Phát triển chuỗi giá trị dong riềng hữu cơ giúp người dân nâng cao thu nhập, yên tâm sản xuất

Cây dong riềng được đưa vào trồng tại huyện Na Rì từ những năm 80 của thế kỷ XX để chế biến ra sản phẩm miến dong, cho đến nay thì Na Rì vẫn là đơn vị có diện tích trồng dong riềng nhiều nhất của tỉnh Bắc Kạn. Cây dong riềng được đánh giá có năng suất, thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, là cây trồng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Từ củ dong riềng chế biến thành Miến dong được người tiêu dùng đánh giá là đặc sản của tỉnh Bắc Kạn. Ngày 29/4/2021, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 1253/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00106 cho sản phẩm miến dong “Bắc Kạn”, đây là cơ hội để xây dựng và phát triển thương hiệu miến dong Bắc Kạn.

Tuy nhiên, những năm gần đây do giá củ dong không ổn định, có năm chưa đáp ứng được với chi phí đầu tư vào sản xuất, nên diện tích dong riềng giảm dần do người sản xuất chuyển dần sang cây trồng khác hoặc đi lao động ngoài tỉnh dẫn đến nguy cơ về nguyên liệu để chế biến miến bị thiếu hụt.

Tổ chức lại sản xuất để phát triển bền vững

Để phát triển chuỗi giá trị dong riềng hữu cơ, hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa, trong hai năm 2021 – 2022, được sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ – CSSP và Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ củ dong riềng tại xã Quang Phong, huyên Na Rì và kết nối với HTX Tài Hoan để tiêu thụ củ dong riềng cho hộ dân tham gia liên kết.

Mã số nông hộ để truy xuất nguồn gốc.

Các hộ tham gia chuỗi giá trị đã thành lập 03 nhóm với 49 hộ tham gia, diện tích sản xuất gần 08ha (chia theo địa bàn của thôn) để thuận lợi cho các hoạt động tập huấn, hướng dẫn; bàn bạc, thống nhất các yêu cầu, điều kiện cần thực hiện khi tham gia chuỗi giá trị.

Hướng dẫn về quy trình sản xuất hữu cơ cho các hộ trồng.

Chia sẻ tại buổi Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện chuỗi giá trị dong riềng hữu cơ năm 2022, bà Nguyễn Thị Hoan giám đốc Hợp tác xã chia sẻ “Hợp tác xã đã gắn bó với người sản xuất dong riềng từ rất lâu, nhưng đến năm 2022 mới thực hiện kí kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ củ dong riềng với người sản xuất, trong Hợp đồng liên kết thể hiện rõ các quyền lợi, trách nhiệm của các bên và giá thu mua củ dong riềng được dự kiến thấp nhất là 1.700 đồng/kg và giá trị tăng thêm của củ dong riềng hữu cơ so với giá củ dong riềng sản xuất thông thường tại thời điểm là 200 đ/kg, điều này giúp người sản xuất yên tâm vì nếu trên thị trường giá củ dong có xuống thấp hơn thì hợp tác xã vẫn thu mua tối thiểu là 1.700 đ/kg. Mong rằng trong quá trình hợp tác liên kết, các hộ sản xuất có vấn đề gì còn khó khăn thì cùng phối hợp với hợp tác xã để bàn bạc tháo gỡ để hai bên có mối liên kết bền vững”.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo Chi cục thăm mô hình sản xuất dong riềng hữu cơ.

Hiệu quả từ chuỗi giá trị dong riềng hữu cơ

Khi tham gia mô hình phát triển chuỗi giá trị dong riềng, thành viên tham gia liên kết được hỗ trợ kỹ thuật trồng, các điều kiện để áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ lập hồ sơ quản lý nội bộ của hợp tác xã và chi phí giám sát, đánh giá chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

Chia sẻ của ông Hoàng Văn Hồng “Năm 2022, gia đình tôi tham gia chuỗi giá trị với 3.000m2 dong riềng trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, khi chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ cây dong riềng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm được đánh giá đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, ngoài ra mặc dù mấy hôm nay trời mưa nhưng đất vẫn tơi thuận lợi cho việc thu hoạch. Theo thống kê trên diện tích 306m2, năm 2022 sản lượng thu được 2,2 tấn củ (tương ứng năng suất 71,9 tấn/ha) tăng 0,3 tấn củ so với năm 2021 (tương ứng năng xuất 62 tấn/ha)”. Như vậy, với giá bán cao hơn sản xuất thông thường 200 đồng/kg, năm 2022 chuyển sang sản xuất hữu cơ 3.000m2 gia đình ông Hồng đã có thêm thu nhập 4,3 triệu đồng so với sản xuất thông thường (tương ứng với giá trị tăng thêm 14,3 triệu đồng/ha).

