Dự báo sinh vật gây hại trên một số cây trồng chính vụ mùa năm 2024

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Kạn, thời tiết vụ mùa năm 2024 có hiện tượng nắng nóng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất; đặc biệt tháng 7/2024 mức độ nắng nóng có thể gia tăng gay gắt hơn. Ngoài ra, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất ở các khu vực chịu tác động.

Thời tiết trong vụ diễn biến phức tạp, thuận lợi cho sinh vật phát triển và gây thiệt hại đến năng suất và cây trồng nếu không được phòng trừ kịp thời. Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn dự báo cao điểm một số đối tượng sinh vật hại trên cây trồng chính có thể gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng như sau:

  1. Cây lúa: Các đối tượng sâu, bệnh hại chính gồm: Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn…

1.1. Rầy nâu, rầy lưng trắng (gọi chung là bọ rầy)

Thời gian phát sinh, gây hại và mức độ gây hại có khả năng cao hơn vụ mùa 2023, các lứa rầy chính thường xuất hiện trong khoảng thời gian sau:

– Lứa 5: Rầy cám nở rộ tập trung từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8. Hại nhẹ lúa giai đoạn đẻ nhánh – đẻ nhánh rộ.

– Lứa 6: Rầy cám nở rộ và gây hại tập trung vào cuối tháng 8. Hại diện rộng trên các trà lúa. Mật độ phổ biến 1.000-1.500 con/m2, cao 5.000-6.000 con/m2, cá biệt >10.000 con/m2. Đây là lứa chính trong vụ, do đó cần chủ động theo dõi và phòng trừ để hạn chế thấp nhất tình trạng “cháy rầy” cục bộ. Nếu không phòng trừ tốt có thể gây cháy rầy cục bộ vào đầu tháng 9.

– Lứa 7: Rầy cám nở rộ tập trung từ giữa đến cuối tháng 9. Mật độ phổ biến thấp, cá biệt  5.000 con/m2, gây hại cục bộ những diện tích lúa cấy muộn.

1.2. Sâu cuốn lá nhỏ: Thời gian phát sinh, gây hại và mức độ gây hại có khả năng cao hơn vụ mùa 2023. Chú ý phòng trừ các lứa:

– Lứa 5: Trưởng thành vũ hóa rộ từ giữa đến cuối tháng 7. Sâu non hại nhẹ, hại lúa giai đoạn đẻ nhánh – đẻ nhánh rộ. Mật độ phổ biến 10 – 15 con/m2, cục bộ 40 – 50 con/m2.

– Lứa 6: Trưởng thành vũ hóa rộ vào cuối tháng 8. Sâu non hại mạnh tập trung vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9. Mật độ phổ biến 15 – 25 con/m2, cao 40-50 con/m2, cá bộ >70 con/m2.

– Lứa 7: Trưởng thành vũ hóa rộ tập trung vào cuối tháng 9. Sâu non nở và gây hại cuối tháng 9, đầu tháng 10. Chú ý theo dõi để phòng trừ, hạn chế sâu gây hại lá đòng lúa.

1.3. Sâu đục thân: Chú ý phòng trừ các lứa sâu gây hại chính phát sinh trong những khoảng thời gian sau:

– Lứa 4: Trưởng thành vũ hóa từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, sâu non gây ung đòng, bông bạc trên trà sớm giai đoạn ôm đòng – trỗ bông; gây dảnh héo trên trà chính vụ giai đoạn cuối đẻ nhánh. Hại cục bộ, tỷ lệ hại phổ biến thấp, cá biệt 15% bông bạc, 30-40% dảnh héo.

– Lứa 5: Trưởng thành vũ hóa từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, sâu non gây ung đòng, bông bạc trên trà lúa chính vụ giai đoạn ôm đòng – trỗ bông, tỷ lệ bông bạc phổ biến 0,5-1%, cao 6-7%, cá biệt >30%.

– Lứa 6: Gây hại nhẹ rải rác trên diện tích lúa mùa cấy muộn.

