Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bắp cải

  1. Thời vụ

Ở các tỉnh phía Bắc có 3 vụ trồng cải bắp chủ yếu:

– Vụ sớm: Gieo cuối tháng 7 đầu tháng 8, trồng cuối tháng 8 và tháng 9 để thu hoạch vào tháng 11, tháng 12.

– Vụ chính: Gieo tháng 9-10, trồng giữa tháng 10 đến hết tháng 11 để thu hoạch vào tháng 1-2 năm sau.

– Vụ muộn: Gieo tháng 11, trồng vào giữa tháng 12 để thu hoạch vào tháng 2-3 năm sau.

  1. Làm đất, bón phân

Luống cải bắp rộng 1-1,2m, cao 15-20cm, rãnh luống rộng 20-25cm. Vụ sớm lên luống mai rùa cao để phòng mưa. Vụ chính và vụ muộn làm luống phẳng.

Rau bắp cải được trồng tại xã Đồng Tâm, huyện Chợ Mới.

– Mỗi hecta trồng cải bắp bón lót 20-25 tấn phân chuồng hoai mục (thời gian ủ trước khi bón ít nhất 3 tháng. Mỗi tấn phân tươi khi ủ rắc thêm 20kg vôi bột và 25kg supe lân). Nếu có lân hữu cơ vi sinh, cần bón 250-300kg/ha. Với lượng này có thể rút lượng phân chuồng còn 15-20 tấn/ha.

– Để đạt năng suất cao và giữ hàm lượng nitrat dưới 500mg/kg, cần bón mỗi hecta 120-150kgN trong vụ sớm (260-325kg urê), 150-180kgN trong vụ chính và vụ muộn (260-390kg urê).

– Nếu sử dụng lân hữu cơ vi sinh, cần bón thêm 60kg P2O5 (300kg supe lân), ngược lại bón 90kg P2O5 (hay 180kg supe lân).

– Lượng kali cần thiết cho mỗi hecta là 120kg K2O. Tốt nhất nên dùng dạng sulfat.

Bón lót toàn bộ phân chuồng + lân hữu cơ vi sinh +1/2 kali +1/4 đạm. Có 2 hình thức bón lót: Trải đều trên mặt ruộng trước khi lên luống hoặc bón vào hốc sau khi lên luống. Nếu bón theo cách thứ 2 phải trộn, đảo đều và lấp trước khi trồng.

Bón thúc làm 3 thời kỳ :

– Thời kỳ cây hồi xanh: Bón nốt lượng kali còn lại +1/3 lượng đạm còn lại. Cách bón: bón gốc cây kết hợp xới vun.

Số đạm còn lại chia đôi, hoà với nước tưới gốc vào 2 thời kỳ:

– Thời kỳ trải lá bàng: 30-35 ngày sau khi trồng.

-Thời kỳ cuốn bắp: 45-50 ngày sau trồng.

  1. Trồng, chăm sóc

Chọn những cây khỏe, cứng cáp, đồng đều để nhổ trồng vào buổi chiều (nếu trời nắng hanh). Trước khi trồng nhúng rễ cây vào dung dịch Sherpa 0,1-0,15%. Nếu sử dụng polietylen phủ đất, sau khi bón lót, phủ kín mặt luống, dùng đất chèn kỹ mép luống và đục lỗ trồng.

Trồng hai hàng nanh sấu trên luống. Phụ thuộc vào khối lượng bắp và thời vụ, trồng theo kích thước sau:

– Vụ sớm và muộn: 50 x40cm

– Vụ chính: 50 x 50cm

Sau khi trồng, tưới đẫm nước, sau đó tưới đều hàng ngày cho tới khi hồi xanh. Sau khi vun và bón thúc đợt 1, có thể tưới rãnh cho cây. Chú ý, để nước ngấm 2/3 luống phải tháo hết nước. Trước và sau khi mưa không nên tưới rãnh. Nước tưới phải sạch không có nguồn nhiễm bẩn. Đặc biệt không được tưới nước phân tươi.

