Phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản vụ Đông Xuân năm 2023 – 2024

Để chủ động đối phó với các tình huống biến đổi thời tiết xảy ra, nhất là rét đậm, rét hại gây hại cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản trong vụ Đông Xuân năm 2023 – 2024. Ngày 05 tháng 10 năm 2023 Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn phê duyệt phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản vụ Đông Xuân năm 2023-2024, với nội dung như sau:

  1. Đối với lĩnh vực trồng trọt

1.1. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khẩn trương làm đất, chuẩn bị đầy đủ vật tư phân bón, giống, thực hiện gieo trồng đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng cây màu vụ Đông; ưu tiên sản xuất các cây trồng theo hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

1.2. Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại

– Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân không gieo trồng trong những ngày giá rét, nhiệt độ thấp dưới 150C.

– Đối với rau màu: Cần chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây khoẻ mạnh tăng cường khả năng chống rét; những ngày có sương muối, giá buốt cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng. Tăng cường áp dụng các biện pháp che chắn, phủ luống để tăng khả năng giữ ẩm, giữ ấm cho cây.

Trồng rau trái vụ trong nhà lưới tại Phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn

– Đối với mạ xuân: Khi gieo cần phải chọn nơi tưới tiêu chủ động, tiện cho chăm sóc và bảo vệ; đảm bảo 100% diện tích mạ phải được che bằng nilon trắng và đủ độ ẩm trong luống mạ sau khi che; vòm che nilon phải đảm bảo độ cao giữa mặt luống và đỉnh vòm từ 50 – 55cm, nilon phải được phủ kín cả luống mạ, tuyệt đối không được để hở chân luống (chú ý mở nilon luyện mạ trước khi cấy). Không cấy lúa khi nhiệt độ xuống dưới 150C.

– Đối với diện tích cây thuốc lá trong vườn ươm: Khi nhiệt độ xuống dưới 150C, che phủ bằng nilon để tránh sương muối, tránh rét cho cây con và tuyệt đối không trồng ra ruộng.

– Đối với cây giống lâm nghiệp trong vườn ươm: Cần có các biện pháp che chắn chống rét cho cây khi nhiệt độ xuống dưới 150C, hàng ngày vào sáng sớm và chiều tối, cần tưới nước giữ ẩm cho cây.

– Đối với cây ăn quả: Thực hiện các biện pháp cắt tỉa tạo tán, tăng cường bón phân, tủ gốc giữ ẩm cho cây, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển sớm ngay khi thời tiết ấm.

1.3. Các đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tích nước các hồ chứa, sửa chữa các trạm bơm, máy bơm và nạo vét kênh mương để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng vụ Đông Xuân năm 2023-2024.

  1. Đối với lĩnh vực chăn nuôi

2.1. Về chuồng trại

Chỉ đạo các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại cho vật nuôi trước khi vào vụ Đông Xuân để đảm bảo phòng chống rét. Chuồng nuôi đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Nền chuồng đảm bảo luôn khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng rơm, rạ, mùn cưa hoặc trấu khô. Thường xuyên giữ chuồng trại sạch sẽ, những ngày rét có kèm theo mưa cần bổ sung thêm chất độn chuồng để gia súc tăng khả năng chống rét. Có thể sử dụng bóng điện công xuất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho gia súc trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi…

* Chú ý:  Thường xuyên theo dõi khi đốt sưởi, để xa dụng cụ đốt với vật liệu dễ cháy trong chuồng nuôi như: Bạt che, chất độn chuồng, các thanh che chắn bằng vật liệu dễ cháy,… đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ.

2.2. Chế độ làm việc và chăn thả

Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non; chính quyền địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến  thời tiết để thông tin kịp thời tới người chăn nuôi để có kế hoạch cụ thể bảo vệ đàn vật nuôi.

Trong những ngày giá rét, áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Không chăn thả, không bắt trâu, bò làm việc khi thời tiết rét đậm, rét hại. Khi thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo mưa và nhiệt độ xuống dưới 120C, đưa trâu, bò vào nơi nuôi nhốt để tiến hành chăm sóc, quản lý tại chuồng nuôi; có thể dùng chăn cũ, bao tải đay quấn quanh cơ thể gia súc để giữ ấm cơ thể, đặc biệt là bê, nghé non; thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe đàn vật nuôi, nếu phát hiện có biểu hiện khác thường để kịp thời xử lý; không nhập gia súc, gia cầm non về nuôi trong thời gian này.

2.3. Chăm sóc và nuôi dưỡng

Thức ăn có vai trò quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Trong những ngày giá, rét vật nuôi cần nhiều năng lượng để chống rét từ nguồn thức ăn.

a) Đối với trâu, bò

– Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp đối với trâu, bò già, yếu, gia súc non để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh.

