Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây hồng không hạt

Hồng không hạt là cây ăn quả đặc sản của tỉnh Bắc Kạn, được trồng chủ yếu tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Ngân Sơn. Tổng diện tích hiện có là 686 ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 393 ha, năng suất trung bình 43,9 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.726 tấn. Diện tích đã được đầu tư thâm canh là 38 ha, diện tích được chứng nhận VietGAP 3,1 ha, diện tích được chứng nhận ATTP là 02 ha.

Quả hồng không hạt ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Để giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, Sở Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây hồng không hạt cụ thể như sau:

  1. Đốn tỉa, tạo hình

Sau khi thu hoạch, cắt bỏ những cành khô, cành cong, cành mọc thẳng đứng, cành bị sâu bệnh để tạo ánh sáng và tập trung dinh dưỡng cho cây, đối với những cành đã ra quả ở năm trước thì năm sau nên cắt 1/3 cành để ra cành mới.

  1. Chăm sóc, bón phân

Áp dụng các biện pháp chăm sóc thường xuyên như tưới nước, tủ gốc giữ ẩm cho cây…, nên trồng xen các loại cây họ đậu để lấy ngắn nuôi dài và cải tạo đất.

Mô hình trồng hồng không hạt tại xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn.

Hàng năm bón phân cho cây trồng theo tỷ lệ sau:

Bảng 2: Lượng phân bón (kg/cây)

Tuổi cây Đạm ure Lân supe Kaly clorua Phân hữu cơ
1 – 3 0,25 – 0,3 0,5 – 0,8 0,25 – 0,35 10 – 20
4 – 5 0,35 – 0,4 0,5 – 0,8 0,35 – 0,4 20 – 30
6 – 7 0,35 – 0,4 0,5 – 0,8 0,4 – 0,5 20 – 30
8 – 10 0,4 – 0,6 0,8 – 1,0 0,4 – 0,5 20 – 30
11 – 14 0,5 – 0,7 0,8 – 1,0 0,5 – 0,6 30 – 50
15 – 20 0,8 – 1,0  1,0 – 1,2 0,6 – 0,7 30 – 50
Trên 20 năm 1,0 – 1,2 1,5 – 1,7 0,7 – 0,8 30 – 50

Hoặc có thể dùng phân N.P.K loại 5.10.3 hoặc loại phân N.P.K 12.5.10 bón với lượng bón từ 2 – 3 kg/cây; phân hữu cơ vi sinh bón 2-3 kg/cây.

– Cách bón: Đào rãnh sâu 20cm, rộng 20 cm theo hình chiếu mép tán, luân phiên theo lần bón, bón làm 3 lần.

+ Lần 1: Bón 100% phân chuồng + 80% supe lân + 60% đạm ure + 50% kali clorua, bón vào tháng 1 đến tháng 2 hàng năm.

+ Lần 2: Bón 20% supe lân + 20% đạm ure + 25% kali clorua, bón vào tháng 4 – 5.

+ Lần 3: Bón nốt số phân còn lại của cả năm: 20% đạm ure + 25% kali clorua, bón vào tháng 10 – tháng 11.

Cây hồng rất dễ bị rụng quả nhất là từ tháng 3 đến tháng 7 do vậy cần cung cấp dinh dưỡng cho cây nuôi quả bằng cách tưới nước phân NPK theo tỷ lệ 1% mỗi tháng tưới 1 – 2 lần.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

So với các loài cây ăn quả khác thì cây hồng ít bị sâu bệnh hại hơn, song vẫn cần chú ý một số loại sau:

3.1. Rệp sáp

 * Thời gian phát sinh và gây hại: Rệp gây hại mạnh khi cây ra lộc, thường sống thành từng ổ, chích hút nhựa cây; trong quá trình sống nó tiết ra một lớp sáp che chở cơ thể rệp. Rệp hút nhựa trên lá, chồi, tai quả non, làm cho các búp, lá non co rúm lại, hoa quả rụng, cây sinh trưởng còi cọc. Chất thải của rệp tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển.

* Biện pháp quản lý:

– Dùng máy bơm nước có áp suất cao, tia nước mạnh xoáy vào những chỗ bị rệp bám sẽ rửa trôi bớt rệp.

