Tập ăn sớm cho lợn con: Khi lợn con được 21 ngày tuổi tiến hành, tập ăn cho lợn con.
Nhốt tách riêng lợn con khoảng 1giờ; cho thức ăn nấu chín hoặc hỗn hợp viên vào máng để lợn con liếm láp, cho mỗi lần 1 ít, nếu lợn không ăn hết chuyển cho lợn thịt ăn; không cho lợn con ăn thức ăn đã bị ôi thiu sau đó thả về cho bú mẹ. Tập như vậy mỗi ngày 3 – 4 lần, khi lợn con biết ăn sẽ tiến hành cai sữa.
Thức ăn để tập ăn: Gạo tấm, ngô bột, cám gạo ngon, đậu tương, đậm đặc nấu chín, hòa loãng cho ăn.
b) Giữ ấm cho lợn con
– Lợn con mới đẻ cần phải được ở trong chuồng ấm áp và khô ráo. Yêu cầu nhiệt độ chuồng nuôi lợn con ngày mới đẻ 350C, sau đó giảm dần theo tuổi của lợn con.
– Chuồng nuôi phải có chất độn chuồng là rơm hoặc lá chuối khô.
– Có thể thắp bóng đèn để sưởi cho lợn con.
– Chuồng cần được che chắn kín gió, kể cả mùa hè.
– Hàng ngày vệ sinh sạch sẽ, thay đệm lót nếu thấy bị bẩn, ẩm.
c) Cai sữa cho lợn con
– Thời gian cai sữa sau 35 – 42 ngày, chỉ cai sữa cho lợn con khi lợn con biết ăn thức ăn.
Cách cai sữa như sau: Khi cai sữa đuổi lợn mẹ sang chỗ khác, cho về gặp lợn con vào buổi tối, làm như vậy 2 -3 ngày, từ ngày thứ 4 trở đi, tách hẳn.
– Chế độ ăn cho lợn con khi cai sữa: Ngày tách mẹ giảm đi 1/2 lượng thức ăn của lợn con so với ngày trước đó; ngày kế sau đó giảm đi 1/3 so với ngày trước cai sữa; ngày kế tiếp sau đó nữa giảm đi 1/4 so với ngày trước cai sữa, từ ngày thứ 4 trở đi cho ăn lượng thức ăn của ngày trước ngày cai sữa.
Nếu theo dõi không có gì rối loạn về tiêu hóa thì từ ngày thứ 5 trở đi mức ăn tăng dần theo yêu cầu của lợn con; cho lợn con uống nước sạch đầy đủ.
d) Phòng bệnh cho lợn con
– Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không để chuồng ẩm và bẩn, định kỳ 1 tuần 1 lần phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại chăn nuôi.
– Tiêm phòng:
+ Vắc xin Dịch tả lợn cổ điển: Tiêm mũi 1lúc được 35 ngày tuổi; mũi 2 lúc 60 ngày tuổi
+ Vắc xin Tụ – Dấu lợn lúc được 65 ngày tuổi.
+ Vắc xin Phó thương hàn lợn con: Mũi 1: 21 ngày tuổi; Mũi 2: 28 ngày tuổi.
+ Vắc xin Lepto: Mũi 1: 70 ngày tuổi; Mũi 2: 80 ngày tuổi.
6. Kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt theo hướng đặc sản
6.1. Chăm sóc nuôi dưỡng lợn con
– Khi lợn con đạt 21 – 28 ngày tuổi, cần nhốt riêng lợn con để cho lợn con tập ăn bằng cách nấu chín cám ngô, gạo tấm, bột đậu tương, bột khoáng cho vào khay ăn để lợn con liếm láp dần (Có thể sử dụng thức ăn viên để tập ăn).
– Khi lợn biết ăn và ăn tốt, tăng dần lượng thức ăn nên cho lợn con ăn tự do (theo khả năng ăn).
* Lưu ý : Cho lợn con ăn phải đúng bữa và đúng thời gian quy định; đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; không được để chuồng nuôi lợn con và lợn mẹ quá bẩn.
– Khi lợn con ăn tốt, khỏe mạnh, chúng ta tiến hành cai sữa, nên cai sữa trong độ tuổi từ 35 – 42 ngày. Sau khi cai sữa, cho lợn con ăn ít một, ăn làm nhiều bữa, cần kiểm soát tốt lượng thức ăn, nước uống cho lợn con cho đến khi lợn được 2 – 3 tháng tuổi.
