Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất dong riềng theo tiêu chuẩn hữu cơ

Cây dong riềng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên cây dong riềng là cây trồng “phàm ăn” nếu người dân không chăm sóc, bón phân thì đất sẽ trở nên bạc màu sau vài vụ trồng, năng suất thấp, phát sinh nhiều sâu bệnh hại.

Để giúp nâng cao năng suất, chất lượng dong riềng tạo ra sản phẩm sạch, an toàn đồng thời giúp cải tạo đất trồng, hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững, Sở Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn thực hiện các giải pháp kỹ thuật để phát triển cây dong riềng đảm bảo theo mục tiêu giao tại Kế hoạch số 775/KH-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh. Qua đó hướng dẫn kỹ thuật sản xuất dong riềng theo tiêu chuẩn hữu cơ cụ thể như sau:

I. Yêu cầu chung đối với sản xuất hữu cơ (TCVN)

  1. Về nguyên tắc sản xuất hữu cơ:

Thực hiện theo điểm 4 của TCVN 11041-2:2017

  1. Khu vực sản xuất

Khu vực sản xuất hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm hoặc khu tập kết, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện.

Cơ sở phải quy định vùng đệm cụ thể và dễ dàng nhận diện. Chiều cao của cây trồng trong vùng đệm và chiều rộng cụ thể của vùng đệm phụ thuộc vào nguồn gây ô nhiễm cần được xử lý, địa hình của cơ sở và điều kiện khí hậu địa phương.

Mô hình trồng dong riềng tại xã Côn Minh, huyện Na Rì.
  1. Chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ

Giai đoạn chuyển đổi áp dụng trên một phần hoặc toàn bộ diện tích sản xuất. Giai đoạn chuyển đổi từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ đối với cây hàng năm (nghệ, dong riềng) là 12 tháng cho đến khi trồng vụ mới. Thời điểm bắt đầu chuyển đổi là ngày ghi nhận việc quản lý sản xuất hữu cơ trong hồ sơ hoặc ngày mà tổ chức chứng nhận chấp nhận đơn đăng ký.

Trên cơ sở nhận diện và đánh giá các nguy cơ có liên quan đến quá trình canh tác đất và các kết quả phân tích hóa chất (ví dụ: hàm lượng kim loại nặng, dư lượng phân bón hóa học, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học) trong đất, nước có thể kéo dài, rút ngắn hoặc bỏ qua thời gian chuyển đổi.

a) Thời gian chuyển đổi có thể được rút ngắn nếu có bằng chứng về việc:

– Không sử dụng các chất không thuộc danh mục vật tư, nguyên liệu đầu vào được phép sử dụng cho sản xuất hữu cơ được nêu trong Bảng A.1 và Bảng A.2 của TCVN 11041-2:2017.

– Không thực hiện các hoạt động bị cấm trong sản xuất hữu cơ, trong thời gian không ít hơn 12 tháng.

Thời gian chuyển đổi sau khi rút ngắn không được ít hơn 6 tháng.

b) Thời gian chuyển đổi có thể được bỏ qua nếu sử dụng đất nguyên sơ hoặc đất hoang hóa.

c) Giai đoạn chuyển đổi có thể kéo dài trên cơ sở nhận diện và đánh giá các nguy cơ có liên quan. Cây trồng thu hoạch trong vòng 36 tháng sau khi sử dụng chất không nêu trong Bảng A.1 và Bảng A.2 đối với đất hoặc đối với cây trồng thì không được ghi nhãn liên quan đến hữu cơ.