Thời gian đầu, khi cải bắp còn nhỏ, có thể trồng xen xà lách, cải xanh và những cây có thời gian sinh trưởng dưới 30 ngày. ở vụ chính có thể kết hợp trồng xen cà chua với tỷ lệ: cứ 2 luống cải bắp lại trồng một luống cà chua. Hình thức này làm giảm rõ rệt mật độ sâu tơ lứa 3.

  1. Bảo vệ thực vật

– Áp dụng nghiêm ngặt quy trình quản lý dịch hại tổng hợp đối với cây trồng họ Thập tự: vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm để tiêu diệt nguồn sâu non, nhộng của sâu khoang, sâu xám, sâu xanh,… Luân canh với lúa nước ở vùng rau 2 lúa + 1 vụ rau, với hành, tỏi, đậu tương ở vùng chuyên canh rau màu. Thường xuyên quan sát đồng ruộng, phát hiện, bắt giết sâu xám đầu vụ, ngắt ổ trứng và ổ sâu non tuổi 1-2 của sâu khoang, nhổ bỏ kịp thời cây bị héo, nhũn.

4.1. Bệnh thối nhũn bắp cải

Tác nhân gây bệnh: Vi khuẩn Erwinia carotovora.

Dấu hiệu và triệu chứng:

Bệnh phát sinh nhiều khi bắp đã cuốn. Vết bệnh từ đầu bắp lan dần xuống phía gốc và ăn sâu vào trong bắp làm thành các khoảng trống, các lá bị héo rũ và cụp xuống để lộ ra cả bắp bị thối. Ở chỗ mô cây bị thối chứa đầy một chất dính màu vàng, có mùi hôi nồng khó chịu. Trong điều kiện khô nắng, các vết bệnh phía ngoài đỉnh bắp bị khô tạo thành các màng mỏng và trong.

Bệnh thối nhũn vi khuẩn trên bắp cải phát sinh nhiều trong điều kiện thời tiết tương đối nóng ấm, từ 25-30oC, ẩm độ cao, mưa nhiều. Đặc biệt, ở những ruộng thường xuyên ẩm ướt, bón nhiều đạm, thiếu kali hay bị bệnh nặng. Cây bị sâu hại cũng tạo điều kiện cho bệnh phát triển nhiều hơn.

Các biện pháp phòng trừ và quản lý:

– Phòng bệnh:

Vệ sinh đồng ruộng: Đảm bảo ruộng sạch tàn dư cây trồng từ vụ trước.

Kể cả bờ ruộng cũng phải dọn sạch các tàn dư cây trồng.

Tránh làm tổn thương đến cây trồng – các vết thương xây xát có thể là nơi vi khuẩn xâm nhập.

Kiểm tra ruộng thường xuyên và loại bỏ các bắp bị nhiễm nặng khỏi ruộng.

Luân cạnh cây trồng chỉ có giá trị hạn chế Erwinia vì nó có thể sống xót trên các mô cây chết trong đất nhiều năm.

– Khi bệnh xuất hiện trên ruộng:

Tỉa bỏ các lá gốc tạo điều kiện thoáng khí.

Không nên tưới nước vào buổi chiều mát hoặc bón nhiều phân đạm khi cây cuốn bắp.

Có thể dùng để phòng trừ bệnh thối nhũn vi khuẩn bắp cải bằng thuốc Poner 40TB. Tuy nhiên, để thuốc đạt hiệu quả như mong muốn, cần phải sử dụng sớm để phòng ngừa ngay từ khi bệnh chưa hoặc mới bắt đầu phát sinh đồng thời cần chú ý kết hợp xử lý thuốc với những biện pháp canh tác nêu ở trên thì hiệu quả phòng trừ mới cao.

4.2. Bệnh lở cổ rễ

Tác nhân gây bệnh: Nấm Rhizoctonia solani.

Dấu hiệu và triệu chứng:

Những vết lõm màu hơi sẫm phát triển trên các lá phía dưới gần đất. Cây bị bệnh yếu, bắp nhỏ, đôi khi héo và chết. Trong điều kiện ẩm ướt bệnh lây lan sang các lá bên cạnh và gây thối bắp. Toàn bộ bắp có thể bị thối khô, bắt đầu từ những lá bao phía ngoài

Điều kiện phát triển bệnh

Nấm Rhizoctonia solani thường tồn tại trong đất. Chúng có thể sống sót trên các vật liệu hữu cơ chết hoặc thối ở trong đất

Bệnh lở cổ rễ ( và bệnh chết cây con) xuất hiện ở những vùng thoát nước kém hoặc đã từng bị bệnh.

