Giới thiệu kết quả nghiên cứu về giống lợn địa phương từ các Dự án khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Kạn (Phần 1)

Chăn nuôi lợn địa phương (còn gọi là lợn bản địa) là một trong những loài vật nuôi nằm trong định hướng phát triển trong đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn. Căn cứ các kết quả nghiên cứu của các dự án chăn nuôi giống lợn địa phương thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh Bắc Kạn đã chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT để ứng dụng, nhân rộng vào thực tiễn sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT đã biên soạn và giới thiệu kết quả nghiên cứu trên để các địa phương, các cơ sở chăn nuôi lợn biết và triển khai áp dụng thực hiện.

I. Một số đặc điểm, sinh trưởng, sinh sản của giống lợn địa phương

Giống lợn địa phương có một số đặc điểm về màu sắc, ngoại hình; sinh trưởng và sinh sản, cụ thể như sau:

  1. Một số đặc điểm về màu sắc, ngoại hình của giống lợn địa phương

Giống Lợn địa phương được nuôi tại tỉnh Bắc Kạn, tùy từng địa phương có nhiều tên gọi khác nhau như: Lợn bản địa, lợn ta, lợn đen, mu ta, mu đăm gọi chung là giống lợn địa phương.

a) Về đặc điểm màu sắc, lông, da: Căn cứ vào màu sắc, lông, da được chia ra làm 03 nhóm: (i) Nhóm có lông, da đen tuyền, (ii) nhóm có lông đen có một số điểm trắng, (iii) nhóm có lông lang trắng đen. Trong các nhóm, nhóm có lông, da đen tuyền với đặc điểm tương đối nhỏ, còn nhiều nét hoang sơ hơn so với hai nhóm còn lại.

b) Về đặc điểm ngoại hình: Đầu nhỏ, mõm dài và thẳng, trán phẳng, lông dài và dày, tai nhỏ vểnh hoặc hơi cúp và hơi hướng về phía trước, ngực sâu, lưng hơi võng, bụng gọn, tiền thấp hậu cao, khỏe mạnh, mắt tinh nhanh, đi lại nhanh nhẹn,..

Giống lợn địa phương.

2. Một số chỉ tiêu về sinh trưởng và sinh sản của giống lợn địa phương

TT Chỉ tiêu kỹ thuật Đơn vị tính Kết quả nghiên cứu
I LỢN NÁI    
1 Số con đẻ ra/ lứa Con/lứa 5,55 – 6,3
2 Số con sống đến 60 ngày tuổi/lứa Con/lứa 5,10 – 5,43
3 Tỷ lệ nuôi sống đến 60 ngày tuổi % 86,19 – 94,35
4 Khối lượng sơ sinh Kg/con 0,33 – 0,55
5 Khối lượng cai sữa Kg/con 3,50
6 Số lứa đẻ/năm Lứa/năm 02
7 Khối lượng 02 tháng tuổi Kg/con 4,96
II LỢN THỊT
1 Khối lượng 02 tháng tuổi Kg/con 4,96
1 Khối lượng 03 tháng tuổi Kg/con 8,37
2 Khối lượng 04 tháng tuổi Kg/con 11,76 – 18,13
3 Khối lượng lợn thịt (07- 08 TT) Kg/con 39,5
4 Khối lượng xuất bán lợn thịt (12 TT) Kg/con 41,93
5 Sinh trưởng tuyệt đố (là sự tăng lên về khối lượng, kích trước của cơ thể vật nuôi trong khoảng thời gian giữa 2  lần khảo sát (TCVN -1997)) g/con/ngày 125,7

II. Quy trình chăn nuôi lợn địa phương từ Báo cáo tổng kết Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi lợn địa phương theo hình thức bán hoang dã tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn

  1. Kỹ thuật xây dựng chuồng trại và bãi chăn thả

– Xây chuồng hướng Nam hoặc Đông Nam.

– Chọn địa điểm tương đối bằng phẳng, cao và dễ thoát nước để xây dựng chuồng nuôi, nơi có khả năng cung cấp nước thuận tiện và dễ bảo vệ; không quá gần đường giao thông chính.

