Hướng dẫn xây dựng nhà lưới, nhà màng

Thực hiện Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 27/4/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Hướng dẫn tạm thời xây dựng nhà lưới, nhà màng với một số nội dung chủ yếu như sau:

Nguyên tắc xây dựng nhà lưới, nhà màng:

– Nhà lưới, nhà màng được xây dựng tại vị trí có khoảng cách an toàn với nguồn gây ô nhiễm hoặc có mối nguy gây ô nhiễm; sử dụng nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, đáp ứng đủ cho sản xuất; thuận tiện về giao thông và phù hợp với quy hoạch của địa phương.

– Có hệ thống thoát nước tốt, đảm bảo các cây trồng không bị ảnh hưởng do ngập úng.

– Khung nhà, lưới, màng che phủ phải được lựa chọn phù hợp về chất liệu, vật liệu, kết cấu, đảm bảo bền vững, chống chịu được với điều kiện thời tiết bất lợi, sử dụng được lâu dài, tiết kiệm chi phí đầu tư.

– Cần trang bị hệ thống điều tiết ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ (đất, không khí) theo hướng bán tự động hay tự động hoàn toàn, phù hợp với yêu cầu của từng loại cây trồng và giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây.

Quang cảnh nhà màng tại HTX Dương Quang.

Yêu cầu kỹ thuật

– Đối với khung nhà:

+ Cột, móng: Sử dụng thép mạ kẽm có độ bền cao, dày từ 1,4 mm trở lên, dạng tròn, dạng hộp… hoặc bằng bê tông; đảm bảo chịu được tải trọng của nhà, của gió, trụ móng cột vững chắc.

Đối với nhà lưới: Khoảng cách mỗi trụ theo chiều dài nhà tối đa 5 m, theo chiều rộng nhà tối đa 9,6 m; chiều cao cột 2,4 – 9 m; chiều sâu móng phụ thuộc vào địa chất. Đảm bảo trọng tải của cả nhà, chống được lún, bật móng, lật nhà…

Đối với nhà màng: Khoảng cách mỗi trụ theo chiều dài nhà tối đa 6 m, theo chiều rộng nhà tối đa 12,8 m; chiều cao cột  4 – 11 m; chiều sâu móng phụ thuộc vào địa chất. Đảm bảo trọng tải của cả nhà, chống được lún, bật móng, lật nhà…

+ Khung: Sử dụng thép mạ kẽm có độ bền cao, dày từ 1,4 mm trở lên, dạng tròn, dạng hộp, dạng elip… Đảm bảo trọng tải của các liên kết khung và các thiết bị của toàn bộ nhà.

+ Mái: Dạng mái hở hoặc mái kín. Khoảng cách giữa 2 thanh vòm (vì kèo) theo chiều dài nhà từ 2-4 m. Đối với nhà màng mái hở cần có khe thông gió đỉnh mái tối thiểu rộng 0,6 m với nhà có khổ rộng 6,4 m trở lại và với nhà khổ rộng trên 8 m cần khe thông gió >1 m để đảm bảo tính đối lưu không khí tự nhiên cho nhà, độ dốc mái nhà phải đạt 20 độ trở lên so với bề mặt nằm ngang để đảm bảo thoát nước tốt.

+ Chạy lực tính toán sức chịu gió của nhà (dựa vào hồ sơ chạy lực):

Đối với nhà lưới phải chạy lực tính toán chịu được sức gió >62 km/h (tương đương gió cấp 8 trở lên).

Đối với nhà màng phải chạy lực tính toán chịu được sức gió >89 km/h (tương đương gió cấp 10 trở lên).

+ Chiều cao nhà tính từ sàn nhà tới nóc: 2,4 – 9 m (đối với nhà lưới), 4 – 11 m (đối với nhà màng).

+ Chi tiết liên kết: Toàn bộ kết cấu khung, giằng, xà gồ của các nhà tốt nhất sử dụng liên kết bắt các thanh khung bằng bulong, ốc vít. Không nên sử dụng mối hàn để đảm bảo tính cơ động, chắc chắn và dễ dàng tháo lắp khi cần thiết. Ngoài ra liên kết bulong cũng giúp khử lực rung do gió của nhà tốt hơn liên kết hàn (liên kết hàn dễ bị gió rung bẻ gãy mối hàn hoặc dễ bị ăn mòn tại điểm hàn do lớp kẽm bị phá hủy). Liên kết giữa móng và cột: Móng cột đổ bê tông cốt thép.

