- Kỹ thuật trồng
1.1. Thời vụ trồng
Thời vụ trồng chuối tây là quanh năm nhưng tốt nhất trồng vào tháng 7 hoặc đầu tháng 8 để đảm bảo thu hoạch vào mùa hè (trước mùa mưa bão).
Tuy nhiên để có sản phẩm thu hoạch quanh năm hoặc tập trung vào thời điểm thị trường có nhu cầu lớn nhất để tính toán thời vụ trồng cho thích hợp.
1.2. Chuẩn bị giống
– Sử dụng cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô hoặc tách chồi.
– Lượng giống để trồng cho 01 ha: 2.000 cây.
1.3. Chuẩn bị đất và cách trồng
– Chuẩn bị đất: Đất trồng chuối tốt nhất là đất tơi xốp nhiều mùn, nhất là đất phù sa, bùn ao phơi ải, nơi không bị ngập úng và dễ tiêu nước, vườn chuối trồng phải quang đãng đủ ánh sáng cho cây quang hợp, độ pH thích hợp cho chuối là từ 5 – 7.
– Cách trồng: Đào hố có kích thước rộng từ 40 – 45 cm, sâu từ 30 – 35 cm. Hàng cách hàng từ 2,0 – 2,5 m; cây cách cây trung bình 2 m. Trồng ngập 2/3 thân ngầm, chỉ để 1/3 tàu lá để giảm bớt sự mất nước của cây giống, sau đó dùng rơm rạ ủ quanh phần gốc rồi tưới nước ngay để cây mau thích nghi với đất mới.
1.4. Bón phân
– Lượng phân bón cho 1ha bao gồm: 15.000 kg phân hữu cơ (hoặc phân hữu cơ vi sinh 3.000 – 4.000kg), đạm urê 600 kg; lân supe 1.000 kg; kali clorua 600 kg; vôi bột 1.000 kg (đất chua).
– Cách bón: Bón lót toàn bộ (hoặc phân hữu cơ vi sinh) lượng lân supe, vôi và 20% lượng đạm urê.
Bón thúc: Chia làm 3 lần bón.
Lần1: Sau khi trồng khoảng 1,5 tháng, bón 25% lượng đạm urê và 30% lượng kali clorua.
Lần 2: Khi cây chuối được 4,5 tháng, bón 40% lượng đạm urê và 40% lượng kali clorua.
Lần 3: Khi cây 7 tháng, bón nốt lượng phân còn lại.
Lưu ý: Khi bón phân cần căn cứ vào độ màu mỡ của đất và tình hình sinh trưởng của cây để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp.
1.5. Chăm sóc, làm cỏ
– Tưới nước: Để chuối tây cho năng suất cao thì cần phải tưới nước giữ ẩm thường xuyên. Khi cây trồng được 8 tháng bắt đầu ra hoa cần phải chú ý cung cấp đủ lượng nước cho cây. Mỗi trận mưa to xong cần xới váng để thoát nước cho đất.
– Tỉa mầm, định chồi và vệ sinh vườn: Chuối tây ngoài 6 tháng cho ra nhiều chồi non, cần cắt tỉa bớt chồi để lại 2 – 3 chồi non để khống chế mật độ vườn cây, điều tiết sự sinh trưởng của cây mẹ và cây con. Cắt tỉa thường xuyên những lá già, lá sâu bệnh, làm sạch cỏ. Khi cây ra hoa nên tỉa bỏ hoa đực và sử dụng túi bao buồng chuối lại để ngăn chặn côn trùng trích làm hỏng quả và tránh ánh nắng gay gắt làm nám quả.
1.6. Phòng trừ sâu, bệnh hại
Một số loại sâu bệnh điển hình như: Sùng đục củ, sâu cuốn lá, tuyến trùng; bệnh đốm lá, bệnh héo rủ Parama, bệnh chùn đọt,…
– Phòng trừ sâu, bệnh hại cây chuối bằng biện pháp tổng hợp sau:
+ Biện pháp canh tác: Làm cỏ, bón phân cân đối, hợp lý.
+ Biện pháp sinh học: Sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học để đảm bảo duy trì thiên địch có ích, cân bằng sinh thái.
+ Biện pháp hoá học: Phun thuốc theo dự tính, dự báo khi có sâu non hoặc khi cây mới bị bệnh. Dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn trên nhãn.
2. Thu hoạch
Từ trồng đến chuối trổ khoảng 6 – 10 tháng và từ trổ đến thu hoạch khoảng 60 – 90 ngày tùy theo giống. Thường độ chín của quả được xác định qua màu sắc vỏ, độ no đầy và góc cạnh của quả./.
Đào Thị Ngọc