Bệnh phát triển trong điều kiện thời tiết ẩm ướt và nhiệt độ trong đất cao. Thiệt hại rễ do đất chặt và mặn có thể dẫn tới thất thu nhiều hơn vì bệnh lở cổ rễ.

Biện pháp phòng trừ và quản lý:

– Phòng bệnh:

Chọn nơi đất tốt, cao ráo, dễ thoát nước để làm vườn ươm sản xuất cây giống. Không nên làm vườn ươm ở những nơi trước đây đã từng bị bệnh lở cổ rễ và các loại nấm bệnh khác.

Khử trùng đất bằng vôi bột (30kg/sào Bắc bộ) hoặc các loại thuốc như: Regent 0,3G, Basudin 5G, 10 G/H (0,3-0,5 kg/sào Bắc bộ) trước khi trồng.

Chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, không dùng phân tươi (có chứa nhiều nấm bệnh) để bón lót hoặc làm bầu ươm.

Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, trồng đúng mật độ, khoảng cách nhằm tạo độ thông thoáng, giảm độ ẩm, hạn chế nấm bệnh phát sinh, phát triển.

Khơi thông mương rãnh tránh để đọng nước gây ngập úng hoặc để đất quá ẩm. Sử dụng chế phẩm TRICHODERMA trộn với phân chuồng đã được ủ hoai mục để bón lót hoặc đóng bầu với lượng dùng 4-5kg/sào Bắc bộ.

– Khi bệnh xuất hiện trên đồng ruộng:

Nhổ bỏ và đem tiêu hủy hết các cây bị bệnh để tránh lây lan ngay khi mới phát hiện.

Phun phòng hoặc phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Booc đô 1%, Rorigold 720 WP, Aviso 350SC, Anvil 5 SC, phun kỹ thân cây gần mặt đất và phần đất xung quanh gốc cây vào buổi sáng và chiều mát. Phun nhắc lại lần 2 sau 5 ngày. Xới xáo mặt luống nhằm giảm độ ẩm, hạn chế lây lan.

4.3. Bệnh sương mai – Peronospora parasitica

Tác nhân gây bệnh: Nấm Peronospora parasitica.

Triệu chứng:

Vết bệnh xuất hiện bắt đầu từ mép lá và ở phần cuối cuống lá. Vết bệnh hình tròn hoặc bán nguyệt. Đầu tiên màu xanh xám rồi chuyển sang xanh tối cuối cùng là màu đen. Giữa mô bệnh và mô khoẻ không có ranh giới ở mặt dưới lớp bệnh có 1 lớp mốc xám bao phủ lên.

Điều kiện phát sinh bệnh:

Khi nhiệt độ thấp, ẩm độ > 80%, bào tử nẫy mầm. Nhiệt độ thích hợp 24-30oC, tối thiểu 10-13oC đây là khoảng nhiệt độ cần thiết để cho động bào tử nang nảy mầm.

Khi nhiệt độ thấp bệnh phát triển mạnh vì nó phóng ra động bào nang nhiều. Ẩm độ càng cao cây sinh trưởng tốt, động bào nang phóng ra nhiều động bào tử và nó xâm nhập gây hại cho cây trồng (Nhiệt độ thích hợp 18-22oC, tối thiểu= 12oC).

Đêm mát và nhiệt độ ngày vừa phải (nhiệt độ tối thích là 15-18oC) kèm theo độ ẩm không khí cao thuận lợi cho bệnh phát triển. Ẩm độ cao thường xuất hiện trong mùa mưa, trong thời gian có nhiều sương, hoặc khi áp dụng biện pháp tưới phun mưa và khi mật độ trồng dày. Màng sương hay màng nước do mưa phùn tạo ra trên các tán lá cho phép các bào tử nảy mầm, xâm nhập và sản sinh ra nhiều bào tử nữa trên cây chủ mẫn cảm trong vòng 4 ngày.

