Triển vọng từ mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Bắc Kạn

Liên kết sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp người dân làm quen với các yêu cầu kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025.

Nhằm giúp người nông dân dần chuyển đổi sang hình thức sản xuất lúa hữu cơ, cung cấp cho cộng đồng và xã hội sản phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe, từ đó nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho người nông dân, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác với nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hữu cơ. Vụ xuân năm 2022, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn đã triển khai mô hình liên kết sản xuất giống lúa Japonica J02 theo hướng hữu cơ tại xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn và xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể; mô hình được triển khai trên diện tích 34 ha với 192 hộ tham gia. Đây là mô hình có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”: Về phía nhà nước có Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Đồn, Ba Bể và chính quyền địa phương các xã Yên Phong, Hà Hiệu; nhà kỹ thuật là Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng; doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống cây trồng Quốc Anh và 192 hộ dân tham gia mô hình.

Từ nguồn kinh phí của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa được giao năm 2022, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% giống, phân bón, chế phẩm vi sinh và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo. Toàn bộ thóc tươi của mô hình được doanh nghiệp Quốc Anh cam kết thu mua theo giá thị trường nhưng không thấp hơn 6.000 đ/kg thóc tươi vì vậy bà con đều yên tâm về đầu ra của sản phẩm.

Trong vụ xuân mặc dù gặp một số khó khăn về thời tiết, dịch bệnh Covid-19 nhưng qua tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật thâm canh lúa theo hướng hữu cơ trên nền kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) và giám sát trong thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo quy trình, cho thấy mô hình phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe, khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt hơn, 100% diện tích của mô hình không phải phun trừ sâu, bệnh hại.

Tập huấn kỹ thuật theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa cho nông dân tham gia mô hình.

Theo bà Ma Thị Vàng, nông dân tham gia mô hình của xã Yên Phong, Chợ Đồn: Trồng lúa theo hướng hữu cơ không khó vì tất cả các khâu từ gieo mạ, cấy, chăm sóc lúa vẫn như sản xuất theo kỹ thuật SRI trước đây, chỉ khác là không dùng phân NPK như mọi vụ mà dùng phân lân nung chảy để bón lót và bón thúc bằng phân hữu cơ Quế Lâm. Trước bón phân vô cơ cây lúa phát triển không khỏe và bông lúa không sáng, đều như mô hình chỉ bón phân hữu cơ.

Nông dân làm cỏ theo kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ.

Là năm đầu chuyển đổi từ bón phân vô cơ sang chỉ bón phân hữu cơ nên năng suất lúa trung bình đạt từ 7,6 – 8,5 tạ thóc tươi trên 1.000m2, ruộng tốt đạt 1,0 – 1,3 tấn, trong khi đó ruộng bón phân vô cơ năng suất trung bình đạt 8–9 tạ trên 1.000m2. Doanh nghiệp Quốc Anh thu mua thóc tươi cho bà con với giá 6.500 – 7.000 đ/kg (cao hơn so với giá thỏa thuận đầu vụ là 500 đ/kg và cao hơn thóc sản xuất thông thường 500đ/kg). Tính thu nhập của ruộng bón phân hữu cơ và bón phân vô cơ là tương đương nhau.

Ông Hoàng Trí Phú, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể cho biết: Tham gia mô hình, đầu tiên là gia đình tôi được ăn gạo sạch, thứ 2 là trồng lúa không dùng hóa chất độc hại thì đất, nước sẽ không bị ô nhiễm như vậy thì chúng ta sẽ sống khỏe mạnh hơn.

Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ, chuyển dần từ bón phân hóa học sang bón phân hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa, từ đó giúp cải tạo và bảo vệ đất lúa, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng và thân thiện với môi trường.

Hội thảo, chia sẻ kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng cho biết: Đây là mô hình chuyển đổi từ canh tác thông thường sang sản xuất lúa hữu cơ, tạo ra sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các thị trường lớn. Mô hình có sự liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất, từng bước chuyển đổi nhận thức sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập. Đồng thời, kết quả trên sẽ tạo động lực để bà con tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ ở những năm tiếp theo. Từ thành công của mô hình, đề nghị địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để giúp cải tạo và bảo vệ đất trồng lúa, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, nâng cao giá trị hạt gạo trên đồng đất Bắc Kạn./.

 

Phạm Thu

Chi cục Trồng trọt, BVTV&QLCL

(Nguồn Trang Thông tin điện tử Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý Chất lượng tỉnh Bắc Kạn)

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000834
Hôm nay : 93
Trong tháng : 2567
Trong năm : 8943
Tổng : 39557
Skip to content