Ngày 05/01/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác, sơ chế và bảo quản sản phẩm Quế ( Cinamomum cassia BL) tại Quyết định số 14/QĐ-BNN-TCLN, trong đó có hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng cây quế cụ thể như sau:
1. Điều kiện trồng
1.1. Khí hậu, độ cao
Hạng mục | Vùng thích hợp | Vùng mở rộng |
Nhiệt độ bình quân | 20-21°C | 21-26° C |
Nhiệt độ tối thấp | Dưới 2°C và thời gian kéo dài không quá 5 ngày. | |
Lượng mưa bình quân/ năm | Trên 1800 mm | Từ 1500 -1800 mm |
Độ ẩm không khí | trên 80% | trên 80% |
Độ cao so với mặt biển | Bắc bộ và Bắc Trung Bộ: từ 200 – 700 m | Bắc bộ và Bắc Trung Bộ: từ 700 – 900 m |
Nam Trung Bộ: 300 -800 m | Nam Trung Bộ: 800- 1000 m |
1.2. Đất đai
– Cây Quế có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau (trừ đất đá vôi, đất cát, đất ngập úng), thích hợp trên nhóm đất xám (Acrisols), độ dầy tầng đất trên 50 cm, đất ẩm nhưng thoát nước tốt, đất nhiều mùn ( > 3%), độ pHKCL từ 4,0 – 5,5.
– Không trồng Quế ở nơi đất và nguồn nước bị ô nhiễm hoặc có các tác nhân gây ô nhiễm.
1.3. Trạng thái thực bì
Thực bì thích hợp trồng Quế là các dạng rừng tái sinh nghèo kiệt, rừng nứa, cây bụi có cây gỗ mọc rải rác, đất nương rẫy; đất sau khai thác rừng trồng; không trồng Quế nơi đất đồi núi trọc, thảm cỏ cây bụi chịu hạn, cỏ tranh.
2. Kỹ thuật trồng rừng
2.1. Phương thức trồng
Cây Quế được trồng theo 4 phương thức sau:
– Trồng tập trung thuần loài: là chỉ trồng 1 loài Quế trên toàn bộ diện tích trồng, đây là phương thức trồng chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta.
– Trồng nông, lâm kết hợp: phương thức này giống như phương thức trồng tập trung thuần loài, nhưng trong những năm đầu mới trồng, có kết hợp trồng xen các loại cây nông nghiệp trên cùng diện tích trồng như sắn, lúa hay chè hoặc cây cải tạo đất,…
– Trồng phân tán trong các vườn hộ: cây Quế được trồng quanh nhà, trồng xen cây ăn quả trong vườn hộ, phương thức này trồng phổ biến ở các tỉnh Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi).
– Trồng làm giàu rừng, khoanh nuôi tái sinh có trổng bổ sung: cây Quế được trồng dưới tán rừng tự nhiên nghèo kiệt hoặc rừng mới phục hồi sau nương rẫy có độ tàn che dưới 0,3 và đất khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung.
2.2. Mật độ trồng
Phương thức | Mật độ | Cự ly trồng |
a) Trồng tập trung thuần loài | ||
Đối với trồng Quế để khai thác tỉa thưa, hoặc trồng trên lập địa xấu (tầng đất mỏng) | 5.000 cây/ha | 1 x 2m |
6.666 cây/ha | 1×1,5m; 0,75 x 2m | |
Đối với trồng Quế để khai thác tỉa thưa, trồng trên điều kiện lập địa tốt | 3.333 cây/ha | 1,5x2m |
4.444 cây/ha | 1,5 x1,5m | |
Đối với trồng Quế để khai thác chính hoặc trồng rừng phòng hộ | 1.650 cây/ha | 2×3 m |
2.000 cây/ha | 2×2,5m | |
2500 cây/ha | 2x2m | |
b) Trồng nông lâm kết hợp | 5.000 cây/ha | 1x2m |
3.300 cây/ha | 1,5x2m | |
c) Trồng phân tán trong các vườn hộ | cự ly tối thiểu từ 2- 3m. | |
d) Trồng làm giàu rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung | không quá 600 cây/ha |
2.3. Xử lý thực bì
a) Quy định chung
– Không được phát trắng thực bì; thực bì phát dọn xong không được đốt.
– Không được phun thuốc trừ cỏ khi xử lý thực bì.
– Độ tàn che để lại từ 0,1 – 0,3 ( cây che bóng khoảng từ 100 – 300 cây/ha).
b) Biện pháp xử lý
– Phát dọn toàn diện:
+ Áp dụng đối với độ dốc dưới 150 và đối với phương thức trồng rừng thuần loài, nông lâm kết hợp.
