Để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng của ngành, khắc phục và bù đắp thiệt hại do cơn bão số 3 (YAGI) gây ra đối với sản xuất vụ mùa, ngày 25 tháng 9 năm 2024 Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Kạn ban hành văn bản số 2191/SNN-TT, BVTV&QLCL đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:
- Đối với cây trồng vụ mùa:
– Tranh thủ tối đa thời tiết thuận lợi thu hoạch sớm và gọn diện tích lúa mùa đã đến thời kỳ thu hoạch với phương châm xanh nhà hơn già đồng, vừa tránh thiệt hại do bão, lũ, vừa sớm giải phóng đất để trồng cây vụ Đông;
– Tiếp tục chăm sóc, khắc phụ ảnh hưởng do bão lũ; phòng trừ dịch hại giai đoạn cuối vụ đối với các giống lúa dài ngày, diện tích cấy muộn và trên các loại cây ăn quả, đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm khi thu hoạch.
Lưu ý: Đối với những diện tích lúa, ngô bị thiệt hại do bão, lũ không có khả năng khắc phục: Khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, rắc vôi bột để khử khuẩn, khử chua; tiến hành làm đất sớm để trồng các cây trồng vụ đông theo đúng khung thời vụ.
- Đối với cây trồng vụ Đông:
Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vụ Đông. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn và chủ động tiêu thụ sản phẩm.
Bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để tranh thủ thời vụ, mở rộng diện tích cây vụ Đông ưa ấm. Phát triển các cây vụ Đông ưa lạnh lợi thế, có khả năng bảo quản dài và thị trường tiêu thụ tốt. Ưu tiên sử dụng cây ngắn ngày.
Kiểm tra các nguồn vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) để đảm bảo số lượng và chất lượng, bao gồm cả nguồn dự trữ để trồng lại khi xảy ra thiên tai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái với quy định của pháp luật; tăng cường công tác phòng trừ sinh vật gây hại, đảm bảo an toàn tuyệt đối mùa vụ.
Tăng cường công tác kiểm tra chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động hộ nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ nhỏ lẻ sang quy mô hợp tác xã; tổ chức sản xuất theo kế hoạch và yêu cầu của thị trường, hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch được giao, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho người dân trong quá trình sản xuất. Cụ thể:
– Thời vụ gieo trồng:
Đối với các loại cây ưa ấm: Cây ngô đông có thời gian sinh trưởng từ 110 ngày trở lên, kết thúc gieo trồng trước 05/10; thời gian sinh trưởng từ 75 – 85 ngày, kết thúc gieo trồng trước 10/10 để tránh gặp rét khi trỗ cờ phun râu; cây khoai lang, cà chua, dưa chuột, bí… kết thúc gieo trồng trước ngày 10/10.
Đối với các loại cây ưa lạnh như cây khoai tây tập trung trồng từ ngày 10/10 đến ngày 10/11, không trồng muộn vì thiếu ánh sáng, nhiệt độ quá thấp ảnh hưởng đến năng suất; cây rau, đậu các loại (cải ăn lá, súp lơ, bắp cái, đậu cove…); trồng rải vụ để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung, giá thấp.
– Về cơ cấu giống: Bố trí cơ cấu giống hợp lý cho từng vùng sản xuất, nên sử dụng các giống có năng suất, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, phù hợp với khả năng đầu tư thâm canh của địa phương, cụ thể như sau:
Cây ngô: Tập trung gieo trồng các giống ngô nếp ngắn ngày; tăng cường sản xuất ngô sinh khối để làm thức ăn chăn nuôi.
Cây khoai tây: Trồng các giống phù hợp theo yêu cầu liên kết, tiêu thụ.
Cây khoai lang: Trồng giống khoai chất lượng cao như: Giống khoai lang Hoàng long, khoai lang Nhật hoặc giống khoai lang ăn lá…
Cây rau, đậu các loại: Trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác để gieo trồng các loại rau cho phù hợp: Cải bắp, su hào, súp lơ, đậu cô ve, đậu Hà Lan, rau cải các loại, dưa chuột, cà chua…
– Về kỹ thuật áp dụng: Bố trí mật độ trồng hợp lý, bón phân đủ lượng và cân đối đạm, lân, kali theo yêu cầu của từng loại cây trồng; tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, hữu cơ sinh học nhằm cải tạo, tăng độ phì cho đất. Thực hiện bón thúc sớm để cây phát triển mạnh trong thời gian đầu còn ấm, tăng khả năng chống rét.
Đối với cây ngô: Áp dụng biện pháp kỹ thuật làm bầu ngô để tranh thủ thời gian xuống giống; mở rộng diện tích làm đất tối thiểu; bố trí mật độ trồng hợp lý, bón phân sớm, đủ lượng và cân đối, khuyến khích sử dụng các loại phân hữu cơ, hữu cơ sinh học nhằm cải tạo, tăng độ phì cho đất.
Cây khoai tây: Áp dụng kỹ thuật trồng khoai tây làm đất tối thiểu có tủ rơm rạ, kết hợp bón phân sớm, đầy đủ và cân đối.
Cây rau các loại: Tăng cường sử dụng phân hữu cơ; sử dụng màng phủ trong nông nghiệp trồng rau.
– Phòng trừ sâu bệnh: Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM, IPHM theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại; hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời.
- Chuẩn bị phương án điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý, chỉ đạo công tác tưới tiêu, phòng chống mưa bão, ngập úng, kiểm tra nguồn cung cấp vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc BVTV) đảm bảo số lượng và chất lượng, bao gồm cả nguồn dự trữ để trồng lại khi xảy ra thiên tai.
- Hỗ trợ nông dân sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất và chủ động tiêu thụ sản phẩm.
5. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và các ảnh hưởng bất lợi khác./.
BBT