Chia sẻ của bà Nông Thị Bình “Gia đình tôi trồng 3.000m2 dong riềng, đầu tư 15 bao phân hữu cơ Quế Lâm (mỗi bao 25 kg) và 60 bao phân mục tự ủ từ bã dong riềng. Cây dong riềng sinh trưởng tốt hơn những năm trước, đất tơi xốp, củ to, rất thuận lợi cho việc thu hoạch, sang năm tôi tiếp tục thực hiện theo sản xuất hữu cơ”. Theo thống kê, ước tính năng xuất dong riềng của nhà bà Nông Thị Bình đạt trung bình 90  – 100 tấn/ha.

Bên cạnh những gia đình thực hiện tốt theo yêu cầu của sản xuất hữu cơ, vẫn còn có những gia đình cũng chưa thực hiện theo hướng dẫn, theo ông Hoàng Văn Sương chia sẻ “Năm đầu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên gia đình tôi chưa có kinh nghiệm, chưa bón đầy đủ phân hữu cơ theo nhu cầu của cây, tuy nhiên cây dong vẫn sinh trưởng tốt, đất tơi hơn, củ chắc và ít rễ hơn, sang năm gia đình tôi tiếp tục thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ”.

Như vậy, theo chia sẻ của một số hộ dân thì việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ thì số kinh phí đầu tư cho sản xuất không cao hơn so với sản xuất thông thường, cây dong riềng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, đất trồng tơi xốp, năng suất chất lượng không bị giảm nếu được đầu tư theo nhu cầu của cây, theo tính toán nêu năng xuất củ dong riềng đạt trung bình từ 60 – 70 tấn/ha, mỗi ha người dân có thu nhập tăng thêm từ  12 – 14 triệu đồng/ha, với diện tích 7,49 ha sản xuất hữu cơ năm 2022 của xã Quang Phong người dân có thu nhập tăng thêm khoảng 100 triệu đồng, đây là niềm vui của người trồng dong khi chuyển sản sản xuất hữu cơ.

Ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm và phế thải nông nghiệp.

Việc tự thu gom, xử lý chất thải từ chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm chi phí mua phân bón hóa học, giảm phát thải lượng hóa chất dư thừa từ việc sử dụng phân bón ra môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, theo bà Lý Thị Yến chia sẻ “Củ dong riềng hữu cơ, sau khi thu hoạch để hôm sau củ vẫn khô ráo, còn những năm trước sản xuất thông thường có bón phân vô cơ thì củ dong thu hoạch để hôm sau củ bị ướt dẫn đến giảm năng xuất, chất lượng sản phẩm”.

Từ những kết quả trên cho thấy, việc chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích. Tại buổi Hội thảo, công bố chứng nhận củ dong riềng đạt tiêu chuẩn hữu cơ, ông Nguyễn Ngọc Cương, phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị phòng chuyên môn của UBND huyện Na Rì; UBND xã Quang Phong tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất dong riềng hữu cơ, xây dựng và phát triển sản xuất dong riềng theo chuỗi giá trị để hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững; đề nghị người sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất dong riềng theo tiêu chuẩn hữu cơ, bán củ dong riềng cho Hợp tác xã theo như cam kết và khuyến khích mở rộng sản xuất hữu cơ sang các cây trồng khác; đề nghị Hợp tác xã Tài Hoan tiếp tục duy trì phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu ổn định để chế biến miến dong”./.

Hồng Thắng

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000826
Hôm nay : 16
Trong tháng : 1781
Trong năm : 8157
Tổng : 38771
Skip to content