+ Thực hiện biện pháp phát toàn diện dây leo, cỏ dại, gốc tre nứa, để lại một số cây gỗ che bóng để làm tán che ban đầu; cây chặt phải hạ sát gốc, băm nhỏ cành nhánh xếp gọn theo đường đồng mức.
– Phát dọn theo băng:
+ Áp dụng đối với độ dốc trên 150 và đối với phương thức trồng làm giàu rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng.
+ Khoảng cách băng: đối với độ dốc trến 150, băng phát rộng 2 – 3 m, băng chừa (băng để lại) rộng 1 m; đối với phương thức trồng làm giàu rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng: băng phát rộng bằng 2/3 chiều cao của tán cây rừng; băng chừa (băng để lại) rộng từ 6 – 12 m; các băng được bố trí song song với đường đồng mức hoặc theo hướng Đông tây.
+ Đối với băng chặt, thực hiện phát toàn bộ thực bì, dây leo cây bụi, cây gỗ và cây tái sinh; Đối với băng chừa: phát dây leo, chừa lại toàn bộ cây bụi, cây gỗ và cây tái sinh; gốc chặt không cao quá 15 cm.
– Phát dọn theo đám:
+ Áp dụng đối với phương pháp làm giàu rừng hoặc khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung: diện tích của đám từ 1.000 – 3.000m2 áp dụng với làm giàu rừng; dưới 1.000 m2 áp dụng với khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung.
+ Thực hiện phát theo từng đám ở những nơi rừng có mật độ thưa, phát toàn diện dây leo, cỏ dại, để lại cây gỗ và cây tái sinh để che bóng cho cây Quế.
2.4. Làm đất
a) Cày đất: Nếu có điều kiện thực hiện biện pháp cày toàn diện hoặc theo băng ở những nơi có độ dốc dưới 150 và áp dụng phương thức nông lâm kết hợp.
b) Cuốc, lấp hố:
– Cuốc hố: Áp dụng ở những nơi có độ dốc trên 15° và phương thức trồng thuần loài, phân tán trong vườn hộ, làm giầu rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung; hố trồng bố trí so le theo hình nanh sấu, kích thước hố từ 30 x 30 x 30 cm trở lên; khi cuốc hố, để phần đất mặt tơi xốp một bên và phần đất phía dưới hố một bên. Cuốc hố trước khi trồng cây từ 20 – 30 ngày.
– Lấp hố: đưa phần đất mặt tơi xốp trộn với phân bón lót xuống đáy hố trước, sau đó đến phần lớp đất dưới đáy hố lên phía trên, phá rộng miệng hố, lấp đất gần ngang miệng hố. Lấp hố kết hợp với bón lót từ 0,1 – 0,3 kg phân NPK tỷ lệ 5.10.3 hoặc tương đương (không quá 666 kg/ha) hoặc 0,5 kg phân vi sinh/hố, phân được trộn đều với phần đất ở 1/3 phía dưới đáy hố trồng.
Thời điểm bón lót và lấp hố: trước khi trồng rừng từ 10 đến 15 ngày.
2.5. Thời vụ trồng
– Các tỉnh phía Bắc: Mùa xuân là mùa trồng chính từ tháng 01 đến tháng 3.Mùa thu vào tháng 7 đến tháng 9.
– Các tỉnh Nam Trung Bộ và Bắc Trung Bộ: trồng vào mùa mưa từ tháng 9 tới tháng 01 năm sau.
2.6. Vận chuyển cây giống
– Tưới nước đủ ẩm 01 đêm trước khi bốc xếp cây giống vận chuyển đem trồng; khi bốc xếp, vận chuyển tránh làm vỡ bầu, dập nát, gẫy ngọn cây giống.
– Bảo quản: đối với cây giống có bầu nếu chưa trồng phải xếp ở nơi râm mát và tưới nước đảm bảo độ ẩm cho cây; bảo vệ cây giống không bị gia súc phá hại.
2.7. Kỹ thuật trồng
– Thời điểm trồng: trồng cây vào những ngày râm mát, mưa nhỏ hoặc nắng nhẹ, đất trong hố phải đủ ẩm (tránh ngày nắng nóng trên 30°C hoặc gió bão).
– Dùng cuốc hoặc bay khơi rộng lòng hố vừa đủ đặt bầu cây, có chiều sâu hơn chiều cao của túi bầu từ 3 – 5 cm so với miệng hố.
– Xé bỏ vỏ bầu, đặt bầu cây ngay ngắn trong lòng hố sao cho cây thẳng đứng, lấp đất và lèn chặt, vun đất quanh gốc cây cao hơn mặt đất tự nhiên từ 5 – 10 cm.
3. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng rừng
3.1. Chăm sóc rừng
a) Quy định chung
– Không được phun thuốc trừ cỏ.