– Chuồng nuôi được xây dựng chia làm 05 ô (trong đó: 02 ô chuồng nái đẻ, 01 ô chuồng lợn con, 01 ô chuồng lợn thịt, 01 ô chuồng đực giống); diện tích mỗi chuồng nuôi  từ 4 – 5 m2 các chiều từ 2m x (2-2.5m); trường hợp không nuôi lợn đực giống thì thiết kế 04 ô chuồng nuôi.

 – Diện tích bãi chăn thả lợn từ 300 – 500m2; bãi chăn, thả phải có hàng rào bảo vệ chắc chắn và có độ cao cách mặt đất là 1,5m; nguyên liệu có thể dùng tre, nứa, vầu,.. đan thành hàng rào chắc chắn, dùng đá kè vào phía sau với độ cao là 30 – 40cm. Nếu không có đá thì phải có những cọc tre dài 70 – 80cm đóng sâu xuống đất 30cm với khoảng cách giữa 2 cọc là 10m.

* Kiểu chuồng:

Kiểu chuồng nuôi bán mái, chiều cao chuồng, đỉnh mái cao 2,5m, mái trước cao 2m, mái sau cao 1,5m, lợp bằng lá cọ, tre,…

Vách ngăn giữa các ô chuồng: Làm bằng gỗ hoặc tre, đảm bảo chắc chắn. Có cửa ra vào chắc chắn, độ cao vừa phải từ 90 – 100cm.

Hệ thống nền chuồng: Làm bằng bê tông có độ dày là 5cm, độ dốc 5%.

Hệ thống rãnh thoát phân và nước thải: Đằng sau dãy chuồng nuôi cần làm hệ thống rãnh thoát phân và nước thải có độ sâu là 30cm, có độ dốc và tập trung tại một hồ chứa phân và nước thải.

Máng ăn: Sử dụng phải phù cho từng loại lợn, chất liệu bằng gỗ hoặc các vật liệu khác đảm bảo chắc chắn, dễ vệ sinh.

  1. Kỹ thuật chọn giống

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường cần chọn những lợn có màu sắc lông da đen tuyền. Tuy nhiên nếu những trường hợp không tìm được những con lợn có màu sắc lông da đen tuyền thì có thể chọn những con lợn có màu sắc lông da đen và một số điểm trắng ở gương mũi, móng chân.

– Kết cấu ngoại hình: Đầu nhỏ mõm dài và thẳng, trán phẳng, tai nhỏ vểnh hoặc hơi cúp và hơi hướng về phía trước, ngực sâu, lưng hơi võng, bụng gọn, tiền thấp hậu cao, khỏe mạnh, mắt tinh nhanh, đi lại nhanh nhẹn, không có khuyết tật như đi vòng kiềng, đi chữ bát, 4 chân khỏe mạnh.

– Chọn lợn cái: Chọn lợn có số lượng vú từ 10 – 12 vú, khoảng cách các vú đều nhau, lộ rõ đầu vú, không chọn con vú kẹ. Chọn con có âm hộ to vừa phải, không chọn những con có âm hộ quá bé và dị dạng.

– Chọn lợn đực:  Chọn lợn đực khỏe mạnh, có hai hòn cà cân đối và nổi rõ, có từ 10 – 12 vú, không chọn con có dịch hoàn ẩn hoặc không cân đối.

Lợn lai giữa lợn rừng đực với lợn nái địa phương thả rông có sức đề kháng cao, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống cao, chất lượng thịt được người tiêu dùng ưa chuộng. Lợn có lông  màu hung đen hay xám đen, lông dọc theo sống lưng và cổ dài và cứng hơn, ánh mắt lấm lét trông hoang dã.

  1. Thức ăn nuôi

Thức ăn chủ yếu là thức ăn có sẵn tại địa phương, không được sử dụng các chất kích thích sinh trưởng làm ảnh hưởng đến sản phẩm thịt của lợn.

Các loại thức ăn gồm có: Cám ngô, cám gạo, khoai, sắn, thân cây chuối, dây lang, các loại cỏ, các loại quả xanh,… mỗi ngày cho lợn ăn 2 lần (nên đúng giờ) vào buổi sáng và buổi chiều.