Lưu ý: Chủ động theo dõi những diện tích các vụ trước thường bị sâu đục thân gây hại (các xã Cao Sơn, Vũ Muộn, Sỹ Bình, huyện Bạch Thông; xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn; xã Bình Văn, huyện Chợ Mới…) để chủ động phòng trừ.

Diện tích nhiễm và mức độ gây hại có khả năng cao hơn vụ mùa năm 2023.

1.4. Bệnh lùn sọc đen

Có khả năng phát sinh từ đầu vụ, hại mạnh giai đoạn lúa đẻ nhánh đến trỗ, trên các giống nhiễm rầy lưng trắng. Rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen do đó cần chú ý điều tra, phát hiện và thu thập mẫu rầy lưng trắng, gửi đi giám định virut lùn sọc đen, tăng cường điều tra, phát hiện bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn tại quy trình kỹ thuật quản lý bệnh lùn sọc đen hại lúa ban hành tại văn bản số 1317/BVTV-TV ngày 24/5/2018 của Cục Bảo vệ thực vật.

1.5. Bệnh đạo ôn

– Bệnh đạo ôn lá: Phát sinh ngay từ đầu vụ, phát triển mạnh và gây hại trên diện rộng trong tháng 8 đến đầu tháng 9, hại nặng trên những giống nhiễm BC15, C70, các giống lúa nếp… diện tích bón thúc thừa phân đạm và những ruộng trong khe thiếu ánh sáng, tỷ lệ bệnh phổ biến 3-4%, cao 10-15%, cá biệt >30%, gây lụi từng chòm, từng thửa.

– Bệnh đạo ôn cổ bông: Phát sinh, gây hại trong tháng 9 trên những diện tích đã nhiễm đạo ôn lá, những diện tích cấy giống nhiễm. Tỷ lệ bông bị hại phổ biến 2-3%, cao 10%, cá biệt >30%.

Diện tích nhiễm và mức độ gây hại tương đương vụ mùa năm 2023.

1.6. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn

Bệnh phát sinh ngay từ đầu vụ, phát triển mạnh từ tháng 8 đến tháng 9, khi có nhiều đợt mưa giông. Bệnh hại chủ yếu trên các giống lúa lai, các giống lúa có bản lá to, màu xanh đậm. Những ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm bệnh có nguy cơ hại nặng. Diện tích nhiễm, mức độ hại cao hơn vụ mùa năm 2023.

1.7. Bệnh khô vằn: Bệnh phát sinh, gây hại trên các trà lúa, cao điểm gây hại vào khoảng giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, hại nặng trên những diện tích cấy dầy, nhiều dảnh, bón phân không cân đối, tỷ lệ bệnh phổ biến 3%, cao 15%, cá biệt >30%. Diện tích nhiễm và mức độ gây hại tương đương vụ mùa năm 2023.

* Các loại sâu, bệnh khác:

– Ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ, sâu năn hại đầu vụ.

– Nhện gié gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn.

– Bệnh đen lép hạt, bọ xít hại lúa giai đoạn trỗ đến chắc xanh.

– Chuột gây hại khi cây lúa bắt đầu làm đòng – chín, gây hại tập trung tại những ruộng cạn nước, trong khe, ven làng.

  1. Cây ngô: Dự báo thành phần sâu bệnh và mức độ gây hại tương đương vụ mùa năm 2023. Chú ý phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại chính sau:

2.1. Sâu keo mùa thu: Sâu keo mùa thu phát sinh gây hại từ đầu tháng 8, gây hại mạnh cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, mật độ hại phổ biến 2 – 3 con/m2, cao 5 – 6 con/m2, cá biệt >10 con/m2. Chú ý những diện tích bị hại từ vụ trước, phòng trừ sớm giai đoạn ngô 3 – 5 lá.

Thăm đồng thường xuyên để phòng, trừ kịp thời sâu keo mùa thu gây hại ngô.

