Thực trạng và giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Trong những năm qua, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng; ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đã từng bước phát triển. Năm 2021, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt sản lượng 180.187 tấn. Lương thực bình quân đầu người đạt trên 557 kg/người/năm. Diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ năm 2018-2020 là 1.866 ha. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm tăng 3,6% so với năm 2020, nông, lâm nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường; thu nhập và đời sống của người dân từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đã bước đầu phát huy được hiệu quả, tuy nhiên quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm, chưa bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế của từng địa phương; chưa hình thành được các vùng chuyên canh từ việc chuyển đổi cây trồng, các sản phẩm tạo ra chỉ phục vụ tại chỗ, chưa trở thành hàng hóa tạo nên chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

I. Thực trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  1. Thực trạng

– Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở rà soát kế hoạch chuyển đổi của các địa phương, đảm bảo phù hợp với kế hoạch chung của tỉnh. Theo đó, tập trung chuyển đổi đối với những diện tích đất trồng lúa, ngô khó khăn về nước tưới tiêu; các diện tích trồng các cây trồng có năng suất thấp trồng sang trồng các loại cây khác có năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm chủ yếu chuyển đổi sang trồng cây rau màu, một số diện tích cây trồng được chuyển đổi có liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra như các loại cây trồng: Bí xanh thơm, mướp đắng rừng, thạch đen, cây dược liệu… Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm chủ yếu trồng cây ăn quả có khả năng tiêu thụ như: Cam, táo, hồng không hạt…

– Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2021 của tỉnh đạt 316,39/167 ha, đạt 189% so với kế hoạch, lũy kế diện tích đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2018 – 2021 là 1.866 ha; diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vụ Xuân năm 2022 là 157/233,1 ha, đạt 67% kế hoạch. Diện tích đất ruộng, soi bãi đạt 100 triệu đồng trên ha trở lên đạt 3.472 ha.

Mô hình trồng giống lạc L29 tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn.

2. Đánh giá hiệu quả chuyển đổi

– Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bước đầu đem lại kết quả khá toàn diện, tạo ra sự đa dạng về sản phẩm. Qua thực tế sản xuất cho thấy, các mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây khác đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,5 – 05 lần so với canh tác lúa. Cụ thể, trên đất canh tác 2 vụ lúa/năm cho thu nhập trung bình từ 50-60 triệu đồng/ha/năm; khi chuyển đổi sang trồng cây hàng năm (cây rau màu, bí xanh thơm, cây dược liệu, thạch đen….) cho thu nhập từ 150-250 triệu đồng/ha/năm (gấp 4-5 lần so với canh tác lúa); nếu chuyển sang trồng cây lâu năm như trồng cây ăn quả (cam, quýt, bưởi, hồng không hạt, ổi) cho thu nhập trung bình từ 80-180 triệu đồng/ha/năm (gấp 1,5-3 lần so với canh tác lúa)…

– Đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa vào thử nghiệm, sản xuất những cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân. Đặc biệt trong năm 2021, 2022 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn với vai trò góp phần thúc đẩy, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây, ngô ngọt, lạc, rau… tại các huyện Ngân Sơn, Na Rì, Pác Nặm, Chợ Đồn. Các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đã tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các công ty, đem lại thị trường tiêu thụ ổn định giúp bà con yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Trong năm 2021, đơn vị hỗ trợ xây dựng liên kết cho 25 tổ hợp tác với 327 hộ tham gia thực hiện các chuỗi liên kết về khoai tây, ngô ngọt. Tổng giá trị người dân thu về từ sản phẩm bán bắp ngô tươi và khoai tây là: 2.104.824.500đ.

3. Về ứng dụng khoa học kỹ thuật

– Việc thâm canh chăm sóc cây trồng người dân đã áp dụng kỹ thuật canh tác. Tuy nhiên, mức độ đầu tư chưa đồng đều, bón phân không hợp lý, ít sử dụng phân hữu cơ, bón phân không đúng thời kỳ cây cần…

– Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được thu gom, xử lý đúng quy định vẫn còn xảy ra.

– Việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn QCVN 01-132:2013/BNNPTNT, VietGap chưa được quan tâm.