* Phương thức chế biến thức ăn

Nên cho lợn ăn thức ăn đã nấu chín, các loại rau xanh, thân cây chuối có thể thái, băm nhỏ trộn với cám đã nấu chín cho ăn. Lượng thức ăn cho ăn: Các loại rau xanh: 2 – 3kg/con/ngày. Thức ăn tinh: 0,3 – 0,5kg/con/ngày.

Đối với lợn đực giống ăn thêm những loại thức ăn ngâm nảy mầm như giá đỗ, thóc mầm. Khi phối giống cho ăn thêm 1 – 2 quả trứng gà; bổ sung thêm các loại khoáng như: Premix vitamin – khoáng (có bán trên thị trường) cho tất cả các loại lợn.

Cho lợn uống đủ nước sạch hằng ngày.

  1. Chăm sóc nuôi dưỡng

4.1. Chăm sóc lợn đực giống

Lợn đực giống phải nuôi riêng và có chế độ bồi dưỡng nhất định, ngày phối bổ sung thêm thức ăn tinh (thóc mầm) và 1 – 2 quả trứng gà; hàng ngày để lợn vận động tự do trong ô chuồng riêng của lợn đực, để giúp cho lợn rèn luyện thể chất, nâng cao phản xạ tính dục, nâng cao phẩm chất tinh dịch…

Chú ý tuyệt đối không cho mượn lợn đực hay thả lợn đực ra ngoài khu vực vườn, bãi nuôi.

4.2. Chăm sóc lợn nái sinh sản

 – Xác định thời điểm phối giống: Cần theo dõi để biết lợn nái động dục và cho phối giống; ghi vào sổ ngày động dục, ngày phối giống. Chu kỳ động dục của lợn thường diễn biến trong phạm vi 19 – 23 ngày (bình quân 21 ngày). Thời gian động dục thường kéo dài 3 – 4 ngày.

– Những biểu hiện khi lợn động dục: Lợn kêu, bỏ ăn hoặc ăn ít, phá chuồng, thích nhảy lên lưng con khác, âm hộ tấy đỏ sau đó chuyển sang màu tím tái và mê ì (để cho con khác nhảy lên lưng, để tay lên lưng lợn không thấy lợn bỏ chạy) là thời điểm phối giống thích hợp để thả lợn nái động dục vào chuồng lợn đực để phối giống.

* Chú ý:  Chờ cho đến khi lợn đực nhảy lợn cái 02 lần là đạt yêu cầu và đưa lợn nái ra ngoài. Sau khi lợn cái được phối giống, phải nhốt lợn cái vào một ô chuồng riêng, sau khi lợn cái có chửa mới thả ra sân chơi.

– Trong quá trình lợn có chửa, cho ăn như bình thường (0,5kg cám ngô, cám gạo nấu chín + với rau, chuối,…). Khi chửa được 84 ngày, cho ăn nhiều hơn (0,8kg cám ngô, gạo nấu chín + rau, chuối). Cho ăn đủ bột khoáng để phòng chống bại liệt khi đẻ.

– Cách ngày dự kiến lợn đẻ 02 ngày, giảm lượng thức ăn xuống (bằng1/2 – 1/3 lúc bình thường), ngày lợn đẻ không cho ăn hoặc cho rất ít. Sau khi lợn mẹ đẻ xong, không nên cho ăn nhiều ngay, mà tăng dần lượng thức ăn đến ngày thứ 4 – 5 mới đạt yêu cầu.

– Kỹ thuật đỡ đẻ cho lợn

Khi lợn nái đẻ cần phải trực đẻ, cho thêm chất độn chuồng như: rơm, lá khô để lợn làm ổ đẻ; lúc lợn đẻ, phải hộ sinh cho lợn con, cụ thể như sau:

+ Một tay cầm chắc mình lợn, một tay dúng khăn khô lau sạch dịch nhờn ở mồm, mũi và toàn thân cho lợn. Các động tác cần thực hiện nhẹ nhàng, khéo léo để lợn con không kêu nhiều ảnh hưởng đến lợn mẹ.

+ Cắt rốn: Chỉ cắt rốn lợn con trong những trường hợp rốn quá dài, nên dùng chỉ thắt lại chỗ cắt, độ dài rốn để lại là 4 – 5cm, rồi cắt bằng kéo đã sát trùng, sau khi cắt rốn dùng cồn Iot sát trùng vết cắt.

