Nhằm giúp người nông dân dần chuyển đổi sang hình thức sản xuất lúa hữu cơ, cung cấp cho cộng đồng và xã hội sản phẩm sạch, có lợi cho sức khỏe, từ đó nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho người nông dân, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác với nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo hữu cơ. Vụ xuân năm 2022, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng Bắc Kạn kết hợp Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống cây trồng Quốc Anh triển khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình cấy giống lúa Nhật J02 với diện tích 34 ha, 190 hộ tham gia; được thực hiện tại xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn và xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể.
Tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sẽ giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cũ, chuyển từ bón phân hóa học sang bón phân hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng và thân thiện với môi trường. Đồng thời, với sự liên kết, tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân yên tâm sản xuất, từng bước chuyển đổi nhận thức sản xuất theo hướng hàng hóa.
Từ nguồn kinh phí của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa được giao năm 2022, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% giống, phân bón, chế phẩm vi sinh và được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo tổng kết, nhân rộng mô hình… Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống cây trồng Quốc Anh là doanh nghiệp ký hợp đồng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm thóc tươi ngay sau khi thu hoạch với giá không thấp hơn 6.000 đ/kg
Cán bộ của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng phối hợp với cán bộ nông lâm xã chỉ đạo, hướng dẫn bà con thường xuyên thăm đồng, theo dõi sự sinh trưởng phát triển của cây lúa, phát hiện sớm sâu bệnh hại để có biện pháp tác động kịp thời.
Phạm Thu (Chi cục Trồng trọt, BVTV&QLCL)