Dong riềng là cây trồng bản địa, được người dân tỉnh Bắc Kạn trồng từ lâu để chế biến ra sản phẩm miến dong. Diện tích trồng Dong riềng của tỉnh tập trung chủ yếu tại các huyện Na Rì, Ba Bể, một số ít diện tích tại các huyện Bạch Thông, Chợ Mới. Cây dong riềng được đánh giá có năng suất cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, là cây trồng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả cho người dân.
Năm 2021 diện tích trồng cây Dong riềng của tỉnh là 465 ha (diện tích thâm canh gắn với liên kết sản phẩm là 279,33 ha; diện tích thâm canh lên luống là 215 ha); năng suất đạt 741,1 tạ/ha; sản lượng34.461,06 tấn. Tại huyện Na Rì, diện tích cây Dong riềng là 259 ha, được trồng chủ yếu tại các xã Côn Minh, Văn Lang, Trần Phú, Cư Lễ, Kim Lư. Tại huyện Ba Bể, diện tích trồng Dong riềng đạt 131 ha, chủ yếu được trồng tại xã Yến Dương, Chu Hương, Hà Hiệu, Phúc Lộc.

Tại tỉnh Bắc Kạn, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất Dong riềng làm giảm năng suất, chất lượng của cây Dong riềng, biểu hiện như thời tiết mưa nắng xen kẽ, lượng mưa tập trung trong một khoảng thời gian dài, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, ẩm độ không khí và ẩm độ trong đất quá cao…
Cây Dong riềng có thời gian sinh trưởng từ 11- 12 tháng, do vậy biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến toàn bộ quá trình sinh trưởng và phát triển của cây Dong riềng. Cây Dong riềng chịu hạn tốt hơn ngô, khoai lang và sắn, nhưng Dong riềng không thể trồng trên đất trũng, bị úng nước. Mưa nhiều, kéo dài gây ngập úng, thối củ Dong riềng, thời tiết mưa nắng thất thường gây phát sinh sâu bệnh hại như: Sâu khoang, bệnh cháy lá, bệnh thối cây. Vì vậy, để hỗ trợ người dân về các giải pháp kỹ thuật thích ứng làm giảm thiểu giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra và góp phần nâng cao năng suất chất lượng Dong riềng, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành tài liệu “Hướng dẫn các giải pháp canh tác cây Dong riềng thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bắc Kạn”./.