2.2. Sâu gai: Xuất hiện từ đầu tháng 8, gây hại mạnh cuối tháng 8 đến đầu tháng 9. Mật độ cá biệt >200 con/m2. Chú ý theo dõi những những diện tích đã bị hại từ các vụ trước tại các huyện Na Rì, Chợ Mới, Ba Bể, Ngân Sơn.

2.3. Bệnh khô vằn, bệnh thối thân: Bệnh thường phát sinh giai đoạn ngô 6-7 lá, phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết có mưa, ẩm độ cao, trên những ruộng ngô trồng dày, bón phân không cân đối, ruộng thoát nước kém. Bệnh khô vằn làm khô chết cây hoặc thối hỏng bắp ngô. Bệnh thối thân làm cho thân bị thối, gẫy đổ, làm chết cây.

2.4. Rệp: Phát sinh giai đoạn ngô 8-9 lá cho đến khi thu hoạch, rệp phát triển nhanh và gây hại mạnh khi nguồn thức ăn đầy đủ, nhất là những ruộng ngô trồng dày hoặc ruộng ngô bị hạn.

2.5. Châu chấu tre lưng vàng: Chú ý theo dõi những diện tích ngô có nguy cơ cao bị châu chấu tre lưng vàng gây hại (khu vực gần rừng vầu, nứa nơi đang có châu chấu tre gây hại)

* Các loại sâu, bệnh khác:

– Sâu xám: Gây hại rải rác những diện tích cây ngô giai đoạn mọc đến 4 lá.

Sâu đục thân, đục bắp: Sâu hại suốt quá trình trình trưởng cây ngô, cao điểm gây hại từ khi ngô trỗ cờ đến hình thành bắp.

Bệnh lùn đẻ nhánh, hiện tượng lùn cây ngô: Gây hại chủ yếu giai đoạn phát triển thân lá.  

– Bệnh đốm lá: Phát sinh trong quá trình sinh trưởng của cây ngô, bệnh thường phát triển mạnh trên những ruộng còi cọc, xấu, sinh trưởng kém, ruộng ngô khô hạn.

  1. 3. Cây cam, quýt: Cây cam quýt giai đoạn nuôi quả đến thu hoạch, cần chú ý phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại chính trên quả như sau:

3.1. Bọ xít xanh: Phát sinh gây hại từ khi quả còn nhỏ đến khi thu hoạch. Giai đoạn quả nhỏ bị chích hút nhiều quả sẽ chai, vàng và rụng sớm; giai đoạn quả lớn bị chích hút quả sẽ bị thối, rụng.

Thường gây hại nhiều hơn ở những vườn cây lớn tuổi có nhiều bóng mát; vườn rậm rạp, cành lá um tùm, ít cắt tỉa, vệ sinh; hại nặng hơn ở giai đoạn quả non.

3.2. Ruồi đục quả, ngài chích quả: Gây hại chủ yếu giai đoạn chuyển hóa đường đến chín vào khoảng tháng 10 đến tháng 12. Quả bị hại sẽ thối rụng làm giảm năng xuất và chất lượng quả. Do đó cần chú ý phòng trừ để hạn chế thiệt hại do ruồi đục quả và ngài chích quả gây ra.

3.3. Nhện đỏ: Phát triển mạnh trong mùa khô hạn, thời tiết nắng nóng. Nhện đỏ gây hại trên cả lá và quả, hại nặng lá chuyển từ màu xanh sang màu trắng bạc, vỏ quả biến màu tạo nên những đốm sần sùi, làm giảm năng suất, phẩm chất quả.

* Các loại sâu, bệnh khác:

Bệnh vàng lá thối rễ: Gây hại nặng vào khoảng tháng 7-9.

– Bệnh nứt thân chảy nhựa: Gây hại nặng khi mưa ẩm kéo dài, vườn rậm rạp, chăm sóc kém.