– Chặt dần cây che bóng để mở ánh sáng cho cây Quế sinh trưởng phát triển, đến năm thứ 5 rừng trồng Quế được mở sáng hoàn toàn.
b) Số lần chăm sóc
– Trồng thuần loài: từ năm thứ nhất đến năm thứ 4: Một năm, chăm sóc từ 2-3 lần, tùy theo mật độ trồng và mức độ xâm lấn của thực bì; lần 1 từ tháng 2 đến tháng 4; chăm sóc lần 2 từ tháng 6 đến tháng 7; lần 3 từ tháng 9 đến tháng 12.
– Trồng nông lâm kết hợp một năm chăm sóc ít nhất là 2 lần; chú ý không để cây nông nghiệp, cây phù trợ khác cạnh tranh cây Quế về ánh sáng và độ ẩm đất.
– Trồng Quế trong băng, rạch hoặc dưới tán cây tái sinh thì cần chăm sóc cho cây theo chế độ sau: từ năm thứ 1 đến năm thứ 3 chăm sóc mỗi năm 3 lần; năm thứ 4, thứ 5 chăm sóc mỗi năm 2 lần.
c) Nội dung chăm sóc
– Trồng dặm các cây Quế đã chết từ năm thứ 1 đến năm thứ 2, nếu tỷ lệ cây sống dưới 85%; cây trồng dặm là cây từ 18 đến 24 tháng tuổi.
– Phát dọn dây leo và cỏ dại lấn át cây Quế; từ năm thứ 2 trở đi, chặt dần những cây che bóng cho cây Quế, mỗi lần chặt 25% số cây để lại, số cây chặt phân bố đều trên toàn bộ diện tích đến năm thứ 5 thì cây Quế được lộ sáng hoàn toàn; gốc chặt không cao quá 15 cm, cây chặt mang ra khỏi lô rừng.
– Xới đất xung quanh gốc cây có đường kính từ 0,8 – 1m cho những lần chăm sóc từ năm thứ nhất đến năm thứ 3.
– Bón thúc cho cây Quế từ 0,1- 0,2 kg phân NPK (tỷ lệ 5:10:3 hoặc có tỷ lệ tương đương)/cây (không vượt quá 666 kg/ha) hoặc từ 0,5 -1 kg phân hữu cơ vi sinh, cách gốc 0,3 – 0,4 m; mỗi năm bón 1 lần trong 3 năm đầu.
3.2. Nuôi dưỡng rừng
– Tỉa cành:
+ Từ năm thứ 4 trở đi, khi rừng bắt đầu khép tán, cần xúc tiến tỉa cành.
+ Tỉa các cành thấp dưới tán, không quá 1/3 chiều cao cây (từ gốc lên trên ngọn cây).
+ Dùng dao, cưa, kéo để tỉa cành sát thân cây; cành, lá được tận thu gom lại để chưng cất tinh dầu.
– Tỉa thưa:
+ Áp dụng với trồng rừng thuần loài và nông lâm kết hợp.
+ Số lần tỉa và cường độ tỉa thưa ở bảng sau:
Lần tỉa | Năm áp dụng sau khi trồng | Mật độ trước khi tỉa | Cường độ tỉa/ Mật độ để lại |
Tỉa lần 1 | 4 – 5 | Trên 5.000 cây/ha, | Từ 31 – 40% |
Từ 3.333 – 5.000
cây/ha |
Từ 20 – 30% | ||
Dưới 3.333 cây /ha | dưới 20%. | ||
Tỉa thưa lần 2 | 7 – 8 | Từ 2.000 – 2.500 cây/ha | |
Tỉa thưa lần 3 | 9 – 10 | Từ 1.500 – 1.800 cây/ha | |
Tỉa thưa lần 4 | 14 – 15 | Từ 1.000 – 1.300 cây/ha. | |
Tỉa thưa lần 5 | Trên 18 | Từ 600 – 900 cây/ha |
– Cây tỉa thưa là những cây cong queo, có mầm mống sâu bệnh, bị chèn ép, cụt ngọn, cây dưới tán không đáp ứng được mục đích kinh doanh và một số cây sinh trưởng bình thường nhưng mật độ quá dày; giữ lại cây khỏe mạnh, có tán lá cân đối, thân thẳng, tròn đều.
– Thời vụ tỉa thưa trùng với trước mùa bắt đầu sinh trưởng của cây Quế, có 2 mùa khai thác vỏ Quế:
+ Mùa Xuân: tháng 3 – 4.
+ Mùa Thu: tháng 8 – 10.
– Sau khi tỉa thưa: Bóc vỏ và cắt khúc theo quy cách sản phẩm, thu gom lá cây để chiết xuất tinh dầu.
– Vệ sinh rừng sau tỉa thưa: Thu gom thân cây, cành cây đã bóc vỏ ra bìa rừng./.
Nông Thị Cúc