Chỉ đạo sản xuất, cơ cấu giống vụ mùa năm 2023

Để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất vụ mùa và kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2023, ngày 06/6/2023, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Kạn ban hành văn bản số 1241/SNN-TT,BVTV&QLCL về việc chỉ đạo sản xuất, cơ cấu giống vụ mùa năm 2023, đề nghị UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện các nội dung sau:

  1. UBND các huyện, thành phố:

1.1. Sản xuất vụ mùa năm 2023

a) Thời vụ và cơ cấu giống cây trồng

– Cây lúa: Lúa mùa sớm tập trung gieo cấy đầu tháng 6, thu hoạch trước 20/9 kịp gieo trồng ngô đông.

Lúa mùa chính vụ, thời vụ gieo cấy càng sớm càng tốt, thu hoạch lúa xuân đến đâu làm đất ngay đến đó; gieo mạ trong tháng 6, kết thúc cấy trong tháng 7.

Bố trí các nhóm giống lúa có cùng thời gian sinh trưởng theo từng vùng sản xuất để thuận lợi cho chăm sóc, quản lý sâu bệnh và thu hoạch, cụ thể như sau:

+ Nhóm giống có thời gian sinh trưởng từ 105 – 110 ngày, gồm có Khang dân (KD đột biến, KD 18), Việt lai 20, Hà Phát 3, HDT10, BQ, CNC11 sử dụng gieo trồng phù hợp trên chân đất trồng cây vụ đông.

+ Trên diện tích đất lúa không trồng cây vụ đông, có thể sử dụng các giống lúa chất lượng, có thời gian sinh trưởng từ 120 – 130 ngày để gieo cấy, tăng cường  liên kết sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa như giống Bao thai, Hương thơm số 1, Nếp 97, Khẩu nua lếch, Sán ưu 63 (Tạp giao 1), Nhị ưu 838, Ly 2099, LP 1601, Syn 98, Đại dương 1.

Các vùng sản xuất thường xuyên phát sinh các đối tượng dịch hại, đặc biệt là nơi có bệnh đạo ôn gây hại, khuyến cáo sử dụng các giống đã được gieo cấy tại địa phương từ 3 vụ trở lên, cho năng suất, chất lượng và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Tuyệt đối không đưa các giống mới chưa được đánh giá khả năng chống chịu sâu bệnh tại địa phương vào sản xuất.

– Cây ngô: Trồng trên đất ruộng và soi bãi hoàn thành xong trước 20/6; ngô đồi trồng xong trước 20/7; cây ngô đông trồng xong trước 20/9.

Sử dụng các giống ngô lai có tiềm năng năng suất như: NK4300, CP511, Biosed 9698, AG59, HN88; các giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/GT có khả năng kháng sâu đục thân và sâu keo mùa thu.

Lưu ý: Không sử dụng các giống ngô biến đổi gen cho sản xuất hữu cơ.

– Cây chất bột: Tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh các loại cây trồng như dong riềng, sắn, khoai môn để đạt năng suất cao nhất.

– Cây công nghiệp ngắn ngày: Đậu tương kết thúc trồng trong tháng 7, gieo trồng các giống DT84, DT90, DT96, VX9-3. Lạc kết thúc trồng trong tháng 9, gieo trồng các giống L14, L27, L29.

Giống lạc L27 được trồng tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn.

– Cây rau, đậu các loại: Phát triển các loại rau, đậu phục vụ nhu cầu tiêu dùng đời sống hàng ngày như cây dưa chuột, bí đỏ, đậu xanh, đậu cô ve, rau đay, rau muống, mùng tơi… và các loại rau vụ mùa. Trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác để lựa chọn gieo trồng các loại rau cho phù hợp.

Trên cơ sở cơ cấu giống nêu trên, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào thực tiễn sản xuất và nhu cầu của từng địa phương, lựa chọn một số giống đã được thực hiện mô hình khảo nghiệm, được đánh giá là phù hợp, có thế mạnh theo từng vùng để chỉ đạo đưa vào sản xuất.

b) Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác

– Làm đất: Thực hiện phát dọn vệ sinh đồng ruộng, làm đất ngay sau khi thu hoạch, khẩn trương sản xuất cây trồng vụ mùa; đối với các loại cây trồng khác trên đất ruộng, soi bãi, đất đồi khi làm đất phải hợp lý để giảm thiểu sự xói mòn, rửa trôi và thoát nước tốt khi mưa lũ xảy ra.

– Áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với từng loại cây trồng từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, cụ thể:

+ Cây lúa: Sản xuất theo hướng thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc theo tiêu chuẩn hữu cơ hữu cơ. Tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI); chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

+ Cây ngô: Áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh để phát huy tối đa tiềm năng, năng suất của giống; diện tích ngô trồng trên đất đồi áp dụng phương pháp canh tác bền vững trên đất dốc như trồng theo băng kết hợp trồng cây phân xanh giảm thiểu sự xói mòn, rửa trôi.