4. Duy trì sản xuất hữu cơ

Khu vực đã được chứng nhận hữu cơ phải duy trì sản xuất hữu cơ liên tục. Không được chuyển đổi qua lại giữa khu vực sản xuất hữu cơ và khu vực sản xuất không hữu cơ, trừ khi có lý do thích hợp để chấm dứt sản xuất hữu cơ trên khu vực đã được chứng nhận hữu cơ và trong những trường hợp yêu cầu chuyển đổi được áp dụng

  1. Sản xuất song song và sản xuất riêng rẽ

Nếu thực hiện sản xuất hữu cơ và sản xuất không hữu cơ tại cùng một cơ sở thì các hoạt động sản xuất không hữu cơ không được gây ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của khu vực sản xuất hữu cơ. Phải tách biệt khu vực sản xuất hữu cơ, sản phẩm hữu cơ với khu vực sản xuất không hữu cơ, sản phẩm không hữu cơ, ví dụ: dùng các rào cản vật lý, sản xuất các giống khác nhau hoặc bố trí thời vụ sao cho thời điểm thu hoạch là khác nhau, cách thức bảo quản sản phẩm và vật tư, nguyên liệu đầu vào.

  1. Quản lý đất

Đất canh tác trong trồng trọt hữu cơ phải có độ phì và hoạt tính sinh học của đất cần được duy trì hoặc tăng cường khi thích hợp, bằng cách:

– Trồng các loại cây họ đậu, cây phân xanh và các loài thực vật có rễ đâm sâu theo chu kỳ luân canh thích hợp.

– Đưa vào đất các vật liệu hữu cơ, có thể ủ hoặc không ủ, bao gồm cả các chế phẩm sinh học từ bột xương, phân chuồng hoặc phân xanh.

  1. Quản lý nước

Nguồn nước sử dụng trong trồng trọt cần được sử dụng hợp lý theo nhu cầu của cây trồng và tránh lãng phí. Nước sử dụng trong trồng trọt hữu cơ phải đáp ứng theo yêu cầu hiện hành. Phải bảo vệ nguồn nước để tránh bị ô nhiễm.

  1. Quản lý phân bón

Sản xuất hữu cơ chỉ sử dụng các loại phân khoáng thiên nhiên và chỉ để bổ sung cho các phương pháp sinh học để tăng độ phì của đất, ví dụ: Phân xanh và phân ủ (compost).

Sản xuất hữu cơ không sử dụng: Phân bón tổng hợp; phân bón hòa tan bằng phương pháp hóa học, ví dụ: Các superphosphat; phân bắc đối với cây trồng dùng làm thực phẩm.

Các sản phẩm phụ từ chăn nuôi, ví dụ phân chuồng từ bãi chứa trong trang trại có thể dùng để bón cho cây trồng. Khuyến khích sử dụng phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ.

Để làm hoai mục phân ủ, có thể dùng các vi sinh vật thích hợp hoặc các chế phẩm có nguồn gốc thực vật.

  1. Quản lý sinh vật gây hại

Cơ sở phải có các biện pháp ngăn ngừa sinh vật gây hại (vi sinh vật gây bệnh, côn trùng gây hại, cỏ dại…). Có thể sử dụng các biện pháp sau:

– Thực hiện luân canh cây trồng, quản lý dinh dưỡng đối với đất và cây trồng;

– Các biện pháp vệ sinh để loại bỏ các mầm bệnh, hạt cỏ dại và môi trường sống cho sinh vật gây hại;

– Sử dụng loài, giống cây trồng có khả năng kháng các loài sinh vật gây hại phổ biến và thích nghi với môi trường;

– Để kiểm soát sinh vật gây hại, có thể sử dụng các biện pháp sau đây:

+ Bảo vệ các loài thiên địch của sinh vật gây hại qua việc tạo môi trường sống thuận lợi, ví dụ: Làm hàng rào, địa điểm làm tổ, các vùng sinh thái đệm để duy trì thảm thực vật ban đầu cho các loài côn trùng ăn sinh vật gây hại;

+ Phóng thích các loài thiên địch, bao gồm cả các loài côn trùng ăn thịt và các loài ký sinh;

+ Trồng cây xua đuổi sinh vật gây hại, cây dẫn dụ thiên địch;

+ Dùng bẫy, rào chắn, ánh sáng, nhiệt độ và tiếng động.

