Chỉ đạo sản xuất vụ Xuân năm 2025

Để chủ động trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị sản xuất, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất, ngày 25 tháng 12 năm 2024 Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn ban hành văn bản số 3177/SNN-TT, BVTV&QLCL đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:

  1. Với rau màu vụ Đông 2024

– Chỉ đạo chăm sóc, bảo vệ tốt những diện tích cây vụ Đông còn lại nhằm tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế và thu nhập của nông dân; không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm.

– Thu hoạch kịp thời những diện tích cây vụ Đông đã đến kỳ thu hoạch để giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng thời chỉ đạo nông dân tiếp tục thâm canh tăng vụ, rải vụ bằng cách trồng các loại rau ưa lạnh, ngắn ngày, nhằm đảm bảo kế hoạch diện tích, đồng thời cung cấp đủ rau xanh trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tránh dồn ứ nguồn cung do tận thu diện tích rau trước gieo cấy lúa vụ Xuân.

Thu hoạch khoai tây vụ đông.

– Có kế hoạch chuẩn bị giống, quỹ đất cho việc gieo trồng các loại cây rau màu vụ Xuân, nhất là trên các vùng chuyên màu và vùng chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu vụ Xuân.

– Đẩy mạnh phát triển và liên kết sản xuất – tiêu thụ rau an toàn; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

– Khoanh vùng bảo vệ diện tích chuyên màu, diện tích chuyển đổi tránh bị ngập nước do đổ ải.

  1. Về thời vụ và cơ cấu giống gieo trồng vụ Xuân năm 2025

– Cây lúa: Thời gian gieo mạ xung quanh tiết lập xuân (mùng 4 tháng 2 năm 2025 dương lịch), lưu ý cần áp dụng biện pháp làm mạ có che phủ nilon để chống rét; phấn đấu cấy tập trung trong tháng 2, đầu tháng 3, kết thúc gieo cấy trước ngày 15/3/2025.

Bố trí các nhóm giống lúa có cùng thời gian sinh trưởng theo từng vùng sản xuất để thuận lợi cho chăm sóc, quản lý sâu bệnh và thu hoạch, cụ thể như sau:

Nhóm giống có thời gian sinh trưởng từ 115 – 120 ngày, gồm có Khang dân 18, Hà Phát 3, TBR97.

Nhóm giống có thời gian sinh trưởng từ 125 – 130 ngày, gồm có giống Nhị ưu 838, Ly 2099, Syn 98, Đại dương 1, Việt lai 20, tẻ nương Hà Giang.

Nhóm giống có thời gian sinh trưởng từ 132 – 135 ngày như giống lúa Sán ưu 63, Japonica J02.

Lưu ý: Đối với các giống lúa có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn cao như J02, Ly 2099, TBR97, … cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ hợp lý ngay từ giai đoạn mạ, hạn chế bệnh phát sinh, phát triển, ảnh hưởng đến sản xuất. Các địa phương có điều kiện thời tiết đặc thù, thường xuyên xuất hiện bệnh đạo ôn gây hại, cần khuyến cáo sử dụng các giống có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt chống chịu với bệnh đạo ôn.

Đối với những diện tích sản xuất lúa hữu cơ, cần lưu ý thực hiện các quy định về chuyển đổi sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ và ưu tiên lựa chọn các giống lúa thuần, giống địa phương phù hợp với điều kiện đất đai, điều kiện thời tiết của địa phương, có khả năng chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh hại chính, không sử dụng các giống biến đổi gen, các giống đã qua xử lý bằng hóa chất.

– Cây ngô: Đối với đất ruộng, soi bãi bắt đầu trồng từ giữa tháng 2, trồng xong trước 15/3; đất đồi bắt đầu trồng từ đầu tháng 3, xong trước 30/4. Sử dụng các giống ngô lai có tiềm năng năng suất như: NK4300, CP511, Biosed 9698, HN68, HN88; giống ngô biến đổi gen NK4300 Bt/GT có khả năng kháng sâu đục thân và sâu keo mùa thu cao; giống ngô NK7328 để sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.

Lưu ý: Không sử dụng các giống ngô biến đổi gen cho sản xuất hữu cơ.

– Cây dong riềng: Tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích trồng hàng năm tại các huyện Na Rì, Ba Bể, Bạch Thông. Tăng cường thâm canh, tăng năng suất kết hợp với áp dụng các biện pháp cải tạo đất, canh tác bền vững trên đất dốc để đảm bảo nâng cao sản lượng củ thu hoạch.

