Mô hình nuôi cá Nheo mỹ trong lồng trên sông/hồ đạt chứng nhận VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại hồ chứa Nặm Cắt, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn được Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và Phát triển thuỷ sản – Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai thực hiện năm 2024 từ nguồn kinh phí của Khuyến nông Trung ương nhằm khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi cá Nheo mỹ trong lồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau khi khảo sát Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và Phát triển thuỷ sản đã lựa chọn hộ nuôi cá lồng tại hồ chứa Nặm Cắt, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn tham gia mô hình là các hộ có kinh nghiệm nuôi cá lồng, có nhân lực, lồng bè và cam kết đối ứng theo yêu cầu của mô hình. Với quy mô 300m3 lồng với 3.000 con cá, trong đó nhà nước hỗ trợ 70%, người dân đối ứng 30%. Người dân được hỗ trợ thức ăn công nghiệp, các loại men vi sinh, Vitamin C, men tiêu hoá. Trước khi cấp giống các hộ đã được tập huấn kỹ thuật.
Để phối hợp thực hiện mô hình đạt hiệu quả cao Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và Phát triển thuỷ sản đã ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn cử cán bộ kỹ thuật có chuyên môn về nuôi trồng thuỷ sản trực tiếp giám sát, chỉ đạo mô hình. Qua quá trình thực hiện mô hình ông Nguyễn Nam Hoàn – hộ thực hiện mô hình cho biết, sau khi tiếp nhận cá giống Nheo mỹ, được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, ông đã chủ động áp dụng quy trình nuôi, ghi chép đầy đủ sổ sách nhật ký chăm sóc, nuôi dưỡng đàn cá. Ngoài ra bản thân ông đã được Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và Phát triển thuỷ sản cho tham gia lớp tập huấn nhân rộng mô hình và tham quan mô hình tại tỉnh Thái Nguyên để tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của tỉnh bạn. Cá Nheo mỹ thả ngày 6/6/2024 đến nay được 6 tháng nuôi, nhận thấy cá Nheo mỹ thích ứng nhanh và phù hợp để phát triển, cá ít bệnh tật và gần như không có bệnh xảy ra trên đàn cá. Hiện nay, đàn cá phát triển tốt, trọng lượng trung bình của cá từ 1,1-1,3kg/con, dự kiến sau 12 tháng cá có thể xuất bán trọng lượng đạt từ 1,6kg/con trở lên.
Việc xây dựng mô hình nuôi cá Nheo mỹ trong lồng trên sông/hồ đạt chứng nhận VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại hồ chứa Nặm Cắt giúp mở ra nhiều cơ hội phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho hộ nuôi cá. Thông qua mô hình là điểm trình diễn cho các hộ nuôi cá lồng tại các địa phương và quanh vùng đến tham quan, học tập kinh nghiệm./.
Nguyễn Liễu