Chỉ đạo sản xuất vụ Xuân năm 2023

Để chủ động trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị sản xuất, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất vụ xuân năm 2023, ngày 22 tháng 12 năm 2022 Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Kạn ban hành Văn bản số 2856/SNN-TT, BVTV&QLCL về việc chỉ đạo sản xuất vụ Xuân năm 2023, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

  1. Về thời vụ và cơ cấu giống gieo trồng

– Cây lúa: Thời gian gieo mạ xung quanh tiết lập xuân (mùng 4 tháng 2 năm 2023 dương lịch), lưu ý cần áp dụng biện pháp làm mạ có che phủ nilon để chống rét; phấn đấu cấy tập trung trong tháng 2, đầu tháng 3, kết thúc gieo cấy trước ngày 15/3/2023.

Che phủ nilon giúp giữ ấm cho mạ (Ảnh Internet).

Bố trí các nhóm giống lúa có cùng thời gian sinh trưởng theo từng vùng sản xuất để thuận lợi cho chăm sóc, quản lý sâu bệnh và thu hoạch, cụ thể như sau:

Nhóm giống có thời gian sinh trưởng từ 115 – 120 ngày, gồm có Khang dân 18, lúa Japonica VAAS16 (QJ4 ), Hà Phát 3, HDT10, BQ, CNC11.

Nhóm giống có thời gian sinh trưởng từ 125 – 130 ngày, gồm có giống Nhị ưu 838, 27P31, Ly2099, LP1601, Syn 98, Đại dương 1.

Nhóm giống có thời gian sinh trưởng từ 132 – 135 ngày như giống lúa Japonica J02.

Lưu ý: Đối với các giống lúa có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn cao như: J02, Ly 2099… cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ hợp lý ngay từ giai đoạn mạ, hạn chế bệnh phát sinh, phát triển, ảnh hưởng đến sản xuất. Các địa phương có điều kiện thời tiết đặc thù, thường xuyên xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại, cần khuyến cáo sử dụng các giống có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biết chống chịu với bệnh đạo ôn.

Đối với những diện tích sản xuất lúa hữu cơ, cần lưu ý thực hiện các quy định về chuyển đổi sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ và ưu tiên lựa chọn các giống lúa thuần, giống địa phương phù hợp với điều kiện đất đai, điều kiện thời tiết của địa phương, có khả năng chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh hại chính, không sử dụng các giống biến đổi gen, các giống đã qua xử lý bằng hóa chất.

– Cây ngô: Đối với đất ruộng, soi bãi bắt đầu trồng từ giữa tháng 2, trồng xong trước 15/3; đất đồi bắt đầu trồng từ đầu tháng 3, xong trước 30/4. Sử dụng các giống ngô lai có tiềm năng năng suất như: NK4300, CP511, Biosed 9698, AG59, HN68, HN88; giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/GT có khả năng kháng sâu đục thân và sâu keo mùa thu cao; giống ngô NK7328 để sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.

Lưu ý: Không sử dụng các giống ngô biến đổi gen cho sản xuất hữu cơ.

– Cây thuốc lá: Gieo ươm cây con trong tháng 12/2022, trồng trong tháng 01/2023.

– Cây dong riềng: Sử dụng các giống DR1, giống dong riềng địa phương. Căn cứ vào quy hoạch vùng trồng, khả năng liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn nông dân lựa chọn những diện tích phù hợp,chuẩn bị giống, phân bón để trồng năm 2023. Thời gian trồng từ tháng 01 đến hết tháng 3; tổ chức trồng rải vụ để đảm bảo sản lượng củ dong riềng khi thu hoạch phù hợp với khả năng tiêu thụ, chế biến; chọn giống tại những diện tích không nhiễm bệnh; chọn củ nhánh có chồi mầm tròn chưa mọc thành cây, không trồng củ quá non hoặc quá già.

– Cây khoai môn: Tập trung trồng trong tháng 02 đến đầu tháng 3 năm 2023.

– Cây khoai lang: Sử dụng giống khoai lang ăn củ chất lượng cao như Hoàng Long (thời gian sinh trưởng từ 85- 95 ngày), các giống khoai lang ăn lá, làm thức ăn chăn nuôi. Thời gian trồng từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3 năm 2023.

– Đối với đậu tương, lạc: Thời gian trồng từ giữa tháng 2, kết thúc gieo trồng trong tháng 3 năm 2023. Sử dụng các giống đậu tương ngắn ngày, có tiềm năng năng suất cao, gồm các giống DT84, DT90, DT96, VX9-3; các giống lạc như: Lạc đỏ, L14, L27, L29.

– Cây mía: Tập trung trồng từ tháng 1 đến hết tháng 2 năm 2023, lưu ý các biện pháp tưới nước giai đoạn đầu để cây bật mầm, đẻ nhánh khỏe.

– Cây gừng, nghệ: Tập trung trồng trong tháng 2, đầu tháng 3, lưu ý các biện pháp chọn và xử lý củ giống trước khi trồng để hạn chế bệnh hại phát sinh, phát triển.

