Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối, liên kết, đầu tư phát triển sản xuất trong việc thu mua, chế biến sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu tại tỉnh Bắc Kạn; giúp người dân tiếp cận được với những thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp làm cơ sở mở rộng phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu theo hướng hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm năng suất chất lượng góp phần nâng cao thu nhập.
Ngày 27-28 tháng 8 năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp về “ Giải pháp phát triển sản xuất và liên kết tiêu thụ lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu các tỉnh miền núi phía Bắc” tại thành phố Bắc Kạn.
Tham dự Diễn đàn có đồng chí Nguyễn Duy Diệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Kạn; Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành; UBND các huyện, thành phố cùng sự tham dự của 100 đại biểu là các Hợp tác xã, nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Lâm sản ngoài gỗ có vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân ở nông thôn đặc biệt là đồng bào dân tộc sống gần rừng, là một trong những nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình đặc biệt là trong việc cải thiện sinh kế. Việc sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu góp phần bảo vệ môi trường sinh thái rừng đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân. Đối với một tỉnh miền núi như Bắc Kạn, diện tích đất rừng chiếm tỷ lệ lớn, để bảo vệ rừng bền vững thì việc phát triển lâm sản ngoài gỗ cần là vấn đề cần được quan tâm và có giải pháp đồng bộ.
Là một tỉnh vùng cao với địa hình phức tạp, đa dạng, diện tích rừng che phủ chiếm khoảng 73,38% tổng diện tích tự nhiên, Bắc Kạn có nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú với hơn 1.000 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: Bình vôi, Hà thủ ô, Khôi nhung tía, Ba kích, Cát sâm,… có 52 loài đã đưa vào sách đỏ Việt Nam. Nguồn tài nguyên này, nếu được bảo vệ, khai thác và phát triển hợp lý, có thể mang lại nguồn lợi đáng kể cho công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu ở Bắc Kạn vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng do: Người dân địa phương chủ yếu là khai thác và sử dụng lâm sản ngoài gỗ từ rừng tự nhiên, ít chú ý tái tạo, bảo tồn; Các mô hình gây trồng lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu còn rất ít, quy mô còn nhỏ, chủ yếu mang tính tự phát, tự cung tự cấp, chưa phát triển thành hàng hóa, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương; Lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu sau khi khai thác, thu hái chủ yếu tiêu thụ dạng nguyên liệu thô tại chỗ, liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu vẫn nhỏ lẻ, thiếu bền vững nên giá bán thấp.
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế phát triển lâm sản ngoài gỗ đặc biệt là cây dược liệu tại của địa phương, nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phát cây dược liệu, trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện các chương trình, đề tài, dự án phát triển dược liệu, đồng thời ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có dược liệu. Tuy nhiên, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu ở Bắc Kạn vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy đòi hỏi các cấp chính quyền và người dân chung tay bảo tồn và phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, gắn sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị của sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu.
Tại Diễn đàn đã tập trung trao đổi, làm rõ thực trạng, khó khăn, thuận lợi trong phát triển sản xuất và xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm nông nghiệp lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu của tỉnh Bắc Kạn nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung; Giải đáp được những thắc mắc của người sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp trong vấn đề kết nối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Đưa ra các giải pháp chiến lược nhằm phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu; Khuyến cáo những sản phẩm nông nghiệp lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có nhu cầu thị trường lớn để nông dân phát triển sản xuất.
Kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Kạn phát biểu: Để phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu ngoài các chính sách của Trung ương, của tỉnh Bắc Kạn và sự vào cuộc của các cấp chính quyền cần có sự nỗ lực, quyết tâm của các hợp tác xã, người nông dân trên địa bàn tỉnh; đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất đăng ký thực hiện các Chương trình, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia để tận dụng nguồn lực phát triển phát triển sản xuất tại địa phương.
Trước đó, các đại biểu được tham quan học tập tại Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu cát sâm tại hộ ông Chu Quang Phúc, xã Đồng Phúc, huyện Chợ Đồn./.
Quỳnh Thu