Chuối tây là loại cây ăn quả được trồng hầu hết tại các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn, là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.
Diện tích trồng chuối tây biến động qua các năm, cụ thể: Năm 2015 toàn tỉnh chỉ có khoảng 400ha, đến năm 2021, diện tích cây chuối cho thu hoạch là 1.307ha, năng suất bình quân đạt 12 tạ/ha, sản lượng 15.600 tấn.
Ngày 25/2/2021, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 263/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị chuối tây tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2023. Bắc Kạn sẽ thực hiện xây dựng các liên kết để phát triển cây chuối tây trở thành chuỗi giá trị bền vững, ổn định, lâu dài với quy mô sản xuất tập trung trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và thị trường trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 1.500 ha trồng chuối, sản lượng 18.000 tấn, trong đó 70-80% sản lượng chuối sẽ được đưa vào chế biến thành các sản phẩm như chuối sấy dẻo, rượu chuối, mứt chuối, chuối sấy khô… Từ đó phát triển sản xuất chuối trở thành ngành sản xuất hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Tuy nhiên những năm gần đây, thời tiết thay đổi không theo quy luật, thời tiết mưa nắng, nhiệt độ, ẩm độ thay đổi thất thường, hạn hán, mưa bão… làm cho cây chuối tây sinh trưởng phát triển kém, phát sinh nhiều sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đốm lá và bệnh héo rũ Panama… ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển, năng suất và chất lượng cây chuối.
Vì vậy, để hỗ trợ người dân về các giải pháp kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu trên cây chuối tây nhằm giảm thiểu thiệt hại và góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành tài liệu “Hướng dẫn các giải pháp canh tác cây chuối tây thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bắc Kạn”./.
Quỳnh Thu