Hướng dẫn kỹ thuật vỗ béo bò thịt

Vỗ béo bò thịt trước khi giết mổ là biện pháp hiệu quả để nâng cao sản lượng và chất lượng thịt bò. Thực hiện vỗ béo bò từ việc phối hợp nguồn thức ăn thô xanh và thức ăn tinh hợp lý, sẵn có, giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng cho bò tăng trọng cao nhất trước khi giết mổ, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người chăn nuôi.

  1. Đối tượng vỗ béo
    Bò đưa vào nuôi vỗ béo là các bò đực – cái không sử dụng vào mục đích sinh sản, cày kéo; bò gầy do thiếu dinh dưỡng; bò hướng thịt hết giai đoạn nuôi lớn; bê nuôi hướng thịt.

Để nuôi vỗ béo lấy thịt đạt hiệu quả cao cần chọn những con không quá già, không mắc bệnh.

Bò bị bệnh thông thường phải điều trị khỏi bệnh trước khi đưa vào vỗ béo.

Ngoài ra cần lưu ý đến các yếu tố sau:

– Giống: Các giống bò lai phát triển nhanh hơn các giống bò địa phương.

– Giới: Bò đực tăng trọng nhanh hơn bò cái.

– Tuổi: Bò càng già hiệu quả sử dụng thức ăn càng kém, khả năng tăng trọng chậm.

– Thể trạng: Bò có thể trạng gầy, khung xương to cho hiệu quả cao hơn bò có thể trạng béo.

Bò nuôi vỗ béo tại xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể.
  1. Kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo

Để nuôi bò vỗ béo thành công cần phải thực hiện đúng kỹ thuật lựa chọn đối tượng bò vỗ béo, độ tuổi vỗ béo, thức ăn vỗ béo, phòng trị bệnh và ký sinh trùng…

– Chuẩn bị vỗ béo: Những con bò thuộc đối tượng nêu trên phải được phân theo nhóm tuổi, giống, giới tính, thể trạng và tầm vóc. Đối với bò bị bệnh thông thường phải điều trị khỏi bệnh trước khi đưa vào vỗ béo.

– Trong giai đoạn vỗ béo: Định kỳ cân, đo khối lượng bò 30 ngày/1 lần. Kiểm tra lượng thức ăn bò ăn hàng ngày. Cho bò uống đủ nước sạch theo nhu cầu.

2.1. Chuồng trại và phương thức vỗ béo

* Chuồng trại:

– Chuồng nuôi bò đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông bò đi lại tự do trong chuồng. Hướng chuồng xây theo hướng Nam hoặc Đông Nam, diện tích chuồng nuôi bình quân 3-5 m2/ con.

– Tùy theo quy mô mà chuồng có thể xây dựng 1 dãy hoặc 2 dãy. Nền chuồng phải làm chắc, không láng trơn, có độ dốc 2-3% về phía rãnh thoát.

– Cần trang bị máng ăn, máng uống dọc theo hành lang, kích thước máng ăn 60 cm x 120 cm, cao phía sau 80 cm, cao phía trước 50 cm, trong lòng máng hình lòng mo. Kích thước máng uống dài x rộng x sâu là 60 cm x 60 cm x 40 cm. Rãnh thoát nước thải thiết kế phía sau rộng 30 cm, sâu 30 cm, độ dốc 5-8%.

– Ngoài ra cần bố trí thêm hố ủ phân hoặc hầm biogas, hệ thống rèm che cách tầm bò với 1-1,5m, hệ thống cây xanh chống nóng cho bò trong mùa hè, …

* Phương pháp vỗ béo:

– Nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp thức ăn, nước uống và cho ăn tự do theo nhu cầu. Theo dõi số lượng thức ăn hàng ngày để bổ sung và điều chỉnh lượng thức ăn cho kịp thời. Xác định khối lượng bò trước và sau khi vỗ béo.