Mở rộng diện tích trồng sang một số xã như Xuân La, Nghiên Loan, Cao Tân của huyện Pác Nặm; xã Trung Hòa của huyện Ngân Sơn và các khu vực thuận tiện đường giao thông để vận chuyển củ tươi về chế biến tại các cơ sở chế biến của huyện Na Rì, Ba Bể; phấn đấu đại và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2025 là 470 ha.

Chuyển đổi một số diện tích từ trồng cây dong riềng DR1 sang giống địa phương áp dụng quy trình hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn nông dân lựa chọn những diện tích phù hợp, chuẩn bị giống, phân bón để trồng năm 2025. Thời gian trồng từ tháng 01 đến hết tháng 3; tổ chức trồng rải vụ để đảm bảo sản lượng củ dong riềng khi thu hoạch phù hợp với khả năng tiêu thụ, chế biến; chọn giống tại những diện tích không nhiễm bệnh; chọn củ nhánh có chồi mầm tròn chưa mọc thành cây, không trồng củ quá non hoặc quá già.

– Cây chè: Trồng mới 20 ha. Tập trung trồng trong tháng 2, 3 và tháng 8, 9 khi đất đủ ẩm; lưu ý biện pháp tưới, tủ gốc giữ ẩm khi trồng và kỹ thuật thiết kế, kiến thiết cơ bản để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch. Thường xuyên kiểm tra, trồng dặm, tủ gốc giữ ẩm cho cây.

Tăng cường sản xuất chè đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; được cấp chứng chỉ VietGAP; sản xuất bền vững,.., tăng hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Phấn đấu 100% sản phẩm chè có nhãn mác bao bì sản phẩm và có thể truy suất được nguồn gốc.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ trong chế biến chè; cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, chế biến, bảo quản chè truyền thống, chế biến công nghiệp và chế biến ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm chè.

– Cây ăn quả các loại: Tập trung chăm sóc, cải tạo thâm canh diện tích hiện có để tăng năng suất, chất lượng. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất được cấp chứng nhận nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân.

Phấn đấu hoàn thành diện tích trồng mới theo kế hoạch:

+ Đối với cây Hồng không hạt: Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng mới năm 2025 đạt 85 ha. Tiếp tục theo dõi, lựa chọn các cây có năng suất, chất lượng tốt để công nhận làm cây đầu dòng phục vụ nhân giống. Làm tốt công tác sản xuất và quản lý cây giống để phục vụ nhu cầu mở rộng diện tích của người dân. Tiến hành rà soát, mở rộng diện tích cây Hồng LT-1 tại huyện Na Rì, Pác Nặm và một số địa phương nhằm đa dạng hoá sản phẩm hồng trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho người dân.

+ Đối với cây cam: Trồng mới 97 ha, tập trung tại huyện Bạch Thông, Chợ Đồn. Khẩn trương thu hoạch ngay khi quả chín; tập trung cắt tỉa, bón phân sớm cho cây để cây có thời gian hồi phục và bật lộc mới.

+ Đối với cây mơ: Trồng mới 42 ha. Khẩn trương cắt tỉa các cành yếu, cành sâu bệnh; tăng cường bón phân sớm để cung cấp dinh dưỡng cho cây bật lộc, nuôi hoa, quả.

– Đẩy mạnh phát triển diện tích gieo trồng các cây trồng lợi thế của từng địa phương, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đạt tổng diện tích 10.249 ha, sản lượng 77.676 tấn; trong đó, thúc đẩy phát triển các loại cây dược liệu theo hướng liên kết sản xuất bao tiêu. Cụ thể:

+ Cây thuốc lá: Gieo ươm cây con trong tháng 12, trồng trong tháng 01/2025.

+ Cây khoai môn: Tập trung trồng trong tháng 02 đến đầu tháng 3 năm 2025.

+ Cây khoai lang: Sử dụng giống khoai lang ăn củ chất lượng cao như Hoàng Long (thời gian sinh trưởng từ 85- 95 ngày), các giống khoai lang ăn lá, làm thức ăn chăn nuôi. Thời gian trồng từ cuối tháng 2 đến hết tháng 3 năm 2025.

+ Đối với đậu tương, lạc: Thời gian trồng từ giữa tháng 2, kết thúc gieo trồng trong tháng 3 năm 2025. Sử dụng các giống đậu tương ngắn ngày, có tiềm năng năng suất cao, gồm các giống DT84, DT90, DT96, VX9-3; các giống lạc như: Lạc đỏ, L14, L27, L29.

