Cây gừng được trồng trên tất cả các huyện và thành phố của tỉnh Bắc Kạn trong đó, tập trung nhiều tại huyện Chợ Mới, Pác Nặm và Na Rì, hiện nay cây gừng đã được trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và hình thành các chuỗi sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Diện tích trồng gừng biến động qua các năm. Cụ thể năm 2017 toàn tỉnh có 281 ha tới năm 2018 tăng lên 324 ha, nhưng đến năm 2021 lại giảm còn 278 ha, sản lượng đạt 7.117 tấn. Năng suất gừng của tỉnh đạt ở mức trung bình từ 25-27 tấn/ha và biến động qua các năm.

Sản xuất nông nghiệp nói chung và việc trồng gừng nói riêng hiện nay cũng đã và đang chịu ảnh hưởng của thời tiết bất thuận như mưa nhiều kéo dài, hạn hán, xói mòn, rửa trôi, nắng nóng…gây ra nhiều khó khăn trong quá trình canh tác, làm giảm năng suất và chất lượng củ gừng ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển của cây gừng, làm sâu bệnh hại phát sinh diện rộng, đặc biệt là bệnh cháy lá và bệnh thối củ trên cây gừng. Hàng năm diện tích gừng bị bệnh ngày càng gia tăng từ vài ha đến vài chục ha gây nhiều thiệt hại cho người nông dân sản xuất gừng. Vì vậy, để hỗ trợ người dân về các giải pháp kỹ thuật thích ứng làm giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra và góp phần nâng cao năng suất, chất lượng củ gừng, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành tài liệu “Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác cây gừng thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bắc Kạn”.
Quỳnh Thu