Biện pháp phòng trừ:

  • Chọn giống kháng bệnh, cây khoẻ.
  • Tiến hành các biện pháp vệ sinh đồng ruộng như dùng luống ươm sạch, không trồng các cây họ hoa thập tự khác, huỷ bỏ các tàn dư cây trồng và cây dại họ hoa thập tự.
  • Chọn địa điểm trồng và mật độ trồng phù hợp để cây có thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong cả ngày.
  • Tỉa bớt cây con để khoảng cách 2-3 cm. Các cây con trồng quá dày sẽ làm độ ẩm không khí cao và tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của bệnh.
  • Để giảm sự lan truyền của bệnh qua tay người hoặc máy móc, hạn chế làm việc trên ruộng khi cây ướt.
  • Không cần đến các biện pháp phòng trừ khi các triệu chứng bệnh xuất hiện trên cây lớn ở cuối giai đoạn sinh trưởng.
  • Xử lý hạt trước khi gieo (Zineb 0,05%).
  • Dùng thuốc: Mancozeb 80 WP, Ridomil MZ 72WP, Rorigold 720 WP.

4.4. Bệnh sưng rễ bắp cải

Tác nhân gây bệnh: Nấm Plasmodiophora brasicae

Triệu chứng:

Triệu chứng rõ nhất là rễ phình to ra và có hình xương sống. Bệnh có thể xuất hiện ở rễ chính, rễ phụ và lông hút. Đôi khi nấm xâm nhập qua các vết thương xây sát ở phần thân cây dưới đất – vết u sưng xuất hiện ở đó và ở dưới đất. Những lá cây phía dưới cũng có thể chuyển sang màu vàng và bị rụng.

Điều kiện phát triển bệnh:

  • Qua hạt giống.
  • Bệnh có thể lan truyền qua đất (đất bám vào dày, dép, nông cụ… khi sử dụng trên ruộng), khi trồng cây hoặc tiêu nước, nấm không thể xâm nhập vào hạt và vì vậy không tồn tại trong hạt, trồng cây đã nhiễm bệnh từ vườn ươm là điều kiện thuận lợi cho bệnh lan truyền ra diện rộng.

Những phần rễ phình to chứa đầy các phân tử nấm. Khi rễ thối rữa, những bào tử nấm sẽ được giải phóng vào đất. Điều này thường xảy ra khi cây bị nhiễm không được dọn khỏi ruộng (làm vệ sinh đồng ruộng). Bào tử nấm gây bệnh sưng rễ bắp cải sống rất lâu và có thể tồn tại trong đất qua nhiều năm (7-20 năm) vì các bào tử có vỏ rất dày, bảo vệ chúng khỏi bị khô và nhiệt độ cao.

Phạm vi nhiệt độ cho nấm hoạt động là 9-35oC, nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển là 19-25oC. Bệnh thường gây hại nặng ở nơi đất thấp, thoát nước kém, ẩm độ cao.

Biện pháp quản lý và phòng trừ:

Các hoạt động phòng ngừa:

+ Chọn đất vườn ươm không nhiễm bệnh sưng rễ bắp cải và thoát nước tốt. Tốt nhất là sử dụng vườn ươm không trồng cây họ hoa thập tự trong nhiều năm. Biện pháp tích cực nhất là bón vôi thích hợp cho đất vườn ươm trước khi gieo hạt (có độ pH 7).

+ Không trồng cây con hiện tượng bị bệnh sưng rễ hoặc những cây trông bất bình thường, chỉ nên trồng những cây con khỏe. Nếu phát hiện có cây trồng nào có triệu chứng sưng rễ, thì nhiều cây khác chắc chắn đã bị nhiễm, mặc dù triệu chứng có thể chưa biểu hiện ra bên ngoài.

+ Cần phải làm sạch cỏ dại trên ruộng sản xuất vì có rất nhiều cỏ họ hoa thập tự có thể là ký chủ của bệnh sưng rễ bắp cải và các bệnh hại khác.

+ Cẩn thận với những ruộng của các nông dân khác bị nhiễm bệnh sưng rễ bắp cải. Sau khi thăm ruộng bị nhiễm, cần chú ý xử lý giày, dép… để không mang mầm bệnh về ruộng canh tác của mình.

