(Kèm theo Quyết định 54/QĐ-SNN, ngày 29/02/2024 của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Kạn về ban hành về hướng dẫn kỹ thuật tạm thời trồng, chăm sóc cây Giang lấy lá trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn)
Tên khoa học: Maclurochioa sp
Tên khác: Mạy làng, lau toóng, giang nhung
Họ: Hoà thảo – Pcaceee Phân họ: Tre – Bambusoideae
Nhóm: Loài cây lâm sản ngoài gỗ
- Đặc điểm hình thái
Cây có thân ngầm dạng củ, thân khí sinh mọc trườn lên mặt đất hay leo bám trên ngọn cây gỗ xung quanh. Lóng dài 40 – 60 cm hoặc hơn, đường kính 4 – 6 cm, vách dày 5 – 6 mm. Trên và dưới vòng mo có vòng phấn rộng, mỗi bên 3 cm, mắt lớn, nổi rõ, rộng 3 – 5 cm, cao 3 cm. Các lóng gốc có cành chính ở giữa phát triển to gần bằng thân, cành cấp hai nhiều, có khi đến 30 cành, nhỏ và gần bằng nhau. Cành chính thường rất dài và phát triển giống như thân, nhờ đó cây dựa vào các cây gỗ xung quanh để leo cao. Bẹ mo hình thang, cao 17 – 21 cm, đáy rộng 10 – 12 cm, đỉnh 6 cm, phía ngoài bẹ có sọc màu tím, phủ nhiều lông màu hung, tai mo rộng 1,5 cm, cao 5 mm, có nhiều lông mi dài, màu xám; thìa lá 1 mm, lá mo hình trứng, lưỡi mác, đứng thẳng hay lật lại, khi non thường có 3 ngấn rõ, màu xanh vàng, chỗ rộng nhất 8 cm, đáy 4 – 6 cm, cao 10 – 20 cm, mặt lưng nhẵn, có sọc tím, mặt bụng có nhiều lông hung, thìa lìa cao 0,5 – 1 cm. Lá hình mác thuôn dài, đầu vút nhọn, gốc lệch, mặt trên xanh đậm, dưới xanh nhạt, lá đạt quy cách để hái xuất khẩu thường có kích thước bề rộng mặt lá từ 8cm trở lên, chiều dài phiến lá đạt từ 35 cm trở lên.
- Đặc điểm sinh học
– Độ cao phân bố của cây Giang từ 100 – 700 m so với mặt nước biển, cá biệt lên tới 800 – 1.000 m, độ dốc 20 – 300, thường gặp mọc trên các địa hình chân núi, thung lũng, ven đường đi hoặc dọc theo sông suối. Chúng mọc trên các loại đất Feralite trên núi hoặc Feralite đỏ vàng trên đá trầm tích và mác ma chua. Đất có mùn trung bình đến hơi nghèo, kết cấu hạt thô đến kết cấu viên, thành phần cơ giới thịt nhẹ.
– Cây Giang thường xuất hiện sau nương rẫy, dưới tán rừng thứ sinh thưa, lẫn với các cây gỗ mọc nhanh như gáo, vạng…..cũng có khi lẫn với các loài tre khác như nứa và vầu đắng. Chúng thường mọc thành từng đám, từng đồi. Ở rừng ổn định, mỗi heta có khoảng 4.500 – 5.000 cây, nếu kể cả số cành lớn có kích thước bằng thân, thì số lượng thân và cành tới 10.000 cây/ha. Thân cây thường đổ ngã lên nhau nên việc đi lại trong rừng giang rất khó.
- Điều kiện đất đai
Giang là họ tre nứa nên gọi là cây chịu khổ, trồng thích hợp ở mọi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu,… nhưng chỗ đất ẩm càng tốt.
- Thời vụ trồng
– Vụ xuân hè: Là vụ trồng chính, khi thời tiết thuận lợi mưa nhiều bắt đầu trồng từ tháng 3 đến tháng 5. Nếu thời tiết mát, mưa kéo dài có thể kết thúc trồng vào trung tuần tháng 6.
– Vụ thu: Trồng vào tháng 8 và tháng 9.
- Cây giống
Tiêu chuẩn cây giống: Cây giống phải được giâm trong bầu Polyety (PE), cây giống trước khi đem trồng 01 tháng cần phải đảo bầu và cắt đứt các rễ ăn sâu xuống đất. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh.
- Kỹ thuật gây trồng
6.1. Phương thức, phương pháp và mật độ trồng
– Phương thức trồng: Trồng thuần loài.
– Phương pháp trồng: Trồng bằng cây con có bầu.
– Mật độ trồng: 625 cây/ha (cây cách cây 4,0 m, hàng cách hàng 4,0 m).
6.2. Chuẩn bị đất trồng
– Xử lý thực bì: Phát trắng toàn bộ, tiến hành thu gom xác thực vật xếp theo đường đồng mức.
– Làm đất: Theo hố, kích thước hố 40 x 40 x 40cm (dài x rộng x sâu). Khi cuốc hố lớp đất mặt để riêng, lớp đất nền để riêng.
– Bố trí cây trồng:
+ Trên đất dốc: Bố trí cây trồng hình nanh sấu.
+ Trên đất bằng: Bố trí cây trồng thẳng hàng.