+ Cây chất bột (dong riềng, khoai môn, khoai tây, khoai lang): Sản xuất theo hướng thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm; duy trì sản xuất hữu cơ đối với các diện tích đã được chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Áp dụng phương pháp canh tác bền vững trên đất dốc và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM).

+ Cây rau, đậu các loại: Sản xuất theo hướng thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc sản xuất hữu cơ.

+ Cây ăn quả: Tập trung chăm sóc, thâm canh, cải tạo, quản lý sâu bệnh hại diện tích hiện có để tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Triển khai trồng mới theo kế hoạch.

– Phân bón: Sử dụng phân bón hữu cơ như phân chuồng, phân xanh đã ủ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ sinh học dần thay thế phân vô cơ để giảm chi phí sản xuất.

1.2. Chuẩn bị cung ứng các loại giống cây trồng theo chỉ đạo cơ cấu giống của ngành đảm bảo đủ số lượng, chất lượng; tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình cung ứng giống trước thời vụ sản xuất.

1.3. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật từ đầu vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, đài phát thanh xã, phường để nông dân biết và gieo trồng đúng cơ cấu giống cây trồng, thực hiện nghiêm về thời vụ và các biện pháp kỹ thuật.

1.4. Chủ động ứng phó và có giải pháp khắc phục kịp thời các điều kiện thời tiết bất lợi như mưa bão, lũ lụt, gió lốc, hạn hán và sâu bệnh hại nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất. Tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, các giải pháp tưới tiết kiệm cho cây trồng, ưu tiên đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao để ứng phó với ảnh hưởng của El Nino xuất hiện vào giữa năm, có thể kéo dài sang đến năm 2024.

1.5. Xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, từng chất đất, điều kiện sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận, đặc biệt là điều kiện nắng hạn do ảnh hưởng của El Nino, chuyển đổi từ cây lúa nước sang các cây trồng cần ít nước hơn phù hợp với yêu cầu của thị trường. Định hướng vùng và loại cây trồng nhằm chuyển đổi dần từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, bảo vệ môi trường.

  1. Các đơn vị trực thuộc Sở

– Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng: Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác, cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ; thực hiện công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh phát triển của sâu, bệnh hại trên cây trồng và có phương án phòng, chống dịch kịp thời. Thanh tra chuyên ngành về Trồng trọt và BVTV tăng cường công tác quản lý giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất đảm bảo theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất giống cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm để đảm bảo có đủ lượng giống tốt phục vụ Kế hoạch phát triển chế biến sản phẩm chè, miến dong, Kế hoạch phát triển cây ăn quả đặc sản của UBND tỉnh. Rà soát lại toàn bộ cây đầu dòng đã được công nhận; thực hiện quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng cây giống đầu dòng…; tiếp tục bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, cây có đủ kiện sản xuất giống theo quy định (khi có tổ chức, cá nhân yêu cầu) nhằm bảo tồn nguồn gen và cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất cây giống. Tăng cường kiểm tra chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản.

– Trung tâm Khuyến nông: Tăng cường tuyên truyền cho nông dân sử dụng các giống lúa thuần, lúa tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế. Vận động người sản xuất chuyển đổi từ phương thức sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái.

– Chi cục Thuỷ lợi và PCLB: Chỉ đạo Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn chủ động nguồn nước tưới (tích nước vào các đập, hồ chứa), phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố chủ động tu sửa, nạo vét kênh mương, phát dọn cây cối, khơi thông dòng chảy; bảo dưỡng sửa chữa các trạm bơm và máy bơm; hướng dẫn các biện pháp tưới tiêu hợp lý và phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án phòng, chống hạn đảm bảo kế hoạch sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra các công trình thủy lợi và công tác tưới phục vụ sản xuất./.

BBT

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “ Giải pháp phát triển sản xuất...

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối, liên kết, đầu tư phát triển sản xuất trong việc thu mua, chế biến...

Tập huấn “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ...

Ngày 25-26/7/2024 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức lớp tập huấn...

Tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô ngọt vụ mùa năm...

Ngày 17/7/2024 tại hội trường UBND xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND xã...

Kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng...

Ngày 20/6/2024, Đoàn kiểm tra, đánh giá Dự án khuyến nông Trung ương năm 2024: “Xây dựng mô hình sản xuất dong riềng phục...

Kết quả triển khai mô hình thâm canh cây mơ trong thời kỳ kinh...

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quả mơ đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua, kéo dài thời gian...

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000962
Hôm nay : 38
Trong tháng : 374
Trong năm : 17907
Tổng : 48521
Skip to content