Cá Diêu hồng hay còn gọi là cá Rô phi đỏ (Red Tilapia) là thế hệ con lai F1 từ loài O.mosambicus (Rô phi đen) với loài O. niloticus (Rô phi vằn) nên có đặc điểm sinh học tương đối giống cá rô phi.
Cá Diêu hồng là một loài cá nước ngọt, được hình thành qua quá trình chọn lọc nhân tạo nên môi trường sống chủ yếu là nuôi nhốt. Cá ăn tạp thiên về mùn bã hữu cơ, điều kiện môi trường thích hợp cho cá sinh trưởng và phát triển là: Nhiệt độ 22-300C, pH 6-8, ôxy hoà tan > 1,5mg, cá thịt có thể nuôi trong ao hoặc lồng bè.
1. Chọn vị trí đặt lồng nuôi
Vị trí đặt lồng bè không bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, mực nước không bị thay đổi đột ngột, không có dòng xoáy, nơi đặt lồng dòng nước không chảy quẩn… Vùng nuôi trong hồ có mặt thoáng lớn, nước trong hồ luôn dao động.
– Lưu tốc nước lúc cao nhất không quá 1m/s;
– Đáy lồng bè phải cách đáy sông, hồ ít nhất 0,5 m vào lúc mức nước thấp nhất để cá nuôi không bị ảnh hưởng bởi các chất lắng đọng.
2. Vật liệu làm lồng
Vật liệu làm khung lồng: Sử dụng các loại cây gỗ tại chỗ, dễ tìm, rẻ tiền: Tre, hóp hoặc vật liệu có độ bền và giá thành cao hơn như: Sắt mạ kẽm, kẽm… Ø 27 – 34 mm; vách lồng: Có thể sử dụng: Mành tre, tre (hóp) cây, lưới nilon, lưới kim loại, lưới chất dẻo (PE, PA…); vật liệu nổi: Phao nhựa như thùng phuy; neo: Dùng cột đóng cố định, đá hoặc bê tông, neo sắt cố định cụm lồng bè để không bị nước lũ cuốn trôi và giông bão phá hủy.
3. Kết cấu lồng
Trong hồ chứa và trên sông thường dùng lồng nổi, lồng được neo vào đáy hoặc neo vào bờ. Lồng lên xuống theo mực nước biến động nhờ phao nâng.
Kích thước: Hình dáng lồng có thể hình vuông hoặc chữ nhật, hình tròn, lục lăng…
Phao: Số lượng phao tuỳ theo độ lớn lồng, vật liệu và vị trí đặt lồng.
4. Chọn giống và kỹ thuật thả
– Tiêu chuẩn giống: Cá giống có nguồn gốc rõ ràng, có kích thước đồng đều, cá khỏe mạnh, phản xạ nhanh, màu sắc bóng bẩy, không có dấu hiệu bệnh tật, không bị xây xát, dị hình.
– Chu kỳ nuôi: 6 tháng.
– Kích cỡ cá giống từ 8- 10cm/con.
– Mật độ: cá Diêu hồng nuôi lồng với mật độ 100 con/m3.
– Mùa vụ nuôi thường bắt đầu vào khi có cá giống: Mùa sản xuất cá giống từ tháng 2 đến tháng 3 có thể cung cấp cá giống cho nuôi lồng hoặc khi có cá giống ngoài môi trường tự nhiên (cuối Xuân).
– Thả cá: Vận chuyển cá trong túi có bơm ôxy. Trước khi thả cần phải tắm cho cá giống bằng nước muối (NaCl) 2-3% (200g muối ăn hoà 10 lít nước) phòng bệnh trong vòng 5-10 phút, để khử trùng các tác nhân gây bệnh ngoại ký sinh trước khi thả cá, chọn thời điểm thả vào lúc thời tiết lúc trời mát, thả vào sáng sớm hoặc chiều mát, không nên thả lúc nắng nóng hoặc mưa to.
5. Kỹ thuật chăm sóc và quản lý
5.1. Cho ăn: Sử dụng thức ăn cám viên, cám nấu cho cá, có hàm lượng đạm trong thức ăn 25-45%.
– Khẩu phần ăn: Cá càng lớn hàm lượng đạm trong thức ăn càng giảm trong giới hạn độ đạm. Thức ăn nên cho xuống từ từ hoặc chia làm nhiều điểm trên mặt lồng để tất cả đàn cá được ăn khẩu phần như nhau.
– Thời gian cho ăn: Giai đoạn nhỏ cho ăn 3-4 lần/ngày, cá lớn 2 lần/ngày.
– Định lượng thức ăn hàng ngày: Khi cá nhỏ (giai đoạn giống) khẩu phần thức ăn chiếm khoảng 5–7% trọng lượng thân. Khi cá lớn khẩu phần thức ăn chiếm khoảng 3 – 5% trọng lượng thân.
– Hàng ngày, quan sát hoạt động bắt mồi của cá, theo dõi lượng thức ăn tiêu thụ để điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của cá.
5.2. Quản lý
– Theo dõi hoạt động của cá hàng ngày, khi cá nổi đầu do thiếu oxy chuyển lồng nuôi đến vị trí khác có chất lượng nước tốt hơn hoặc sử dụng máy quạt nước tạo dòng chảy và cung cấp oxy.
– Đầu dòng chảy định kỳ 1 tháng/lần treo túi vôi có đục lỗ để sát khuẩn cho lồng cá.
– Cá bỏ ăn có thể do bệnh hoặc do môi trường thay đổi, giảm hoặc ngừng cho ăn và phòng trị bệnh cho cá.
– Kiểm tra lồng và vệ sinh sạch các sinh vật bám, nếu là lồng lưới thì nên định kỳ thay lưới để hạn chế được mầm bệnh bám trên các lưới lồng.
5.3. Phòng trị bệnh
– Định kỳ bổ sung vào thức ăn các loại khoáng và vi chất đảm bảo đủ chất và nâng cao sức đề kháng cho cá: Vitamin C, củ tỏi…
– Cá nuôi lồng bè thường hay mắc một số bệnh: Bệnh đốm đỏ, bệnh do ký sinh trùng: Trùng mỏ neo, trùng quả dưa, trùng bánh xe, rận cá… nên cần có các biện pháp phòng và trị bệnh cho cá và phải tiến hành đồng bộ với việc vệ sinh lồng lưới, đáy lồng lưới và cải thiện môi trường thường xuyên và nâng cao sức đề kháng của vật nuôi thì mới mang lại hiệu quả cao.
6. Thu hoạch
– Cuối chu kỳ nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm có thể thu hoạch. Có thể thu hoạch khi môi trường biến động, mực nước hồ xuống thấp, chất lượng nước giảm, hoặc thu khi giá bán cao.
– Trước khi thu ngừng cho ăn 1-2 ngày.
– Lồng nhỏ dùng vợt bắt cá.
– Lồng lớn dùng lưới kéo.
– Thu tỉa hoặc thu toàn bộ tuỳ theo sản lượng và nhu cầu tiêu thụ.
Nguyễn Liễu