+ Bấm nanh: Dùng bấm móng tay loại to để bấm răng nanh, số răng nanh phải bấm là 8 cái (4 cái hàm trên, 4 cái hàm dưới), sau đó cho lợn con vào thùng hoặc thúng có lót rơm, hoặc vải mềm; đỡ đẻ lần lượt từng con một, cho đến khi hết thì vệ sinh chuồng lợn mẹ và cho lợn con bú mẹ.

– Kỹ thuật cho lợn con bú

Lần cho bú đầu tiên, ta phải tập cho lợn con bú và cố định đầu vú cho từng con  để lợn con quen với vị trí của mình, khi cố định đầu vú cho lợn con thì những con yếu, con có khối lượng sơ sinh thấp cho con bú ở những vú phía trên ngực (nhiều sữa hơn), những con khỏe mạnh và có khối lượng sơ sinh cao hơn thì cho bú ở những vú phía sau (ít sữa hơn) để cho những con nhỏ có thể bú được nhiều sữa hơn, tạo tỷ lệ đồng đều trong đàn lợn.

  1. Chăn nuôi lợn con theo mẹ

– Lợn con sau khi đẻ phải được chăm sóc sạch sẽ, mùa đông chuồng phải được sưởi ấm, luôn khô ráo; có phên, bạt che, chắn rét cho lợn con và lợn mẹ khi trời mưa, gió rét.

– Tiến hành tiêm sắt cho lợn con 2 lần vào lúc 3 và 10 ngày tuổi.

– Khi lợn con đạt 15 – 20 ngày tuổi, cần nhốt riêng để cho lợn con tập ăn bằng cách nấu chín cám ngô, gạo tấm, bột đậu tương, bột khoáng cho vào khay ăn để lợn con liếm láp, tập ăn dần. Khi lợn biết ăn và ăn tốt, tăng dần lượng thức ăn.  Nên cho lợn con ăn tự do (theo khả năng ăn). Chú ý cho lợn con ăn đúng bữa và đúng thời gian quy định; đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; không để chuồng nuôi lợn con và lợn mẹ quá bẩn.

– Khi lợn con được 15 ngày tuổi tiến hành thiến những lợn đực không đủ tiêu chuẩn làm giống.

– Khi lợn con ăn tốt, khỏe mạnh, chúng ta tiến hành cai sữa. Nên cai sữa khi đạt 45 ngày. Ngày cai sữa, không cho lợn mẹ ăn, hạn chế cả nước uống, giảm cả thức ăn của lợn con, những ngày tiếp theo tăng dần lượng thức ăn.

– Phương pháp tiến hành cai sữa cho lợn con: Khi lợn con được 42 – 45 ngày tuổi đã cứng cáp, ăn tốt những thức ăn thì tiến hành cai sữa cho lợn con. Có thể áp dụng phương pháp cai sữa dần sau 3 ngày thì tách hẳn lợn con khỏi lợn mẹ, công việc tiến hành như sau: Thả lợn mẹ ra sân chơi, để lợn con ở lại trong chuồng cũ trong vòng 2 – 3 ngày, ngày đầu cho lợn mẹ gặp lợn con 2 – 3 lần, ngày thứ 2 cho lợn mẹ về gặp lợn con 1 – 2 lần, ngày thứ 3 tách hẳn lợn mẹ khỏi lợn con.

  1. Công tác thú y

– Ăn uống sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, uống nước sạch, thức ăn thô xanh phải rửa sạch trước khi cho ăn, thức ăn tinh phải nấu chín.

– Chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ;

– Sát trùng chuồng trại theo định kỳ.

– Định kỳ tiêm phòng vắcxin: Tụ dấu, Phó thương hàn, Dịch tả, LMLM.

– Khi lợn bị ốm, cần tham khảo ý kiến của cán bộ thú y huyện và xã./.

(Xem tiếp tại phần sau)

Nông Thị Cúc

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000832
Hôm nay : 77
Trong tháng : 2328
Trong năm : 8704
Tổng : 39318
Skip to content