2.2. Tẩy ký sinh trùng

– Tẩy ngoại ký sinh trùng như: Ve, ghẻ, rận và nội ký sinh trùng như giun sán đường ruột: Sử dụng các loại thuốc có phổ hoạt rộng như Ivermectin tiêm cho bò. Liều sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Điều trị sán lá gan bằng thuốc Fasiolid để tiêm hoặc thuốc Dertyl-B cho uống. Liều sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

2.3. Thức ăn

Thức ăn dùng vỗ béo bò bao gồm: Thức ăn thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung khoáng và vitamin…

* Khẩu phần ăn cho bò vỗ béo theo 3 giai đoạn như sau:

– Thức ăn thô xanh cho bò ăn tự do cả ngày và đêm.

– Bổ sung thức ăn tinh cho 1 con bò trong 1 ngày đêm như sau:

+ Ngày thứ nhất đến ngày thứ 10 của quá trình vỗ béo cho ăn 01 kg cám hỗn hợp;

+ Ngày thứ 11 đến ngày thứ 30 cho ăn 02 kg cám hỗn hợp;

+ Ngày thứ 31 đến ngày thứ 90 cho ăn 03 kg cám hỗn hợp.

– Tuỳ từng điều kiện chăn nuôi hộ gia đình, trang trại nên bổ sung các phụ phẩm nông nghiệp khác như bã bia (từ 5-8kg/con/ngày)… để giảm lượng thức ăn thô xanh, tăng nhanh khối lượng trong thời gian vỗ béo.

– Ngoài việc cho ăn các khẩu phần trên cần bổ sung cho bò ăn thêm khoáng và vitamin thông qua cho ăn các tảng đá liếm có bán trên thị trường.

– Kết thúc vỗ béo: Đo hoặc cân khối lượng bò để tính khả năng tăng trọng. Tính tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng. Tính hiệu quả kinh tế để có định hướng cho chăn nuôi kỳ sau.

2.4. Vệ sinh thú y

Tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi trước, trong và sau khi vỗ béo. Phát hiện và điều trị bệnh kịp thời cho bò trong giai đoạn vỗ béo, đặc biệt các bệnh về đường tiêu hóa.

2.5. Thời gian vỗ béo

– Nuôi vỗ béo trong vòng từ 60 đến 90 ngày tùy thuộc vào thể trạng và khả năng hấp thu dinh dưỡng của bò, dự kiến tăng trọng từ 800 – 1.200 gam/con/ngày đêm. Sau khi kết thúc nuôi vỗ béo bò người chăn nuôi bán hoặc giết thịt ngay.

– Nếu dưới 2 tháng thì bò chưa phát huy hết khả năng tăng trọng, còn nếu kéo dài trên 3 tháng thì nuôi sẽ bị lỗ do bò sử dụng nhiều thức ăn tinh và lúc này bò khả năng tăng trọng của bò giảm dần, hiệu quả kinh tế sẽ không cao./.

Hoàng Thị Yến

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Công tác bảo vệ vật nuôi thuỷ sản trong mùa mưa lũ

Chuẩn bị, gia cố lại bờ ao, khung lồng bè nuôi - Trước mùa mưa lũ bà con cần kiểm tra, vệ sinh,...

Ba hợp tác xã điển hình tiếp nhận vốn vay ưu đãi với lãi...

Với sứ mệnh “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người” trong năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có 03 hợp tác xã...

Chỉ đạo sản xuất cây trồng vụ Đông năm 2024

Để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng của ngành, khắc phục và bù đắp thiệt hại do cơn bão số 3 (YAGI) gây ra...

Hướng dẫn phục hồi vườn cây ăn quả sau bão lũ

Để hướng dẫn bà con ổn định sản xuất, khắc phục thiệt hại sau mưa bão, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ban hành...

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000995
Hôm nay : 65
Trong tháng : 1390
Trong năm : 20930
Tổng : 51544
Skip to content