Một số sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn

Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Đến nay, các sản phẩm nông lâm nghiệp đã có sự phát triển khá đa dạng và phong phú, bước đầu đã trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh ngày càng được mở rộng, phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ, cụ thể:

  1. Bí xanh thơm Bắc Kạn
Ảnh: Bí xanh thơm Ba Bể.

Bí xanh thơm là sản phẩm đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn. Năm 2022, tỉnh Bắc Kạn có hơn 200 ha diện tích trồng bí xanh thơm, chủ yếu tại huyện Ba Bể, sản lượng ước đạt gần 8.000 tấn, thời vụ thu hoạch tháng 6 hàng năm. Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, một phần đã được cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ PGS, chứng nhận OCOP 3 sao. Bí xanh thơm là giống bản địa đặc hữu của tỉnh Bắc Kạn có mùi thơm đặc trưng, khi chế biến có độ dẻo, vị đậm, hấp dẫn và là thức ăn bổ dưỡng tốt cho sức khỏe.

Từ quả bí phấn thơm Ba Bể đã chế biến ra sản phẩm Trà bí thơm Ba Bể mang hương vị riêng đặc trưng của vùng đất trồng Bí thơm. Sản phẩm Trà bí thơm Ba Bể đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, chứng nhận VSATTP và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trà bí thơm có tác dụng tốt cho gan, thận, giải nhiệt, tốt cho hệ tiêu hóa, người bị tiểu đường. Đặc biệt mùi hương dễ uống, dịu mát và an toàn. Trà bí thơm là sản phẩm chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân, xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu đặc sản nông sản Bắc Kạn góp phần giúp cây bí thơm Ba Bể phát triển bền vững.

  1. Miến dong Bắc Kạn
Ảnh: Miến dong Tài Hoan.

Cây dong riềng là cây trồng bản địa, được người dân tỉnh Bắc Kạn gây trồng từ lâu để chế biến ra sản phẩm miến dong. Diện tích trồng dong riềng của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện: Na Rì, Ba Bể, một số ít diện tích tại huyện Bạch Thông, huyện Chợ Mới. Cây Dong riềng được đánh giá có năng suất cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, là cây trồng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Miến dong Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩn miến dong Bắc Kạn được tiêu thụ tốt trên thị trường trong và ngoài tỉnh với giá cả ổn định. Việc xây dựng thành công Chỉ dẫn địa lý miến dong Bắc Kạn, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đã nâng cao uy tín, hình ảnh của miến dong Bắc Kạn đối với thị trường trong nước và bước đầu xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.

Hiện nay, toàn tỉnh có 86 cơ sở chế biến miến dong, trong đó có 01 cơ sở chế biến đạt công suất 200 tấn miến dong/năm; 4 cơ sở chế biến đạt công suất trên 80 tấn miến dong/năm; 11 cơ sở chế biến đạt công suất từ 50 – 80 tấn miến dong/năm; còn lại 74 cơ sở chế biến miến đạt dưới 50 tấn miến dong/năm.

  1. Tinh bột Nghệ, Curcumin nghệ Bắc Kạn

Tinh bột nghệ với khả năng kháng viêm, điều trị các vết thương hở, điều trị bệnh dạ dày, ngoài ra với khả năng đặc biệt là thanh lọc máu giúp cơ thể đào thải các độc tố, do vậy những năm gần đây, với việc thành công trong chiết xuất nano cucurmin và chế biến tinh bột từ củ nghệ thì cây nghệ đã trở thành một cây trồng có tiềm năng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, mang lại thu nhập lớn cho người dân. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh trồng gần 166 ha nghệ với sản lượng 3.441 tấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có rất nhiều sản phẩm được chế biến từ củ nghệ của các doanh nghiệp, hợp tác xã uy tín. Năm 2019, Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã chứng nhận sản phẩm Tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn đạt Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 14 sản phẩm từ nghệ đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao trở lên được công nhận.

  1. Sản phẩm Chè

Chè là cây công nghiệp dài ngày, được trồng khá phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Cây chè với ưu thế trồng một lần cho thu hoạch nhiều năm, sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cao nên cây chè đang được coi là cây trồng thế mạnh của một số huyện như: Ba Bể, Chợ Đồn và Chợ Mới. Năm 2019 “chè Shan tuyết Bằng Phúc” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận Nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.728 ha, trong đó: Diện tích đã cho thu hoạch 1.574 ha, sản lượng đạt 7.794 tấn chè búp tươi; diện tích chè Shan tuyết 492,5 ha với sản lượng 1.000 tấn búp tươi; năm 2021 diện tích đã được chứng nhận VietGAP là 50,9 ha, chứng nhận hữu cơ là 12,7 ha, diện tích được chứng nhận vệ sinh ATTP là 14 ha.