– Cây chè: Tập trung trồng trong tháng 2, 3 và tháng 8, 9 năm 2023 khi đất đủ ẩm; lưu ý biện pháp tưới, tủ gốc giữ ẩm khi trồng và kỹ thuật thiết kế, kiến thiết cơ bản để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch. Thường xuyên kiểm tra, trồng dặm, tủ gốc giữ ẩm cho cây.

– Rau đậu các loại: Tùy từng loại rau, đậu để lựa chọn khung thời vụ phù hợp với mục đích quay vòng đất nhanh, đảm bảo an toàn thực phẩm, đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác.

– Cây ăn quả các loại: Tập trung chăm sóc, cải tạo thâm canh diện tích hiện có để tăng năng suất, chất lượng. Triển khai diện tích trồng mới theo kế hoạch.

Lưu ý: Đối với các loại cây ăn quả đặc sản, cây chè, dong riềng,các địa phương cần chủ động trong việc triển khai đạt mục tiêu tại các Kế hoạch thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035, đặc biệt là việc xác định vùng trồng theo quy trình ATTP, VietGAP, hữu cơ và chuẩn bị nguồn giống trồng mới đảm bảo chất lượng.

  1. Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác

– Đối với cây lúa: Tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI); sản xuất lúa hữu cơ; chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

Lưu ý về biện pháp làm đất: Chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện phát dọn vệ sinh đồng ruộng, đối với đất trồng lúa cần phải cày ải hoặc ngâm dầm những diện tích không trồng cây vụ Đông, nhằm hạn chế các độc tố gây hại cây trồng và giúp tiêu diệt mầm mống dịch hại trong đất, tập trung cày xong trong tháng 12/2022, đầu tháng 01/2023.

– Đối với cây ngô: Áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh để phát huy tối đa tiềm năng, năng suất của giống; diện tích ngô trồng trên đất đồi áp dụng phương pháp canh tác bền vững trên đất dốc như trồng theo băng kết hợp trồng cây phân xanh giảm thiểu sự xói mòn, rửa trôi.

– Cây chất bột (dong riềng, khoai môn, khoai tây, khoai lang): Áp dụng phương pháp canh tác bền vững và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Riêng cây dong riềng áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật theo hướng dẫn tại văn bản số: 2073/SNN-TT,BVTV&QLCL ngày 20/9/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật để phát triển cây dong riềng đảm bảo theo mục tiêu giao tại Kế hoạch số 775/KH-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh.

– Cây rau, đậu các loại: Áp dụng sản xuất theo hướng thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm; khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, sản xuất đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, hữu cơ.

– Cây công nghiệp: Tăng cường liên kết sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn, sản xuất được chứng nhận như VietGAP, hữu cơ, …

– Cây ăn quả: Tăng cường chăm sóc, bón phân, cắt tỉa và quản lý sâu bệnh hại, bón đủ phân theo quy trình tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển thuận lợi, nhằm đạt năng suất, chất lượng tốt.

– Đối với sử dụng phân bón và thuốc BVTV:

+ Về phân bón: Khuyến khích sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh; sử dụng phân bón vô cơ hợp lý, hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường.

+ Về thuốc BVTV: Phải phun thuốc theo “kỹ thuật 4 đúng” và ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học.

Lưu ý: Trên cơ sở các cơ chế chính sách của nhà nước đã ban hành, khuyến khích người dân sản xuất gắn với các tổ chức liên kết sản xuất – tiêu thụ, áp dụng theo quy trình sản xuất ATTP, VietGAP, hữu cơ nhằm tăng giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.

  1. Công tác chuẩn bị vật tư nông nghiệp

Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn chuẩn bị cung ứng các loại giống cây trồng theo chỉ đạo cơ cấu giống của ngành đảm bảo đủ số lượng, chất lượng; tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình cung ứng giống trước thời vụ sản xuất.

Tăng cường công tác quản lý việc cung ứng giống cây trồng, các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng hàng hóa, xử lý nghiêm theo quy định các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng.

  1. Công tác khác

Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ đầu vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, đài phát thanh xã, phường để nông dân biết và gieo trồng theo cơ cấu chỉ đạo về giống cây trồng, thực hiện nghiêm về thời vụ và các biện pháp kỹ thuật, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc BVTV; các vấn đề liên quan đến mã số vùng trồng đối với các loại nông sản khi tham gia lưu thông vào các thị trường trong và ngoài nước.

Thực hiện việc nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy đảm bảo đủ nước tưới phục vụ sản xuất; phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả.

Thực hiện tốt công tác báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất khi có thiên tai, dịch hại xảy ra theo quy định để có biện pháp xử lý kịp thời.

Chủ động ứng phó và có giải pháp khắc phục kịp thời các điều kiện thời tiết bất lợi như­ rét đậm, rét hại,mưa lũ, hạn hán và sâu bệnh hại nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất vụ Xuân năm 2023.

Giao Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng là đầu mối chủ trì tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề nghị của các huyện, thành phố trong quá trình triển khai chỉ đạo kỹ thuật sản xuất vụ Xuân 2023, tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT giải quyết, tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền./.

Quỳnh Thu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000826
Hôm nay : 80
Trong tháng : 1845
Trong năm : 8221
Tổng : 38835
Skip to content