– Vận động người dân thu gom các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò trong mùa đông, như: Rơm, rạ, thân, lá cây ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang, lá sắn, cây lạc…; hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý, chế biến (ủ rơm với U rê, ủ chua thức ăn) để dự trữ và nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn; tận dụng diện tích đất không sử dụng trồng cây vụ đông, đất bỏ hoang, đất trống xung quanh vườn nhà để trồng cỏ, trồng ngô dày làm thức ăn.

– Mức cho ăn: Sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê…) và cung cấp với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể, ví dụ như trâu, bò có khối lượng 300kg thì cho ăn 30kg cỏ xanh hoặc cỏ ủ… ; ngoài ra, có thể cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu, bò (thân cây ngô, cỏ voi…) với lượng từ 7-10kg/ngày nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo… (khoảng 0.5-1kg/con/ngày); đảm bảo nước uống đầy đủ hàng ngày, trong những ngày rét đậm, rét hại có thể bổ sung cho trâu, bò uống nước ấm có hoà muối với lượng khoảng 5g/100 kg khối lượng cơ thể để tăng cường sức đề kháng. Ví dụ: Trâu, bò có khối lượng 300kg thì pha 15g muối với nước ấm cho uống.

b) Đối với lợn

Khẩu phần ăn phải đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng (có thể cho ăn tự do, ăn các bữa trong ngày tùy vào loại thức ăn, phương thức nuôi); bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa thường xuyên cho lợn; cần sử dụng bóng úm, chuồng úm cho lợn con theo mẹ; cho lợn con tập ăn sớm để tăng khả năng tiêu hóa.

c) Đối với gia cầm

Có thể tăng lượng thức ăn cho gà, cho gia cầm uống nước ấm và bổ sung một số loại vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải nâng cao sức đề kháng; áp dụng mật độ nuôi hợp lý đối với gà đẻ từ 6-8 con/m2, gà thịt: 8-10 con/m2. Thực hiện tốt quy trình úm cho gà con; những ngày giá rét không thả gia cầm ra vườn, đồi; thực hiện che chắn để tránh gió lùa trong chuồng.

2.4. Phòng bệnh cho vật nuôi

– Áp dụng quy trình chăn nuôi phù hợp đảm bảo an toàn dịch bệnh; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được quy định tại các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT: Số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016, số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 và số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày  12/8/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn như: Đối với gia cầm (cúm gia cầm, niu cát xơn…); lợn (lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn, dịch tả lợn Châu Phi…);  dê,  cừu (lở  mồm long móng,  nhiệt thán); trâu, bò (lở mồm long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục…).

– Thực hiện tiêm phòng định kỳ đầy đủ các loại vắc xin theo chỉ đạo của tỉnh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch. Khi phát hiện bệnh trên vật nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

* Lưu ý:

– Khi trâu bò bị đói rét do rét đậm, rét hại kéo dài trên 10 ngày liên tục thì sức khỏe và sức đề kháng bị giảm, dễ mắc bệnh vì vậy trong thời gian giá rét cần cho trâu bò ăn cháo gạo hoặc cháo cám nóng, bổ xung khoáng chất và các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng.

– Xử lý chất thải hàng ngày thu gom phân vào hố ủ, dẫn chất thải lỏng trực tiếp từ chuồng đến hố đựng bằng rãnh thoát và xử lý chất thải bằng hóa chất hoặc chế phẩm sinh học.

  1. Đối với thủy sản

Đối với những đối tượng thủy sản chưa đủ kích cỡ thu hoạch tiến hành nuôi lưu qua đông cần thực hiện công tác phòng, chống rét như sau:

– Duy trì mực nước ao nuôi độ sâu trên 1,5 m, chủ động nguồn nước vào, ra trường hợp ao nuôi không đảm bảo độ sâu,  phải đào chuôm nhỏ có diện tích bằng 1/10 diện tích ao nuôi sau đó tiến hành cải tạo và đưa cá vào nuôi với mật độ 2- 4 con/m2; nếu nhiệt độ xuống dưới 150C thì ngừng cho cá ăn; trong suốt thời gian trú đông, không dùng lưới đánh bắt gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cá và có thể dẫn đến cá bị nhiễm bệnh và chết.

– Thả bèo cho 1/2 đến 1/3 diện tích ao về phía Bắc để chắn gió, hoặc dùng tre làm giàn có bạt, nilon, lá cọ,… che phủ để tránh gió lùa, tăng khả năng giữ nhiệt; dưới đáy ao sử dụng các sọt rơm, rạ (đã được tưới vôi và phơi khô) để làm chỗ trú đông cho cá khi trời rét đậm, rét hại./.

Quỳnh Thu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đứng cái (khối sơ khởi) – chín

Bón đón đòng: Khi lúa xuất hiện khối sơ khởi (cách nhận biết cây lúa có khối sơ khởi: 10% dảnh cái thắt...

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000843
Hôm nay : 60
Trong tháng : 321
Trong năm : 9520
Tổng : 40134
Skip to content