Ngày 14/10/2022 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 650/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó cần tập trung phát triển ngành nông nghiệp làm trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước sạch, đa dạng sinh học; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường và phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành; mở rộng liên kết sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao và đổi mới quan hệ sản xuất, kinh doanh để nâng cao chuỗi giá trị, tăng thu nhập, tạo tích lũy, thúc đẩy phát triển nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội; phát triển nông, lâm nghiệp gắn với du lịch; phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP, sản phẩm hữu cơ; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Phấn đấu đến năm 2030: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2030 tăng bình quân đảm bảo mục tiêu đề ra tại Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh (3,5%/năm); Tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp trên 1,7 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 2 – 2,5%, huyện nghèo giảm từ 3 – 3,5% trở lên; Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đến năm 2030 đạt trên 98,5%. Tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 65%; Hoàn thành mục tiêu đề ra tại Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Phấn đấu đến năm 2030, cả tỉnh có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh theo mục tiêu đề ra tại Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh (tối thiểu là 72%).

Đến năm 2050, nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn là nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường (100% vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực được chứng nhận an toàn thực phẩm, hữu cơ và sản xuất theo chuỗi giá trị). Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản (chế biến sâu, chế biến công nghệ cao). Các sản phẩm nông sản của tỉnh tham gia vào hệ thống thương mại điện tử, hệ thống logistic nông nghiệp và kết nối với chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Hình thành các vùng trọng điểm về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm; hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho ngành.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bắc Kạn đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ cần tập trung gồm:
Một là hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nâng cao giá trị gia tăng; tập trung thúc đẩy phát triển các ngành hàng đã được xác định theo 3 nhóm sản phẩm theo các nội dung đề ra tại Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh. Phát triển trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hai là tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững gồm: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng giống; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, cải tạo nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại.
Ba là thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến: Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp như: Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp gắn với du lịch… Phấn đấu 100% sản phẩm sản xuất theo chuỗi được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như: An toàn thực phẩm, LocalGAP, GACP, hữu cơ… và được quản lý bằng hệ thống thông tin truy suất nguồn gốc nông sản an toàn.
Bốn là phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn
Năm là xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống: Xây dựng nông thôn mới thông minh, ứng dụng công nghệ số nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính quyền; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ dịch vụ xã hội cơ bản với thành thị.
Sáu là phát triển toàn diện, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn, lấy người dân nông thôn làm chủ thế, trọng tâm phát triển, đảm bảo tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển.
Bảy là xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp.
Tám là bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, ứng phó biến đổi khí hậu
UBND tỉnh chỉ đạo cần thực hiện đồng bộ 11 nhóm giải pháp và giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương rà soát các cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh, tham mưu cho cấp có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung để thực hiện có hiệu quá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược; tham mưu xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện cho từng giai đoạn (5 năm, 3 năm) và hằng năm để triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
Nguyễn Thị Huế – Liên minh HTX tỉnh