– Đối với cỏ dại, có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát như: Cắt tỉa, nhổ cỏ bằng tay, canh tác bằng cơ giới (cày xới đất), che phủ bằng các vật liệu tự nhiên hoặc các vật liệu khác có thể phân hủy sinh học hoàn toàn.

– Đối với dịch bệnh, có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát như: Thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của các sinh vật gây bệnh; sử dụng các chất có nguồn gốc thực vật, chất khoáng hoặc chế phẩm sinh học không chứa các chất tổng hợp.

  1. Các chất được phép sản xuất trong trồng trọt hữu cơ

Thực hiện theo mục 5.1.8 của TCVN 11041-1:2017 và các chất được nêu trong Bảng A.1 và Bảng A.2 của TCVN 11041-2:2017.

  1. Ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm

Việc lưu giữ hồ sơ nhằm đảm bảo truy xuất được tính toàn vẹn trong toàn bộ hoạt động sản xuất hữu cơ và khả năng thu hồi sản phẩm bằng cách theo dõi dữ liệu sản xuất và số lượng của từng bước trong chuỗi cung ứng, bao gồm cả việc bán hàng. Thực hiện theo 5.8 của TCVN 11041-1:2017

II. Yêu cầu chung đối với sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS Việt Nam

Yêu cầu chung đối với sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS (Participatory Guarantee System) Việt Nam cần chú ý một số yêu cầu chính sau:

– Nguồn nước được sử dụng trong canh tác hữu cơ phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm (theo quy định trong tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn của TCVN 5942-1995).

– Khu vực sản xuất hữu cơ phải được cách ly tốt khỏi các nguồn ô nhiễm như các nhà máy, khu sản xuất công nghiệp, khu vực đang xây dựng, các trục đường giao thông chính…

– Cấm sử dụng tất cả các loại phân bón hóa học, cấm sử dụng phân người, cấm sử dụng phân ủ được làm từ rác thải đô thị; phân động vật, các sản phẩm từ biogas gồm nước và chất lắng không được sử dụng trực tiếp mà phải đưa vào ủ nóng trước khi đưa ra ruộng để sử dụng.

– Cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng.

– Nông dân phải duy trì việc ghi chép vào sổ tất cả vật tư đầu vào dùng trong canh tác hữu cơ.

– Không được phép sản xuất song song: Các cây trồng trong ruộng hữu cơ phải khác với các cây được trồng trong ruộng thông thường.

– Nếu ruộng gần kề có sử dụng các chất bị cấm trong canh tác hữu cơ thì ruộng hữu cơ phải có một vùng đệm để ngăn cản sự xâm nhiễm của các hóa chất từ ruộng bên cạnh. Cây trồng hữu cơ phải trồng cách vùng đệm ít nhất là một mét (01m). Nếu sự xâm nhiễm xảy ra qua đường không khí thì cần phải có một loại cây được trồng trong vùng đệm để ngăn chặn bụi phun xâm nhiễm. Loại cây trồng trong vùng đệm phải là loại cây khác với loại cây trồng hữu cơ. Nếu việc xâm nhiễm xảy ra qua đường nước thì cần phải có một bờ đất hoặc rãnh thoát nước để tránh bị xâm nhiễm do nước bẩn tràn qua.

– Cây trồng hàng năm: Thời kỳ chuyển đổi là 6 tháng nếu khu vực sản xuất được chứng nhận là đủ điều kiện sản xuất “an toàn” hoặc VietGAP; 12 tháng trong trường hợp không có chứng nhận an toàn.

– Cấm sử dụng tất cả các vật tư đầu vào có chứa sản phẩm biến đổi gen GMOs.

– Nên sử dụng hạt giống và các vật liệu trồng trọt hữu cơ sẵn có. Nếu không có sẵn, có thể sử dụng các nguyên liệu gieo trồng thông thường nhưng cấm không được xử lý bằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trước khi gieo trồng. Nếu không thể tìm được hạt giống không xử lý hóa chất thì được phép rửa hạt giống bằng nước sạch để loại bỏ hóa chất trước khi sử dụng.

