Để chủ động quản lý sâu bệnh hại cây lúa, bảo vệ an toàn cho sản xuất, đảm bảo năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp vụ xuân năm 2022, bà con cần chú ý phòng trừ một số loại sâu, bệnh hại chính như sau:
- Rầy nâu, rầy lưng trắng (gọi tắt là bọ rầy): Dự báo mức độ gây hại cao hơn vụ xuân 2021.
Rầy cám lứa 2 nở rộ vào giữa đến cuối tháng 4, hại trên diện rộng giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ. Mật độ phổ biến 300-500 con/m2, cao 1.500-2.000 con/m2, cá biệt >4.000 con/m2. Hại nặng trên những diện tích mật độ cấy dầy, cấy nhiều dảnh, bón phân không cân đối, những diện tích nhiễm rầy nặng của năm trước, nếu không chủ động phòng trừ sẽ gây “cháy rầy” từng chòm vào cuối tháng 4 – đầu tháng 5.
Rầy cám lứa 3 nở rộ từ giữa đến cuối tháng 5. Mật độ phổ biến 300-500 con/m2, cao 2.000-3.000 con/m2, cá biệt > 5.000 con/m2; nếu không chủ động phòng trừ sẽ gây “cháy rầy” vào cuối tháng 5 – đầu tháng 6, giai đoạn lúa làm đòng.
2. Sâu cuốn lá nhỏ: Trưởng thành lứa 3 ra rộ khoảng đầu tháng 5, sâu non gây hại từ giữa đến cuối tháng 5; mật độ phổ biến 5-10 con/m2, cá biệt 30 con/m2. Nếu không chủ động phun trừ sâu hại nặng làm cho lá trắng, ảnh hưởng đến lá đòng.
3. Bệnh đạo ôn: Là vụ xuân ấm, thời tiết diễn biến phức tạp nên xu hướng bệnh phát sinh gây hại sớm hơn với mức độ gây hại cao hơn so với vụ xuân 2021, thời gian phát sinh gây hại cụ thể:
– Bệnh đạo ôn lá: Phát sinh từ cuối tháng 3, gây hại mạnh trong tháng 4 tháng 5, tỷ lệ hại phổ biến 1-2% lá, cao 7-10% lá, cá biệt >70% lá. Hại nặng trên các giống nhiễm, bón nhiều đạm, những diện tích cấy dày và có khả năng gây lụi khi gặp điều kiện thời tiết âm u, ẩm độ cao. Chú ý phòng bệnh trên các giống Nhị ưu 838, 27P31, Sán ưu 63 (Tạp giao 1), lúa Japonica J02, Ly 2099, BC 15…
– Bệnh đạo ôn cổ bông: Phát sinh gây hại trên các giống nhiễm từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, nhất là trên những diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn lá khi trỗ bông gặp điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh, tỷ lệ hại phổ biến thấp, cao 3-5% bông, cá biệt >70% bông.
4. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Dự báo mức độ gây hại tương đương vụ xuân 2021. Bệnh phát sinh gây hại từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 khi có những đợt mưa giông đầu mùa. Thường ở những chân ruộng bị mưa lũ tràn qua và cấy các giống có bản lá to, màu xanh đậm; bệnh hại nặng những ruộng thường xuyên bị bệnh ở những vụ trước, ruộng bón nhiều đạm, bón đạm muộn và bón không cân đối.
5. Bệnh khô vằn: Dự báo mức độ gây hại cao hơn vụ xuân 2021. Bệnh phát triển mạnh giai đoạn lúa đứng cái đến cuối vụ, hại nặng trên những ruộng cấy dày, bón thừa đạm.
Ngoài ra,cần chú ý phòng trừ một số loại sâu, bệnh khác như: Ốc bươu vàng, ruồi đục nõn, sâu đục thân, bệnh nghẹt rễ, bệnh lùn sọc đen, chuột…
Để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, hiệu quả, bà con cần: Áp dụng kỹ thuật tác lúa cải tiến (SRI), bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ…giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển khoẻ, hạn chế tác hại của sâu bệnh. Thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm sâu bệnh hại, kết hợp theo dõi diễn biến thời tiết, sinh trưởng cây trồng và phòng trừ sâu bệnh hại theo biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).
Phạm Thu (Chi cục Trồng trọt, BVTV&QLCL)