  1. Cây hồng không hạt: Bệnh thán thư tiếp tục gây hại cục bộ tại huyện Ba Bể, huyện Chợ Đồn. Cần chủ động, tích cực phòng trừ theo hướng dẫn tại văn bản số 614/SNN-TT,BVTV&QLCL ngày 01/4/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường chỉ đạo phòng, trừ bệnh thán thư hại cây hồng không hạt.
  2. 5. Cây lâm nghiệp

5.1. Châu chấu tre hại vầu, tre, nứa: Tiếp tục gây hại trong tháng 7-8, tại những khu vực thường xuyên xuất hiện vào các năm trước ở các huyện Ngân Sơn, Na Rì, Bạch Thông.

Chú ý theo dõi hướng di chuyển của châu chấu, xác định vị trí châu chấu đẻ trứng (vào tháng 9,10) để chủ động theo dõi và có biện pháp phòng trừ kịp thời lứa mới phát sinh trong năm tiếp theo.

5.2. Bệnh thán thư hại cây hồi: Tiếp tục gây hại cục bộ tại các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, Ngân Sơn với tỷ lệ hại cao 15% lá, cá biệt 50% lá.

* Các loại sâu, bệnh khác:

Sâu đo, vòi voi, bọ xít nâu, sâu gặm vỏ, bệnh phấn trắng: Gây hại cây quế tại các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì và thành phố Bắc Kạn.

Sâu róm: Gây hại thông tại các vùng trồng tập trung của các huyện Bạch Thông, Ba Bể, Ngân Sơn.

Mối, bệnh chết héo, bệnh phấn trắng, bọ xít muỗi: Hại cây keo tại các huyện, thành phố.

  1. Cây trồng khác

6.1. Cây khoai môn: Sâu khoang phát sinh, gây hại từ cuối tháng 6 đến tháng 7; bệnh cháy lá phát sinh, gây hại vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9.

6.2. Cây gừng, nghệ: Bệnh cháy lá, thối củ phát sinh gây hại từ tháng 7; hại mạnh từ tháng 8 trở đi, trên những diện tích năm trước bị bệnh, diện tích sử dụng củ giống đã bị nhiễm bệnh. Nếu không phòng trừ kịp thời bệnh gây lụi từng chòm, giảm năng suất, cục bộ  không cho thu hoạch

6.3. Cây dong riềng: Bệnh thối thân, bệnh cháy lá phát sinh gây hại rải rác từ cuối tháng 6, hại nặng tại những diện tích trồng dầy, không thoát nước, những diện tích đất nghèo dinh dưỡng, diện tích năm trước bị bệnh; tỷ lệ bệnh cá biệt 40-50%.

6.4. Cây chè: Chú ý phòng trừ bệnh đốm nâu phát sinh, gây hại từ tháng 7 đến tháng 8, bệnh phồng lá chè gây hại từ tháng 9 đến tháng 10, bọ xít muỗi, rầy xanh, bọ cánh tơ gây hại trong tháng 10 đến tháng 11./.

BBT

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Nuôi cá Diêu hồng đạt chứng nhận VietGAP tại Bắc Kạn

Nuôi cá Diêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP là điều còn khá mới mẻ với người nuôi cá tại tỉnh Bắc Kạn, là tỉnh...

Chỉ đạo sản xuất vụ Xuân năm 2025

Để chủ động trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị sản xuất, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu sản xuất, ngày 25 tháng...

Tập huấn nâng cao năng lực, kiện toàn tổ chức khuyến nông cơ sở

Để giúp các Tổ Khuyến nông cộng đồng các xã trên địa bàn tỉnh hoạt động và sử dụng có hiệu quả các nguồn...

Kết quả bước đầu triển khai mô hình nuôi cá Nheo mỹ trên hồ...

Mô hình nuôi cá Nheo mỹ trong lồng trên sông/hồ đạt chứng nhận VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại hồ...

Tập huấn hướng dẫn khôi phục sản xuất sau bão lũ tại xã Đồng...

Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngày 25/11/2024 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND...

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

001079
Hôm nay : 5
Trong tháng : 192
Trong năm : 192
Tổng : 61674
Skip to content