Chè được chế biến truyền thống bán cơ giới là chủ yếu, tỷ lệ chế biến công nghiệp, cơ giới hóa thấp; sản phẩm chủ yếu là chè xanh tiêu thụ nội địa. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 01 nhà máy chế biến chè tại huyện Chợ Đồn do Công ty TNHH chè Peloyen Đài Loan đầu tư từ trồng đến chế biến, sản phẩm chế biến là chè Ôlong xuất khẩu. Ngoài ra, sản phẩm chè còn được chế biến thông qua một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất và chế biến chè tại các huyện: Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Đồn; các doanh nghiệp, HTX đã đầu tư nhà xưởng, thiết bị, sản xuất ra những sản phẩm chè đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP), tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh mang lại giá trị cao. Sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc được Cục sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể.

  1. Gạo Bao thai Chợ Đồn

Cây lúa Bao thai đã có lịch sử trồng hàng trăm năm tại tỉnh Bắc Kạn, giống lúa này được canh tác rộng rãi trên địa bàn huyện Chợ Đồn vào vụ mùa hàng năm, cây lúa cho năng suất ổn định. Năm 2011, “Gạo Bao thai Chợ Đồn” được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận Nhãn hiệu tập thể. Đặc trưng của gạo Bao thai Chợ Đồn giàu dinh dưỡng, hạt gạo trắng, khi nấu thành cơm có vị ngọt, vị đậm đặc trưng và giàu dinh dưỡng. Hiện nay, diện tích trồng lúa Bao thai toàn tỉnh 6.805 ha, sản lượng đạt trên 30.500 tấn; trong đó tại huyện Chợ Đồn diện tích đạt 1.720 ha, sản lượng trên 9.000 tấn.

  1. Gạo Japonica

Các giống lúa thuộc dòng Japonica gồm VAAS16 và J02 được tỉnh Bắc Kạn đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2018, đến nay diện tích trồng đạt 462 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Pác Nặm; năng suất khoảng 55 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 2.541 tấn. Gạo Japonica có dạng hạt tròn đầu, màu trắng tự nhiên, khi nấu thành cơm có hương thơm dịu và vị ngọt tinh tế. Đặc biệt cơm dẻo, mềm và thơm ngon ngay cả khi để nguội.

  1. Gạo nếp thơm (Khẩu nua lếch Ngân Sơn)

Khẩu Nua Lếch là giống lúa nếp bản địa quý, ở trung tâm dãy núi Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn), được đồng bào dân tộc nơi đây duy trì canh tác từ bao đời nay. Lúa nếp Khẩu Nua Lếch có đặc trưng riêng với những giá trị vượt trội là khi nấu gạo rất dẻo, vị đậm, mùi thơm ngào ngạt, cây lúa chống chịu tốt với sâu bệnh và tác động của các điều kiện ngoại cảnh… Sự khác biệt làm nên “danh tiếng” Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn có từ ngay trong tên gọi của sản phẩm. Hạt gạo tròn, màu trắng sáng, trên đỉnh có phủ một màu nâu nhạt, vì vậy người dân đặt cho cái tên là “Gạo nếp thép”.

Năm 2015 Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn. Với chất lượng gạo ngon, mềm, dẻo và có mùi thơm đặc trưng, hiện nay, diện tích trồng lúa Khẩu nua Lếch Ngân Sơn khoảng trên 100 ha, năng suất đạt khoảng 41 tạ/ha, sản lượng ước đạt 410 tấn/năm. Sản phẩm của HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan đã được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh.

  1. Quýt Bắc Kạn

Tổng diện tích hiện có là 3.235 ha, diện tích đã cho thu hoạch 2.547 ha, năng suất đạt khoảng 103,74 tạ/ha. Diện tích đã được đầu tư, thâm canh là 864ha, diện tích được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) là 26,8 ha, được chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP) là 133,2 ha.

Năm 2012, sản phẩm Quýt Bắc Kạn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công  nghệ) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Năm 2015, sản phẩm quýt Bắc Kạn đạt danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam” do Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức. Sau khi có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quýt Bắc Kạn từng bước khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường. Người dân chủ động hơn trong việc tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc cây quýt, mở rộng diện tích, đem lại nguồn thu nhập cao.