– Mật độ rệp cao phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Boxing 485EC, Confidor 400WG, Confidor 100SL…

3.2. Sâu ăn lá

* Thời gian phát sinh và gây hại: Các loại sâu ăn lá phát sinh và gây hại quanh năm. Sâu kèn làm lá thủng từng lỗ, sâu đo ăn trụi lá hồng, sâu cuốn tổ, cuốn các lá non làm tổ, ăn lá non hoặc bọ cánh cứng ăn lá vào ban đêm.

* Biện pháp quản lý: Khi mật độ sâu cao tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc như: Trebon 10EC, Shepa 25EC, Decis 2.5EC… hoặc bắt sâu bằng tay.

3.3. Sâu đục thân

* Thời gian phát sinh và gây hại: Trưởng thành đẻ trứng từ tháng 5 đến tháng 6, Sâu gây hại trong thân 8 đến 10 tháng, làm cây sinh trưởng kém, lá vàng dần, năng suất giảm, hại nặng làm cây chết.

* Biện pháp quản lý

– Vào tháng 2 – 3 hàng năm, tiến hành quét vôi hoặc thuốc Booc đô quanh thân, gốc cây.

– Vào tháng 4 – 6 bắt diệt xén tóc trưởng thành vào sáng sớm và chiều tối.

– Dùng gai mây hoặc dây sắt luồn vào lỗ đục để tiêu diệt sâu non.

– Tỉa cành thường xuyên để cành thông thoáng; cắt cành mới héo do sâu đục cành gây ra.

– Dùng xi lanh bơm nước thuốc trừ sâu (ví dụ như Patox 95SP) hoặc dùng bông thấm nước thuốc nhét vào lỗ đục, sau đó lấy đất thịt bịt kín lỗ đục lại.

– Cây bị hại quá nặng thì cưa tận gốc, nếu dùng làm củi nên đun hết trước mùa xuân, nếu sử dụng vào việc khác phải ngâm nước để tiêu diệt nhộng.

3.4. Sâu đục quả

* Thời gian phát sinh và gây hại: Trưởng thành (Bướm) xuất hiện vào tháng 5 – 7, đẻ trứng ở cuống hoặc tai quả, sâu non vừa nở ra đã đục vào tâm và làm quả rụng.

* Biện pháp quản lý:

– Nhặt quả non bị sâu đục đem huỷ.

– Khi mật độ sâu cao thì phun một trong các loại thuốc như: Patox 95SP, Sherpa 25EC, Fastac 5EC…

3.5. Bệnh giác ban

* Điều kiện phát sinh và gây hại: Bệnh do nấm gây ra, gây hại trên lá và tai quả (có khi trên quả cũng bị) vết bệnh có màu nâu sáng ở giữa, ngoài rìa sẫm hơn. Bệnh chủ yếu xuất hiện trong mùa mưa (tháng 7 đến tháng 9) làm quả héo, rụng.

* Biện pháp quản lý: Cắt, nhặt và đốt hết lá bệnh, phun các loại thuốc: Boocdo nồng độ 1% hoặc Kasuran nồng độ 1%.

3.6. Bệnh thán thư

* Điều kiện phát sinh và gây hại: Bệnh do nấm gây ra, phát sinh gây hại mạnh ở nhiệt độ khoảng 250C, thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều.

* Biện pháp quản lý:

– Cắt tỉa, tạo tán cho cây thông thoáng.

– Bón phân cân đối, hạn chế bón nhiều phân đạm.

– Thu gom và tiêu hủy cành, lá, quả bị bệnh để tránh lây lan.

– Sử dụng các loại thuốc như Daconil, Aliette, Ridomil Gold… để phun đều trên tán lá, gié hoa và quả non vào các thời điểm trước khi nở hoa, sau khi nở hoa 3-5 ngày và quả non để phòng trừ bệnh.

Ngoài ra còn có một số loại bệnh như: Bệnh đốm tròn, bệnh phấn trắng gây hại trên lá, thân và quả hồng./.

Quỳnh Thu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000826
Hôm nay :
Trong tháng : 1852
Trong năm : 8228
Tổng : 38842
Skip to content