Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 588/KH-UBND về việc xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn và làng nghề sản xuất Miến Dong Côn Minh, huyện Na Rì năm 2022 – 2023.
- Thực trạng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nghề nấu Rượu Bằng Phúc và sản xuất Miến dong Côn Minh đang có xu hướng phát triển tốt, các sản phẩm sản xuất ra được thị trường tiếp nhận, đánh giá cao.
Tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn nghề nấu rượu đã được duy trì từ bao đời nay. Hiện nay, nghề nấu rượu được phổ biến tại 9/9 thôn với 300/626 hộ trực tiếp nấu rượu theo phương pháp truyền thống, thủ công, nhỏ lẻ từ nhiều năm nay, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Nà Bay, Nà Pài, Bản Khiếu, Nà Hồng, Bản Chang, Nà Quân. 100% các hộ nấu rượu tận dụng bã rượu để chăn nuôi lợn, trung bình mỗi năm nuôi 3 lứa, với tổng số lượng khoảng 4.911 con/lứa. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình. Thu nhập bình quân của người trực tiếp sản xuất rượu từ 4 – 5 triệu đồng/tháng tuỳ thuộc vào quy mô sản xuất. Có 02 HTX sản xuất kinh doanh rượu đã có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là HTX rượu men lá Thanh Tâm và HTX rượu men lá Bằng Phúc. Vừa qua sản phẩm của HTX rượu men lá Thanh Tâm đã được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Tại xã Côn Minh, huyện Na Rì, có 65/682 hộ làm miến dong sản xuất miến dong. Sản phẩm miến dong trên địa bàn xã đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, đặc biệt sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và được xuất khẩu. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ sản xuất miến dong ổn định, đồng thời các hộ sản xuất miến dong đã đảm bảo bao tiêu củ dong riềng cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Với những tiềm năng kể trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nhằm xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc tiến tới gắn với phát triển du lịch cộng đồng và tạo thành chuỗi phát triển du lịch của tỉnh. Tên của làng nghề gắn với tên của nghề và địa danh của xã; xây dựng làng nghề sản xuất Miến dong tại cụm thôn (Bản Cào, Bản Cuôn, Nà Làng, Chợ B) tiến tới phát triển trên toàn xã Côn Minh. Tên của làng nghề gắn với tên của nghề và địa danh của một thôn, hoặc xã.
- Nội dung thực hiện
Đối với tiêu chí chưa đạt:
Xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình thực hiện các nội dung tiêu chí theo yêu cầu về xây dựng phát triển làng nghề.
Xây dựng hệ thống thu gom nước thải, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường của làng nghề.
Xây dựng điểm tập kết, khu xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường làng nghề.
Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xây dựng phương án, cam kết bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định.
Thành lập tổ chức tự quản, phân công trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân thực hiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định. Khuyến khích việc xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường làng nghề.
Đối với tiêu chí đã đạt (Tiêu chí có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn; tiêu chí có ít nhất 02 năm hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục): Cần rà soát, đánh giá lại, đồng thời xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí này.
Các nội dung thực hiện khác:
Xây dựng cơ sở hạ tầng cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề, xây dựng biển chỉ dẫn, quảng cáo, quảng bá, cổng chào…
Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tôn tạo cảnh quan không gian làng nghề phục vụ sản xuất gắn với phát triển du lịch.
Xây dựng khu trình diễn, không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm của làng nghề. Hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực, đào tạo thiết kế mẫu mã sản phẩm, vệ sinh an toàn lao động, kỹ năng quản lý, kiến thức kinh doanh.
Chuyển giao khoa học công nghệ, kết hợp công nghệ mới với kỹ thuật, công nghệ truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất sản phẩm. Thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm theo các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, Chương trình OCOP; hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến. Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại trung tâm thương mại, điểm du lịch để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, xây dựng thương hiệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, bộ nhận diện thương hiệu cho các sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.
Xây dựng các tuyến, điểm và tổ chức hoạt động du lịch, thăm quan, trải nghiệm làng nghề.
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển làng nghề trong phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc lập hồ sơ công nhận làng nghề thực hiện theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và các văn bản có liên quan hướng dẫn trình tự công nhận làng nghề.
Kế hoạch được ban hành với mục đích xây dựng làng nghề với quy mô, trình độ công nghệ ngày càng tiên tiến; gắn với sản phẩm là thế mạnh của địa phương, có giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tích cực tham gia Chương trình OCOP; tạo mô hình làng nghề để tham quan học tập và mở rộng. /.
Nông Thị Cúc