– Chỉ cho lợn vận động khi thời tiết tốt (Khô ráo, ấm áp…)
6.2. Chăm sóc nuôi dưỡng lợn nuôi thịt
– Giai đoạn nuôi thịt được tiếp sau giai đoạn cai sữa lợn con, khối lượng lợn con đạt khoảng 4 – 6 kg/con.
– Đối với lợn nuôi thịt phải có kế hoạch tiêm phòng nhắc lại các loại vắc xin (Dịch tả lợn cổ điển, Tụ dấu, Lepto,…) cho lợn ngay để đảm bảo duy trì miễn dịch và an toàn dịch bệnh cho đàn lợn suốt trong quá trình nuôi thịt.
– Lợn nuôi thịt đòi hỏi đáp ứng đủ nhu cầu ăn cũng như nhu cầu được vận động, cho ăn 3 bữa/ ngày và cho ăn khi nào thấy lợn ăn no thì thôi và kết hợp cho ăn nhiều loại thức ăn xanh, củ quả, cho lợn vận động trong bãi thả hợp lý có kiểm soát để thịt của lợn được săn chắc và thơm ngon. Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trọng, cũng như các loại thức ăn ảnh hưởng đến chất lượng thịt (Bột cá…).
– Đối với loại lợn này khối lượng có thể xuất bán vào khoảng 25 – 35 kg. Trong quá trình chăn nuôi người dân cũng phải cân đối giữa lượng cung – cầu để điều chỉnh khối lượng xuất bán cho phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
7. Biện pháp phòng bệnh cho lợn
7.1. Lợn giống phải không có nguồn lây bệnh
– Mua lợn giống ở những nơi an toàn, không có dịch bệnh, phải nắm rõ nguồn gốc.
– Không nên mua lợn giống ở chợ, của những người đi bán rong.
7.2. Ngăn ngừa mầm bệnh cho lợn
– Không nên làm chuồng nuôi lợn gần đường đi lại, gần nơi nấu ăn của người.
– Không được thả rông lợn.
– Ngăn ngừa các loại vật nuôi thả rông khác tiếp xúc với lợn (Gà, chó, mèo, chuột…)
– Hạn chế người tham quan, ra vào khu nuôi lợn
– Người chăn nuôi không nên tiếp xúc với các thực phẩm tươi có khả năng gây bệnh (Thịt lợn, thịt các loại gia súc khác).
– Vệ sinh chuồng trại hàng ngày sạch sẽ.
– Thường xuyên sát trùng tiêu độc (1tuần/lần).
– Sau mỗi đợt nuôi, cần vệ sinh khử trùng và để trống chuồng từ 3 – 5 ngày trước khi đưa lứa khác vào nuôi.
7.3. Tạo sức đề kháng cho lợn
– Chăm sóc nuôi dưỡng đầy đủ để lợn khỏe mạnh.
– Chủng các loại vắc xin đầy đủ cho lợn theo lịch bao gồm: Dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu lợn, xoắn trùng (lepto).
– Lịch tiêm phòng vắcxin phòng một số bệnh cho lợn con:
+ Vắcxin Phó thương hàn lợn con: Mũi 1: 21 ngày tuổi; Mũi 2: 28 ngày tuổi
+ Vắcxin Dịch tả lợn cổ điển: Mũi 1: 35 ngày tuổi; Mũi 2: 65 ngày tuổi
+ Vắcxin Tụ – Dấu lợn: 60 ngày tuổi
+ Vắcxin Lở mồm long móng: 40 ngày tuổi
– Lịch tiêm vắc xin cho lợn nái:
+ Vắcxin Dịch tả lợn cổ điển: Lúc chửa được 70 – 75 ngày tuổi;
+ Vắcxin Tụ – Dấu lợn: Sau mũi dịch tả 2 tuần.
+ Vắcxin Lepto: Tiêm lúc nuôi con.
7.4. Một số lưu ý khi lợn mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh
– Lợn mắc bệnh thường biểu hiện một trong các triệu chứng sau:
+ Bỏ ăn hoặc kém ăn
+ Ủ rũ, nằm một chỗ hoặc ít vận động, sốt cao, uống nước nhiều.
+ Mắt lờ đờ, lông sù, ho, khó thở, thở mạnh, ỉa chảy hoặc táo bón.
– Biện pháp:
+ Cách ly lợn ốm để theo dõi;
+ Tăng cường các biện pháp vệ sinh và sát trùng chuồng trại;
+ Không vận chuyển gia súc ốm;
+ Báo cáo thú y viên cơ sở để thăm, khám và hỗ trợ điều trị./.
Nông Thị Cúc