4. Tình hình tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu

* Về tình hình tiêu thụ sản phẩm

– Trong những năm gần đây một số sản phẩm của tỉnh đã được người tiêu dùng các tỉnh lân cận biết đến như sản phẩm cây dong riềng, bí thơm Ba Bể, cam, quýt Bắc Kạn, gạo bao thai, chè búp khô, các sản phẩm chế biến từ củ nghệ, các loại rau…

– Sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, các tỉnh lân cận và Hà Nội, bước đầu hình thành liên doanh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên quy mô nhỏ, số lượng chưa lớn, chưa phát huy được hết tiềm năng của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

– Xây dựng các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi sản xuất hàng hóa bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất như: Lúa bao thai tại Chợ Đồn, ngô ngọt, lạc, khoai tây, rau… tại các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Ba Bể, Pác Năm, Ngân Sơn, Ba Bể.

* Về xây dựng thương hiệu

– Cùng với việc từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân, vài năm trở lại đây việc xây dựng, quản lý, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh cũng đã được chú trọng.

– Hiện nay trên địa bàn tỉnh tỉnh Bắc Kạn đã có 6 sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, trong đó các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý là Hồng không hạt Bắc Kạn, Quýt Bắc Kạn, Miến dong Bắc Kạn; các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể gồm Miến dong Bắc Kạn, Gạo Bao Thai Chợ Đồn và Gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Chè Shan tuyết Bằng Phúc.

– Các hoạt động xúc tiến, quảng bá tiêu thụ sản phẩm như tham gia các hội chợ… cũng đã góp phần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những thành quả đạt được công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn gặp một số tồn tại, khó khăn sau:

– Diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, phần lớn nông hộ có diện tích đất nhỏ, gây khó khăn cho việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá.

– Thị trường tiêu thụ khó khăn, đầu ra của sản phẩm chuyển đổi vẫn còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chưa khuyến khích người dân đầu tư cho sản xuất. Việc sản xuất theo chuỗi vẫn còn ở diện hẹp, manh mún.

– Do đặc thù về điều kiện tự nhiên của tỉnh, tại một số địa phương việc lựa chọn các loại cây trồng để thực hiện chuyển đổi còn khó khăn.

– Tư duy sản xuất của một bộ phận người dân chậm đổi mới, chưa có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản để nâng cao giá trị, do đó người dân chưa thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

II. Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh

  1. Giải pháp về tuyên truyền

– Tăng cường công tác tuyên truyền vận động và quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân về các chủ trương, định hướng của Chính phủ về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ngô và đất một vụ gắn với liên kết tiêu thụ.

– Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân, xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các địa phương để nhân rộng.

– Tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất để tăng hiệu quả sản xuất cũng như tiếp cận các nguồn lực.

  1. Giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật

– Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp, tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, ưu tiên các giống có năng suất, chất lượng.

– Chuyển giao các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận như rét đậm, rét hại, hạn hán… phục vụ chuyển đổi; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, luân canh, xen canh… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

– Xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường; tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng.

  1. Giải pháp về cơ chế chính sách

– Vận dụng các chính sách hiện có của Trung ương, địa phương để hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ngô và đất canh tác một vụ sang trồng các cây trồng khác gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

– Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ngô và đất canh tác một vụ sang trồng các cây trồng khác gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

– Vận dụng các nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thiết kế nhãn mác, báo bì sản phẩm và đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường.

  1. Giải pháp về thị trường

Tổ chức liên kết trong sản xuất, liên kết giữa nông dân với nông dân thành vùng hàng hoá, liên kết nông dân với doanh nghiệp để cung ứng vật tư, thu mua tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa nông dân với các nhà khoa học để áp dụng các TBKT mới cho hiệu quả kinh tế cao.

  1. Giải pháp về nguồn lực

– Vận dụng linh hoạt các nguồn ngân sách của Trung ương, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác như: Nguồn vốn chương trình 135; chính sách theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019  về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022  ban hành quy định Ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 14/7/2021 về chủ trương đầu tư dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của huyện, thành phố…

– Huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng./.

Quỳnh Thu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000834
Hôm nay : 42
Trong tháng : 2516
Trong năm : 8892
Tổng : 39506
Skip to content