Dự án “Xây dựng mô hình Sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng quy mô nhóm hộ” do Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng là Cơ quan chủ trì, triển khai trên địa bàn 4 tỉnh (Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn và Bắc Kạn); thời gian thực hiện 2021-2023; Để đánh giá được các kết quả của dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2023, ngày 19/12/2023 Trung tâm khuyến nông tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả xây dựng mô hình “Sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng quy mô nhóm hộ” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”.
Tham dự hội nghị có ông Hoàng Văn Hùng-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn; ông Nguyễn Bảo Ngọc-phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng; Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Pác Nặm, đại diện phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Pác Nặm, đại diện UBND xã Bằng Thành, Bộc Bố; 20 hộ dân tham gia mô hình và đại diện doanh nghiệp Công ty TNHH A&C Hà Nội.
Hội nghị đã đánh giá các kết quả triển khai xây dựng mô hình trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong 02 năm 2022-2023 cụ thể như sau: Dự án đã xây dựng được 02 mô hình sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng quy mô nhóm hộ tại TT Nà Phặc huyện Ngân Sơn, và xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm; Công xuất thực tế các mô hình đều đạt từ 12-15m3 ván bóc/ngày đêm; sản lượng ván bóc xuất khẩu tăng 20%, hiệu quả kinh tế tăng 15% so với phương pháp truyền thống. Sản lượng ván bóc thành phẩm được sấy và bảo quản đạt trung bình từ 1.000-1.500m3/năm/mô hình.
Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn hoàn thành các nội dung về đào tạo tập huấn và thông tin tuyên truyền: tổ chức được 02 lớp tập huấn trong mô hình cho 20 hộ tham gia; tổ chức 01 lớp tập huấn ngoài mô hình; 02 hội thảo đầu bờ nhân rộng mô hình; 01 hội nghị sơ kết; thiết kế và tạo 04 pano lắp đặt tại các mô hình; viết được 02 tin bài đăng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và khuyến nông địa phương; phát hành các tờ rơi giới thiệu về các thông tin kết quả của dự án.
Mô hình ứng dụng công nghệ sấy ván bóc gỗ rừng trồng giúp các hộ dân chủ động được thời gian sản xuất, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào thời tiết, nâng cao hiệu suất làm việc, năng suất lao động, giảm thời gian nông nhàn và người dân có thu nhập ổn định quanh năm. Giảm áp lực về công lao động trong khâu hong phơi ván trước tình hình thiếu lao động nông thôn tại các địa phương và thời tiết mưa nhiều. qua đó giúp các hộ dân nắm được các kỹ thuật cơ bản về sấy và bảo quản gỗ bóc rừng trồng và ứng dụng các kiến thức đã được học vào thực tế sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Qua đánh giá các kết quả của dự án cho thấy đối với Bắc Kạn, là địa phương có diện tích độ che phủ rừng cao nhất cả nước như hiện nay (trên 73%) thì việc ứng dụng các kỹ thuật, chuyển giao máy móc thiết bị công nghệ sấy ván bóc cho người dân trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết và hiệu quả, góp phần gia tăng chuỗi giá trị gỗ rừng trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Kinh tế lâm nghiệp nói chung và ngành Công nghiệp chế biến gỗ nói riêng đã và đang giữ vai trò quan trọng, đóng góp giá trị lớn trên các mặt kinh tế – xã hội – môi trường và an ninh quốc phòng của tỉnh. Dự án cũng kiến nghị Chính quyền địa phương, UBND tỉnh quan tâm tới các chủ trương, chính sách về quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu, chế biến, hình thành chuỗi cung ứng và tiêu thu sản phẩm ván bóc, ván gỗ dán, để công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bắc Kạn phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh./.
Lý Thị Tiệp