Hiện nay châu chấu tre lưng vàng giai đoạn tuổi 3 – 4 hại cỏ mềm, rừng vầu, nứa tại khu vực các thôn Liên Kết, Nà Vài, Bản Quản, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn và thôn Khuổi Phầy, xã Văn Vũ, huyện Na Rì; mật độ phổ biến 60 – 80 con/m2, cao 150 – 200 con/m2, cục bộ có điểm trên 300 con/m2. Tổng diện tích rừng vầu, nứa bị châu chấu hại khoảng 63 ha. Dự báo trong thời gian tới, châu chấu tiếp tục di chuyển và tập trung thành đàn lớn; khoảng cuối tháng 6 – đầu tháng 7, châu chấu chuyển sang giai đoạn trưởng thành, có khả năng bay và di chuyển trên diện rộng nên rất khó theo dõi và phòng trừ.
Để chủ động trong chỉ đạo phòng trừ, ngăn chặn châu chấu tre di chuyển thành đàn gây thiệt hại cho cây trồng nông nghiệp, ngày 30 tháng 5 năm 2024 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Văn bản số 1093/SNN-TT,BVTV&QLCL đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo một số nội dung sau:
– Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT; phòng Kinh tế thành phố; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND các xã, phường, thị trấn:
+ Cử cán bộ chuyên môn tăng cường điều tra, giám sát, dự tính, dự báo hướng di chuyển đàn châu chấu để có phương án phòng trừ kịp thời, không để châu chấu gây hại diện rộng trên các cây trồng nông nghiệp. Chú ý điều tra, theo dõi các vùng có nguy cơ cao châu chấu hại (khu vực chấu chấu thường gây hại các năm trước và các vùng giáp ranh với các các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang đang có châu chấu gây hại).
+ Thông báo tình hình châu chấu tre lưng vàng gây hại; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện, chủ động xử lý khi châu chấu gây hại và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Vận động người dân theo dõi hướng di chuyển của châu chấu, xác định vị trí châu chấu đẻ trứng (vào tháng 9, 10) để có kế hoạch theo dõi, phòng trừ lứa mới phát sinh trong năm tiếp theo.
– Huy động mọi nguồn lực của địa phương để diệt trừ châu chấu tre đồng loạt, tập trung thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không để châu chấu phát tán, gây hại trên các cây trồng nông nghiệp.
– Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất tình hình phát sinh, gây hại của châu chấu tre./.
BBT