Tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ xuân, chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng dịp Tết Nguyên đán 2023

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia từ tháng 01 đến tháng 3/2023, không khí lạnh, tiếp tục hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại.

Để sản xuất vụ xuân 2023 đảm bảo theo tiến độ, chủ động phòng, tránh các yếu tố bất lợi do thời tiết diễn biến phức tạp, sinh vật gây hại (SVGH) gây ra, ngày 12 tháng 01 năm 2023, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng ban hành văn bản số 06/TT,BVTV&QLCL về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ xuân, chủ động phòng chống SVGH cây trồng dịp Tết Nguyên đán 2023 đề nghị phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

  1. Với cây rau màu

– Chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ tốt những diện tích cây vụ Đông đảm bảo năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế và thu nhập của nông dân; không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm, rét hại.

Thu hoạch khoai tây vụ Đông tại Thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới.

– Chỉ đạo thu hoạch kịp thời những diện tích cây vụ Đông đã đến kỳ thu hoạch nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời chỉ đạo nông dân tiếp tục thâm canh tăng vụ rải vụ bằng cách trồng các loại rau ưa lạnh, ngắn ngày, nhằm đảm bảo kế hoạch, đảm bảo cung cấp đủ rau xanh trước và sau Tết Nguyên đán, có giải pháp thu hoạch, tiêu thụ rau trước gieo cấy lúa vụ Xuân.

– Có kế hoạch chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây rau màu vụ Xuân, nhất là trên các vùng chuyên màu và vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây rau màu vụ Xuân. Khoanh vùng bảo vệ diện tích chuyên màu, diện tích chuyển đổi tránh bị ngập nước do đổ ải gieo cấy lúa vụ Xuân.

– Đẩy mạnh phát triển và liên kết sản xuất – tiêu thụ rau an toàn. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

  1. Đối với sản xuất lúa

– Xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể trên địa bàn, đặc biệt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; có kế hoạch chuyển đổi những diện tích không đủ nước cho việc gieo cấy lúa sang gieo trồng các cây rau màu khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi lúa sang các cây trồng cạn phải có sự chỉ đạo thành vùng, hướng dẫn lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, gói kỹ thuật thâm canh phù hợp.

– Khẩn trương rà soát, khơi thông, tu bổ hệ thống kênh mương, hạn chế thất thoát nguồn nước, đồng thời chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để lấy nước, trữ nước đạt hiệu quả cao nhất.

– Gieo và chăm sóc mạ: Thực hiện nghiêm khung thời vụ chỉ đạo tại văn bản số 2865/SNN-TT,BVTV&QLCL ngày 22/12/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc chỉ đạo sản xuất vụ xuân năm 2023. Tập trung tốt nhất các phương tiện, dụng cụ che chắn để chống rét cho mạ bằng vòm che phủ ni lông, tưới đủ nước để giữ ấm cho mạ; không bón phân đạm vào những ngày trời rét, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp nguội để chống rét cho mạ. Tuyệt đối không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày đêm xuống dưới 15oC.

– Rà soát cơ cấu giống lúa, lựa chọn 3 – 4 giống chủ lực, 3 – 4 giống bổ sung, tỷ lệ mỗi giống không quá 30% diện tích để tránh rủi ro; chuẩn bị lượng hạt giống dự phòng khoảng 10% bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày để kịp thời gieo cấy lại nếu diện tích lúa mới gieo, cấy bị thiệt hại do rét gây ra.

  1. Cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm

– Đối với các vườn cây đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản: Cần có các biện pháp bảo vệ kịp thời như tủ gốc giữ ấm cho cây. Thực thiện việc bao tán cho cây bằng túi nilon (khi có tuyết, sương muối) có tác dụng ngăn chặn sương muối và giữ ấm cho toàn bộ tán lá cây mới trồng. Đồng thời chuẩn bị nguồn giống để trồng giặm đối với những diện tích bị chết.

– Đối với cây đang trong thời kỳ kinh doanh: Bổ sung thêm Kali, phân hữu cơ để tăng khả năng chống rét cho cây; tiến hành tủ gốc bằng tàn dư hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp để vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc và rễ cây; khi có dự báo sương muối, rét đậm rét hại, những nơi có điều kiện tiến hành tưới nước, hun khói ở đầu hướng gió, che cho cây mới trồng để giảm tác hại của rét đậm rét hại.

+ Đối với cây cam, quýt, bưởi: Khẩn trương thu hoạch để phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc sau thu hoạch, hạn chế việc lưu quả trên cây khi thời vụ thu hoạch đã qua, để tránh ảnh hưởng đến thời vụ tiếp theo.

+ Đối với cây chè: Tăng cường chăm bón theo đúng quy trình để đón lứa chè vụ Xuân có giá trị kinh tế cao, kịp thời phòng trừ các đối tượng rầy xanh, bọ cánh tơ phát sinh và gây hại mạnh trong vụ Xuân hàng năm; tập trung bám sát vườn đồi khi có dự báo sương muối, rét đậm rét hại, những nơi có điều kiện tiến hành tưới nước, hun khói ở đầu hướng gió, che cho cây mới trồng để giảm tác hại của rét đậm rét hại.

+ Đối với các cây trồng khác: Tiếp tục áp dụng các biện pháp chăm sóc để cây tập trung dinh dưỡng nuôi hoa, tạo quả. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt là bệnh thán thư hại cây hồng không hạt.

  1. Tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là giải pháp về thời vụ, giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để né tránh thiên tai, dịch bệnh và gia tăng giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
  2. Phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng; tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống kịp thời nơi có diện tích nhiễm cao, đặc biệt quan tâm đến một số đối tượng sinh vật gây hại có khả năng bùng phát thành dịch trong dịp Tết.
  3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp trên thị trường, kiên quyết không để hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành./.

Quỳnh Thu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000833
Hôm nay : 3
Trong tháng : 2370
Trong năm : 8746
Tổng : 39360
Skip to content