– Cấm đốt cành cây và rơm rạ, phá rừng và hủy hoại môi trường sinh thái.

– Chỉ những loại phân bón, chất dưỡng đất và các vật tư đầu vào được liệt kê trong danh mục phê chuẩn của PGS mới được phép sử dụng.

III. Kỹ thuật trồng và chăm sóc dong riềng hữu cơ

  1. Chuẩn bị đất trồng

1.1. Thời vụ trồng: Dong riềng trồng được từ tháng 1 đến hết tháng 3, tốt nhất là trồng tập trung trong tháng 2 (dương lịch) để tận dụng mưa xuân, cây mọc nhanh và đều.

1.2. Chuẩn bị đất trồng

– Chọn đất: Đất để trồng cây dong riềng tốt nhất là trồng trên đất thịt nhẹ, đất cát pha, nhiều mùn, đủ ẩm, đất không bị úng đọng nước.

– Làm đất:

+ Cày sâu từ 10 – 15 cm, bừa kỹ, sạch cỏ; nếu có điều kiện thì bổ sung chấu, mùn cưa… để tăng độ tơi xốp cho đất.

+ Xử lý đất bằng vôi bột trước khi trồng với lượng 50kg/1.000 m2 để hạn chế nguồn bệnh hại trong đất.

+ Trồng trên đất tương đối bằng phẳng thì lên luống rộng 1,4 – 1,7 m, rãnh thoát nước từ 25 – 30 cm. Nếu trồng trên đất dốc, thoát nước tốt thì sau khi làm sạch cỏ tiến hành bổ hốc 20 x 20 x 20 cm rồi trồng.

1.3. Chọn củ giống

– Chọn củ giống đồng đều, đúng giống, không bị trầy xước và sạch bệnh.

– Củ giống có nhiều mầm phát triển tốt, dùng tay bẻ mỗi mầm củ theo hình ô van để trồng.

– Lượng củ giống từ 1.500 – 2.000 kg/1 ha (tương đương 150 – 200 kg/1.000 m2).

– Xử lý củ giống bằng cách chấm vị trí bẻ mầm vào vôi bột hoặc tro bếp trước khi trồng, giúp củ giống nhanh liền sẹo, tránh bị nhiễm bệnh, thối củ hoặc có thể ngâm củ giống từ 15 – 20 phút trong nước vôi 1% (1kg vôi pha với 100 lít nước) lấy củ ra để khô nước thì trồng.

  1. Kỹ thuật trồng và chăm sóc

2.1. Cách trồng

– Sau khi xẻ rãnh hoặc bổ hốc xong, tiến hành bón lót và phủ một lớp đất mỏng lên trên phân nhằm tránh củ giống tiếp xúc trực tiếp với phân, đặt củ giống vào sâu khoảng 10 – 12 cm, mầm hướng lên trên, phủ một lớp đất mỏng lên trên và ấn nhẹ để củ giống tiếp xúc với đất; có thể phủ rơm rạ lên trên luống sau khi trồng để giữ ẩm.

– Tùy thuộc vào loại đất trồng để xác định mật độ và khoảng cách trồng hợp lý, đất tốt thì trồng thưa hơn.

Loại đất Mật độ (cây/ha) Hàng Hàng (cm) Khóm Khóm (cm)
Đất tốt 10.000 – 12.000 100 – 110 90 – 100
Đất trung bình 14.000 – 16.000 90 – 100 70 – 80

2.2. Làm cỏ, vun xới

– Lần 1: Khi cây mọc được một tháng kết hợp với bón thúc lần 1 thì làm cỏ, xới vun đất phủ phân bón thúc, tạo rãnh thoát nước.

– Lần 2: Sau trồng khoảng 4 tháng khi bón thúc lần 2, làm cỏ, vun xới phủ phân bón thúc.

Sau khi làm cỏ, vun xới có thể phủ trấu, mùn vào gốc cây giúp cho đất tơi xốp, củ to và năng suất cao.