6.3. Lấp hố và bón lót
– Dùng cuốc gạt toàn bộ phần đất mặt (đất màu, tơi xốp) xung quanh hố và lớp đất mặt đã để riêng lúc cuốc hố xuống 1/2 – 2/3 chiều sâu hố đào.
– Bón lót phân hữu cơ (phân chuồng hoai hoặc phân xanh đã ủ kỹ) với liều lượng 15 – 30 kg; phân vi sinh hoặc phân vô cơ từ 0,2 – 0,3 kg/hố đảo đều hỗn hợp đất – phân, sau đó lấp một lớp đất mặt (3 cm) lên trên tránh rễ cây tiếp xúc trực tiếp với phân.
6.4. Kỹ thuật trồng
– Trồng vào những ngày râm mát có mưa nhỏ hoặc nắng nhẹ và đất trong hố phải đủ ẩm. Rải cây đến đâu trồng ngay đến đó, phải trồng hết trong ngày.
– Dùng cuốc nhỏ hoặc bay tạo lỗ chính giữa hố đã được lấp bằng hỗn hợp đất – phân, độ sâu lỗ đảm bảo khi đặt cây giống xuống thì mặt bầu thấp hơn mặt hố từ 4 – 5cm.
– Xé bỏ vỏ bầu PE, tránh không làm vỡ bầu đất.
– Đặt bầu cây xuống hố trồng theo phương thẳng đứng. Nơi đất dốc đặt chiều nghiêng của hom hướng theo đỉnh núi. Nơi đất bằng, đặt chiều nghiêng của hom theo cùng một hướng.
– Tiến hành lấp đất: Có thể dùng tay hoặc chân giẫm nhẹ cho đất chặt nhưng tránh làm hư hại đến bầu. Vun đất dày 4 – 5 cm phủ kín mặt bầu theo hình mâm xôi. Trồng xong dùng cỏ khô hoặc cành lá cây phủ gốc để giữ độ ẩm cho cây.
- Chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ rừng
7.1. Trồng dặm
– Tiến hành trồng dặm sau khi trồng 01 tháng hoặc chậm nhất tại lần chăm sóc đầu tiên trên toàn bộ diện tích trồng rừng.
– Trồng dặm toàn bộ những cây bị chết và trồng thay thế các cây sinh trưởng kém, cây không có khả năng phát triển.
7.2. Chăm sóc
– Số lần chăm sóc: Chăm sóc ba năm đầu sau khi trồng.
+ Năm thứ nhất: Từ 1 – 2 lần.
+ Từ năm thứ 2 trở đi: Từ 2 – 3 lần.
– Nội dung chăm sóc:
+ Phát toàn bộ dây leo, cây bụi trên toàn bộ diện tích.
+ Rẫy cỏ, phá váng xung quanh hố trồng với đường kính 1 m.
7.3. Nuôi dưỡng rừng
a) Chặt tu bổ vệ sinh rừng
Thời gian chặt từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.
– Bài cây chừa: Chọn những cây mẹ bánh tẻ khoẻ mạnh, bố trí đều trong khóm, số lượng cây để lại 6 – 8 cây/khóm.
– Bài cây chặt: Những cây già, những cây bị sâu bệnh, khóm có hiện tượng khuy.
– Kỹ thuật chặt: Bới hở gốc cây cần chặt, dùng dụng cụ như dao hoặc rìu chặt sát gốc. Dọn sạch cây và cành nhánh ra khỏi rừng.
b) Bón phân – rẫy cỏ vun gốc
– Bón phân: Hàng năm bón hai lần (sau mỗi lần hái lá)
+ Thời gian bón:
Lần 1: Tháng 2 đến tháng 3.
Lần 2: Tháng 7 đến tháng 8.
+ Khối lượng bón: Phân hữu cơ (phân chuồng hoai hoặc phân xanh đã qua ủ kỹ) từ 15 – 30 kg/hố. Phân vô cơ từ 0,2 – 0,3 kg/gốc.
+ Kỹ thuật bón: Dùng cuốc bới đất sát cây trong khóm theo rãnh sâu 15 – 20cm. Tiến hành rải đều phân hữu cơ cùng phân vô cơ xung quanh gốc trên rãnh đã cuốc sau đó lấp lại đất.
– Rãy cỏ vun gốc: Rẫy sạch cỏ xung quanh khóm. Dùng cuốc vun đất tơi xốp lấp kín phân. Chiều cao gốc vun đến 2/3 lóng thứ nhất của cây trong khóm. Chiều rộng gốc vun từ 30 – 40 cm tính từ cây ngoài cùng của khóm tới mép rãnh ngoài của gốc vun.
7.4. Bảo vệ rừng
a) Phòng trừ sâu bệnh hại
Chủ yếu dùng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để phòng trừ sâu bệnh hại.
– Cuốc xới rộng 1 m xung quanh khóm để diệt ấu trùng của sâu hại măng.
– Chăm sóc, phát dọn định kỳ đúng mùa vụ để hạn chế các loại rệp hại thân, lá và bệnh gỉ sắt.
– Trường hợp có sâu cuốn lá dùng thuốc Nitox 1% phun trên toàn bộ diện tích có sâu hại xuất hiện.
b) Phòng cháy và chữa cháy rừng
Tăng cường công tác phòng chống cháy rừng, áp dụng Quy phạm phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Phạm vi áp dụng
Hướng dẫn kỹ thuật tạm thời trồng cây Giang lấy lá được áp dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.