+ Cửa ra vào: Cửa ra vào phải làm dưới dạng khoang cách ly với 2 cửa kép chống côn trùng. Cửa ra vào nên có quạt đuổi côn trùng và dụng cụ vệ sinh tay, khay dung dịch hoặc vôi bột khử trùng chân trước khi vào nhà.

Đối với nhà màng, bắt buộc phải có máng xối thoát nước và hệ thống giằng chống bão:

+ Máng xối thoát nước: Giúp thoát nước mưa và hỗ trợ liên kết khung nhà. Máng được làm bằng thép, tôn mạ kẽm, chống rỉ, có độ dày từ 0,5 mm trở lên, chiều rộng và sâu của máng từ 20 cm trở lên. Máng được gắn cố định, chắc chắn trên đầu các cột, nước mưa chảy đến cuối mỗi đường máng được gom vào ống dẫn xuống hệ thống thoát nước dưới mặt đất.

+ Hệ thống giằng chống bão: Sử dụng thép mạ kẽm, độ dày tối thiểu 1,4 mm, gồm: Hệ thống giằng nằm ngang kết nối các đầu cột với nhau; giằng chữ “X” và chữ “V” được bố trí tại các góc, đan xen ở bên trong và xung quanh nhà; hệ thống giằng chạy ngang, dọc tạo ô “bàn cờ” xung quanh nhà để bắt nẹp, zic zắc cố định lưới, màng nilon… Tất cả tạo cho khung nhà vững chắc, đảm bảo khả năng chống chịu được với điều kiện thời tiết bất lợi như: Giông, lốc, bão…

Tùy vào điều kiện và tình hình thực tế, có thể lắp đặt liên hoàn nhiều nhà theo kết cấu như trên thành một nhà hoặc có thể bố trí thành các nhà riêng biệt trên cùng khu vực canh tác để đạt diện tích từ 2.000 m2 trở lên.

– Lưới, nilon chuyên dụng, tấm polycacbonat

+ Khung nhà liên kết với lưới, nilon chuyên dụng, tấm polycacbonat bằng nẹp và zic zắc lò xo tạo độ chắc chắn và dễ dàng tháo lắp, thay thế.

+ Lưới chắn côn trùng, nilon chuyên dụng, tấm polycacbonat cần sử dụng loại có độ dày, độ thấu quang phù hợp (nên dùng loại có độ xuyên sáng >80%), làm bằng chất liệu chịu cường lực cao, có độ bền ít nhất 3 năm, giúp sản xuất ổn định, lâu dài.

– Thiết bị khác

+ Thiết bị điều tiết nhiệt độ: Có thể sử dụng lưới đen, lưới nhôm, vải bảo ôn, hệ thống tấm làm mát, quạt đối lưu không khí, điều hòa nhiệt độ để điều chỉnh nhiệt độ trong nhà sản xuất. Tốt nhất có thể đảm bảo điều chỉnh nhiệt độ trong nhà từ 35oC trở xuống.

+ Thiết bị điều tiết độ ẩm: Sử dụng hệ thống phun sương, hệ thống tưới để tạo độ ẩm cho nhà sản xuất. Hệ thống quạt hút, thông gió, máy hút ẩm, điều hòa nhiệt độ để điều chỉnh độ ẩm trong nhà sản xuất.

+ Thiết bị tưới: Tùy thuộc vào loại cây trồng, mức độ đầu tư mà có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều tiết bị tưới với nhau. Các thiết bị tưới có thể điều khiển tự động, bán tự động hoặc thủ công đảm bảo tưới đúng lượng nước thích hợp cho nhu cầu của cây, tối ưu độ ẩm đất và giá thể trồng. Hiện tại có một số thiết bị tưới chính như: Thiết bị tưới nhỏ giọt, thiết bị tưới phun mưa, phun sương…

+ Các thiết bị kết nối khác.

Hướng dẫn hết hiệu lực ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản quy định về nhà lưới, nhà màng sản xuất nông nghiệp hoặc có văn bản khác thay thế./.

Nông Cúc

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000834
Hôm nay : 67
Trong tháng : 2541
Trong năm : 8917
Tổng : 39531
Skip to content