2.3. Phân bón

– Không được sử dụng nhóm phân bón hóa học, kể cả phân bón hòa tan bằng phương pháp hóa học như supephosphat. Tuy nhiên, có thể sử dụng phân bón được sản xuất bằng phương pháp gia nhiệt.

– Trong trường hợp việc sử dụng nhóm phân bón hữu cơ và nhóm phân bón sinh học không đủ cung cấp dinh dưỡng cho cây có thể sử dụng các loại phân bón và chất ổn định đất khác được nêu trong Bảng A.1 của TCVN 11041-2:2017.

– Sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục với lượng từ 22 – 23 tấn/ha (tương đương 2.200 – 2.300 kg/1.000 m2) hoặc có thể bón các loại phân bón hữu cơ khác đủ điều kiện để sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

– Cách bón:

+ Bón lót 50% lượng phân

+ Bón thúc lần 1 (20% lượng phân) sau khi cây mọc 30 ngày. Bón thúc lần 2 (lượng phân còn lại) sau trồng 4 tháng để cây sinh trưởng phát triển tốt. Rải phân giữa hai hàng tránh để phân trạm vào củ giống.

  1. Quản lý sinh vật hại

– Áp dụng biện pháp thủ công để khống chế sâu bệnh ngay từ khi sâu bệnh  mới phát sinh với mật độ thấp như: Thu gom tàn dư thực vật trên đồng ruộng, ngắt bỏ lá bị bệnh, ngắt ổ trứng, bắt sâu non đem tiêu hủy.

– Sử dụng bẫy bả chua ngọt, bẫy pheromone (diệt trưởng thành sâu khoang), sử dụng bẫy dính vàng để thu hút trưởng thành các loại sâu hại.

– Sử dụng biện pháp sinh học: Bảo vệ các loại thiên địch như nhện, bọ rùa, chim…

– Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học khi sâu, bệnh phát sinh mạnh không thể khống chế được bằng biện pháp thủ công:

+ Sâu hại: Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Bacillus thuringiensis hoặc có thể dùng thuốc tự chế, cách làm: Lấy lá xoan khô ngâm trong 1 ngày với tỷ lệ 1 kg lá/10 lít nước. Sau khi ngâm đủ thời gian, vò nát rồi lọc lấy dung dịch. Khi sử dụng pha thêm 10 lít nước lã và thêm 0,1% chất bám dính (nước rửa bát) rồi mới đem phun.

+ Bệnh cháy lá, thối thân: Xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất tinh dầu thảo mộc (TP-ZEP 18EC,…); phun dung dịch tỏi để hạn chế sợi nấm và bào tử nấm phát triển, nếu bệnh nặng tiến hành phun liên tục 3 ngày liền (3 lần); có thể xử dụng hoạt chất Trichoderma.

  1. Thu hoạch, sơ chế

– Thu hoạch để sơ chế tinh bột sau trồng 10 – 11 tháng là tốt nhất, khi thấy lá vàng, lá gốc đã khô, cây lụi dần là thu hoạch được.

– Thu hoạch dong riềng còn non củ dễ bị xây xát, năng suất giảm, tinh bột thấp.

– Thu hoạch dong riềng muộn, củ non nảy mầm, củ chính bị sượng, tinh bột trong củ giảm; không kịp giải phóng đất cho vụ sau.

– Chọn củ nhánh, tròn, chưa mọc thành cây từ ruộng không bị bệnh để làm củ giống. Củ giống có thể trồng ngay sau khi thu hoạch hoặc phơi qua trong nắng nhẹ rồi bảo quản trong bao dứa hoặc bao lưới để nơi thoáng gió, khô ráo. Củ thương phẩm dùng để chế biến tinh bột thì xuất đến đâu thu hoạch đến đó tránh tình trạng thất thoát sau thu hoạch./.

Quỳnh Thu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000832
Hôm nay : 13
Trong tháng : 2264
Trong năm : 8640
Tổng : 39254
Skip to content