Khi bệnh đã xuất hiện trên ruộng:

+ Nhổ cả rễ những cây bị nhiễm và huỷ theo đúng quy trình. Không vứt cây nhiễm cạnh ruộng, từ đây các bào tử sẽ xâm nhập vào đất và lại lan truyền vào ruộng.

+ Không cho những cây bị bệnh sưng rễ đã nhổ vào hố ủ phân. Khi nhiệt độ trong hố ủ phân không đủ cao (trên 60oC) để giết chết các bào tử.

+ Không nên dùng những cây bị nhiễm bệnh làm thức ăn chăn nuôi vì các bào tử gây bệnh sưng rễ bắp cải rất bền vững (có thể sống khi qua dạ dày và đường tiêu hoá của súc vật). Kết quả là bào tử sẽ lan truyền thông qua chất thải của vật nuôi.

+ Cần chú ý việc loại bỏ cây bị nhiễm chỉ mới làm cho bệnh không lan rộng thêm. Cần phải kiểm tra độ pH đất.

+ Dùng đất mới vỡ, chưa từng trồng bắp cải để làm vườn ươm. Nếu hạt giống được gieo ở đất bị nhiễm, chắc chắn sẽ đưa bệnh vào ruộng cùng với cây giống.

+ Khi đất bị nhiễm bệnh sưng rễ bắp cải nặng, nên thay đổi chủng loại cây trồng.

+ Phun thuốc bệnh không có hiệu quả đối với loại nấm này. Vì bào tử nấm rất bền vững do có lớp vỏ dày, nấm có thể sống bên trong rễ cây hoặc ở khá sâu trong đất nên các loại thuốc không thể tiếp xúc được.

+ Sau khi đã bón đủ vôi, phải sau vài vụ canh tác độ pH mới ổn định và đủ để tiêu diệt bệnh sưng rễ bắp cải.

4.5. Bệnh đốm vòng cho bắp cải

Tác nhân gây bệnh: Alterania brassicae

Dấu hiệu và triệu chứng:

  • Xuất hiện trên những lá già của bắp cải.
  • Ban đầu chỉ là các đốm nhỏ màu đen, sau đó lan rộng ra thành nhưng đốm tròn đồng tâm lớn hơn màu nâu đen, có đường kính khoảng 1-2cm đôi khi xung quanh có những vùng màu vàng.

Điều kiện phát triển bệnh:

  • Nấm đốm vòng lan truyền thông qua hạt giống cây trồng và tàn dư cây trống. Thậm chí là các lá già khô, chết vẫn có thể chứa các bào tử nấm sống.
  • Các bào tử bệnh đốm vòng có thể dễ dàng lan truyền nhờ gió, bị bắn đi cùng nước mưa hoặc bám vào các nông cụ, máy móc, người, khi cây ướt.
  • Mưa và thời tiết ẩm ướt thuận lợi cho bào tử phát triển. Bệnh có thể xuất hiện khi lá cây bị ẩm quá 9 tiếng.

Biện pháp phòng trừ:

  • Dùng giống sạch bệnh, hạt giống được phơi sấy ở nhiệt độ 30oC trong 24 giờ, xử lý khô bằng hoá chất Granozan, Falizan 4g/kg hạt.
  • Tồn trữ hạt ở nhiệt độ thấp, lạnh và ở nơi khô có H% < 65%.
  • Xử lý hạt bằng nước nóng trước khi gieo ở nhiệt độ : 48 – 50OC thời gian 20-25 phút.
  • Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư, tỉa bỏ lá già. Luân canh với cây lúa nước.
  1. Thu hoạch

Khi bắp cải cuốn chắc, đủ độ tuổi sinh trưởng thì thu hoạch. Chặt cao, sát thân bắp để dễ thu và xử lý gốc cây trên đồng ruộng. Loại bỏ lá ngoài, lá xanh trên bắp, rửa kỹ bằng nước sạch, để ráo, cho bao bì để đưa tiêu thụ./.

Ngọc Thị Phùng

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000838
Hôm nay : 65
Trong tháng : 2822
Trong năm : 9198
Tổng : 39812
Skip to content