+ Cây mía: Tập trung trồng từ tháng 1 đến hết tháng 2 năm 2025, lưu ý các biện pháp tưới nước giai đoạn đầu để cây bật mầm, đẻ nhánh khỏe.

+ Cây gừng, nghệ: Tập trung trồng trong tháng 2, đầu tháng 3, lưu ý các biện pháp chọn và xử lý củ giống trước khi trồng để hạn chế bệnh hại phát sinh, phát triển.

+ Rau đậu các loại: Tùy từng loại rau, đậu để lựa chọn khung thời vụ phù hợp với mục đích quay vòng đất nhanh, đảm bảo an toàn thực phẩm, đất đai, nhu cầu thị trường, tập quán và kinh nghiệm canh tác.

  1. Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác

– Đối với cây lúa: Tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI); sản xuất lúa hữu cơ; chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM, IPHM).

Lưu ý về biện pháp làm đất: Chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện phát dọn vệ sinh đồng ruộng, đối với đất trồng lúa cần phải cày ải hoặc ngâm dầm những diện tích không trồng cây vụ Đông, nhằm hạn chế các độc tố gây hại cây trồng và giúp tiêu diệt mầm mống dịch hại trong đất, tập trung cày xong trong tháng 12/2024, đầu tháng 01/2025.

– Đối với cây ngô: Áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh để phát huy tối đa tiềm năng, năng suất của giống; diện tích ngô trồng trên đất đồi áp dụng phương pháp canh tác bền vững trên đất dốc như trồng theo băng kết hợp trồng cây phân xanh giảm thiểu sự xói mòn, rửa trôi.

– Cây chất bột (dong riềng, khoai môn, khoai tây, khoai lang): Áp dụng phương pháp canh tác bền vững và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM, IPHM). Riêng cây dong riềng áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật theo hướng dẫn tại văn bản số: 2073/SNN-TT,BVTV&QLCL ngày 20/9/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật để phát triển cây dong riềng đảm bảo theo mục tiêu giao tại Kế hoạch số 775/KH-UBND ngày 25/12/2020 của UBND tỉnh.

– Cây rau, đậu các loại: Áp dụng sản xuất theo hướng thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm; khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, sản xuất đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, hữu cơ.

– Cây công nghiệp: Tăng cường liên kết sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn, sản xuất được chứng nhận như VietGAP, hữu cơ, …

– Cây ăn quả: Tăng cường chăm sóc, bón phân, cắt tỉa và quản lý sâu bệnh hại, bón đủ phân theo quy trình tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển thuận lợi, nhằm đạt năng suất, chất lượng tốt.

– Đối với sử dụng phân bón và thuốc BVTV:

+ Về phân bón: Khuyến khích sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh; sử dụng phân bón vô cơ hợp lý, hiệu quả, đảm bảo an toàn thực phẩm và môi trường. Tăng cường khuyến cáo người dân thu gom, xử lý rơm rạ, phế thải nông nghiệp để ủ thành phân bón cho cây trồng.

+ Về Thuốc BVTV: Phun thuốc theo “kỹ thuật 4 đúng” và ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học.

Lưu ý: Trên cơ sở các cơ chế chính sách của nhà nước đã ban hành, khuyến khích người dân sản xuất gắn với các tổ chức liên kết sản xuất – tiêu thụ, áp dụng theo quy trình sản xuất ATTP, VietGAP, hữu cơ nhằm tăng giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường./.

BBT

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nuôi cá Diêu hồng đạt chứng nhận VietGAP tại Bắc Kạn

Nuôi cá Diêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP là điều còn khá mới mẻ với người nuôi cá tại tỉnh Bắc Kạn, là tỉnh...

Chỉ đạo sản xuất vụ Xuân năm 2025

Để chủ động trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị sản xuất, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất, ngày 25 tháng...

Tập huấn nâng cao năng lực, kiện toàn tổ chức khuyến nông cơ sở

Để giúp các Tổ Khuyến nông cộng đồng các xã trên địa bàn tỉnh hoạt động và sử dụng có hiệu quả các nguồn...

Kết quả bước đầu triển khai mô hình nuôi cá Nheo mỹ trên hồ...

Mô hình nuôi cá Nheo mỹ trong lồng trên sông/hồ đạt chứng nhận VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại hồ...

Tập huấn hướng dẫn khôi phục sản xuất sau bão lũ tại xã Đồng...

Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngày 25/11/2024 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND...

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

001078
Hôm nay : 59
Trong tháng : 153
Trong năm : 153
Tổng : 61635
Skip to content