Với mục tiêu ứng dụng công nghệ sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng nhằm giảm tỷ lệ hư hao khi thu hoạch, nâng cao chất lượng ván bóc, cung cấp nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu góp phần nâng cao giá trị gia tăng gỗ rừng trồng. Năm 2022, Viện nghiên cứu công nghiệp rừng – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn xây dựng mô hình “Sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng quy mô nhóm hộ” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Mô hình sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng quy mô nhóm hộ thuộc dự án khuyến nông Trung ương năm 2022 với quy mô 1 hệ thống máy sấy, với 10 hộ tham gia tại xã Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn. Thời gian triển khai mô hình từ tháng 2/2022 đến tháng 12/2023, do Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng là đơn vị chủ trì thực hiện dự án.
Tham gia mô hình các hộ nông dân được nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí theo dự toán (hệ thống thiết bị sấy và bảo quản, vật tư, hóa chất) và được tập huấn về quy trình kỹ thuật sấy và bảo quản gỗ bóc từ gỗ rừng trồng do giảng viên của Viện nghiên cứu công nghiệp rừng – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam trực tiếp giảng dạy.
Theo báo cáo kết quả thực hiện bước đầu cho thấy, mô hình đã thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, đủ nội dung theo thuyết minh và đạt được mục tiêu đề ra, đã thu hút được sự tham gia của người dân và chính quyền địa phương. Cụ thể, Viện nghiên cứu công nghiệp rừng phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn xây dựng mô hình “Sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng quy mô nhóm hộ” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, qua đánh giá sơ kết kết quả thực hiện mô hình bước đầu hệ thống thiết bị sấy và bảo quản đáp ứng công suất 10-12m3/ngày đêm; sản lượng ván bóc xuất khẩu tăng 20%, hiệu quả kinh tế tăng 15% so với phương pháp truyền thống. Sản lượng ván bóc thành phẩm được sấy và bảo quản đạt trung bình từ 1.000-1.500m3/năm/mô hình; bên cạnh đó đơn vị phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn tổ chức 01 lớp tập huấn cho 10 hộ tham gia về quy trình kỹ thuật sấy và bảo quản gỗ bóc từ gỗ rừng trồng, qua đó giúp các hộ dân nắm được các kỹ thuật cơ bản về sấy và bảo quản gỗ bóc rừng trồng và ứng dụng các kiến thức đã được học vào thực tế sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Mô hình ứng dụng công nghệ sấy các hộ chủ động được thời gian sản xuất, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào thời tiết, nâng cao hiệu suất làm việc, năng suất lao động, giảm thời gian nông nhàn và người dân có thu nhập ổn định quanh năm. Giảm áp lực về công lao động trong khâu hong phơi ván trước tình hình thiếu lao động nông thôn tại các địa phương và thời tiết mưa nhiều.
Việc ứng dụng hệ thống sấy và bảo quản ván bóc gỗ rừng trồng quy mô nhóm hộ tạo sự chuyển biến nhận thức về vai trò ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lâm nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa trên địa bàn hướng đến phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng công nghệ, bền vững./.
Quỳnh Thu