  1. Cam Bắc Kạn

Tổng diện tích hiện có là 990 ha, diện tích đã cho thu hoạch là 646 ha. Diện tích đã được đầu tư, thâm canh là 257 ha, diện tích được chứng nhận VietGAP là 26,8 ha, được chứng nhận ATTP là 133,2 ha.

Cây cam, quýt đang được trồng tập trung tại các xã: Dương Phong, Đôn Phong, Quang Thuận huyện Bạch Thông; các xã: Đồng Thắng, Phương Viên huyện Chợ Đồn và một số xã thuộc các huyện Na Rì, Chợ Mới và Ba Bể.

  1. Hồng không hạt Bắc Kạn

Tổng diện tích hiện có là 686 ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch 393 ha, năng suất trung bình 43,9 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.726 tấn. Diện tích đã được đầu tư thâm canh là 38 ha, diện tích được chứng nhận VietGAP 3,1 ha, diện tích được chứng nhận ATTP là 02 ha. Cây hồng không hạt được trồng chủ yếu tại các huyện: Ba Bể, Chợ Đồn và Ngân Sơn. Quả hồng không hạt được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất.

Năm 2010, sản phẩm hồng không hạt của Bắc Kạn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công  nghệ) cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, trở thành cây ăn quả đặc sản có thương hiệu. Sau khi được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu, ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Năm 2013, quả hồng không hạt của Bắc Kạn được công nhận là sản phẩm nằm trong bảng xếp hạng 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bình chọn.

  1. Chuối sấy dẻo

Tổng diện tích trồng cây chuối hiện có là 1.210 ha, năng suất trung bình 121,09 tạ/ha. Diện tích đã được đầu tư thâm canh là 60 ha, diện tích được chứng nhận ATTP là 10 ha, diện tích được chứng nhận VietGAP là 20 ha. Cây chuối đang được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện: Ba Bể, Chợ Mới, Pác Nặm, thành phố Bắc Kạn. Hiện nay cây chuối cơ bản được sản xuất theo hướng hàng hóa, trong đó có khoảng 30 – 40% đã được đưa vào chế biến thành các sản phẩm chuối sấy dẻo, rượu chuối… được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Cây chuối là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh.

  1. Cây mơ

Tổng diện tích hiện có là 623 ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 358 ha, năng suất trung bình 66,82 tạ/ha, sản lượng 2.392 tấn. Hiện nay, cây mơ đang được trồng hầu hết tại các huyện, thành phố nhưng tập trung chủ yếu tại các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn và Thành phố Bắc Kạn. Hiện nay thị trường tiêu thụ mơ khá ổn định, do trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhà máy chế biến mơ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Nam Misaki được đầu tư và đi vào sản xuất với năng lực chế biến đạt 5.000 tấn/năm là điều kiện thuận lợi để phát triển cây mơ.

  1. Sản phẩm gỗ

Tổng diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất toàn tỉnh là 417.539 ha chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên, diện tích đất có rừng là 356.740 ha trong đó diện tích rừng tự nhiên là 272.790 ha, rừng trồng 100.291 ha (rừng trồng đã thành rừng là 83.951 ha, diện tích trồng rừng chưa thành rừng 16.340 ha), độ che phủ đạt 73,4%. Năm 2020, ước thực hiện khai thác gỗ các loại là 260.000 m3, năm 2021, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 293.980 m3.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có 374 cơ sở chế biến gỗ với 36 doanh nghiệp và 338 cơ sở hộ kinh doanh/hộ gia đình. Trong đó, chỉ có 08 cơ sở chế biến gỗ có quy mô lớn và được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án (hoạt động sản xuất ván dán, đũa gỗ). Còn lại các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, công nghệ chế biến còn ở trình độ hạn chế, xuất bán ra ngoài tỉnh và xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ một phần nhỏ xuất bán cho các cơ sở sản xuất ván dán tại KCN Thanh Bình và sản xuất đồ mộc gia dụng phục vụ nhu cầu của nhân dân địa bàn tỉnh.

Bên cạnh các sản phẩm trên, Bắc Kạn còn nhiều sản phẩm nông sản chế biến đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng như măng khô, lạp sườn, thịt lợn hun khói, chuối sấy, bún, phở khô…./.

Nông Cúc

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000832
Hôm nay : 12
Trong tháng : 2263
Trong năm : 8639
Tổng : 39253
Skip to content