Xác định phát triển kinh tế tập thể (KTTT) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa kinh tế, hợp tác xã (HTX) phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong tỉnh. Để tiếp tục phát huy kết quả phát triển KTTT đã đạt được UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch số 615/KH-UBND phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023.
Từ đầu năm đến nay, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhiều chính sách hỗ trợ các HTX được triển khai đồng bộ, khu vực KTTT có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả nhất định, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Toàn tỉnh có 02 liên hiệp HTX, 325 HTX, 656 THT. Trong 9 tháng đầu năm 2022 đã thành lập mới là 35 HTX (đạt 100% KH), giải thể 14 HTX. Có 65 HTX HTX hoạt động khá, tốt, chiếm 20%; HTX hoạt động trung bình 198 HTX, chiếm 61%; HTX yếu kém 27 HTX, chiếm 8,3%; có 35 HTX mới thành lập chưa đánh giá. Doanh thu bình quân của 01 HTX cả năm 2022 ước đạt 790 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Các HTX được thành lập xuất phát từ nhu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành viên, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; việc hình thành các HTX đã thu hút được lao động, vốn góp qua đó nâng cao thu nhập cho thành viên. Quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX được mở rộng hơn; chất lượng của HTX được củng cố, nhiều mô hình HTX hoạt động kinh doanh có hiệu quả thực hiện tốt vai trò hỗ trợ thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển. Các HTX đã chủ động đăng ký tham gia chương trình OCOP, bên cạnh đó một số HTX đã chủ động liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên liên kết và người dân trên địa bàn. Các thành viên, người lao động trong HTX đã mạnh dạn thay đổi tư duy để sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu của thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên hợp tác xã, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới; từng bước khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTTT vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, phần lớp KTTT, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu. Vẫn còn tình trạng chưa xử lý dứt điểm một số HTX không hoạt động. Công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, đặc biệt là ở các cấp địa phương; chính sách và nguồn nhân lực hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX còn hạn chế, phân tán, chủ yếu là lồng ghép.
Vì vậy, trong năm 2023 khu vực KTTT cần tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tiếp tục nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể; tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Luật HTX năm 2012, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX; phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX theo hướng bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Phấn đấu đến năm 2023 khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Năm 2023 phấn đấu thành lập mới 01 Liên hiệp HTX; hết năm 2023 có 335 HTX, thành lập mới từ 35 HTX trở lên, củng cố các HTX đưa tỷ lệ HTX hoạt động yếu kém xuống còn dưới 10%, doanh thu bình quân: 800 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân HTX: 75 triệu đồng, thu nhập bình quân thành viên HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: 60 triệu đồng/năm; hết năm 2023 có 680 THT, doanh thu đạt 250 triệu đồng/năm/THT.
Để đạt được những mục tiêu đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đề ra các giải pháp như: Tập trung vào tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX; tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX; nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX; huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển KTTT và phát huy mạnh mẽ vai trò của Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển KTTT./.
Nguyễn Thị Huế – Liên minh HTX tỉnh