Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bí xanh (thơm) Ba Bể

I. Kỹ thuật gieo trồng

  1. Thời vụ:

– Vụ Đông Xuân: Gieo trồng từ 25/1 đến 25/2, thu hoạch quả non vào tháng 4, 5, bí già thu hoạch vào cuối tháng 6 đầu tháng 7.

– Vụ Hè Thu: Gieo từ 25/6 đến 05/7, thu hoạch quả trong tháng 10 (đối với điều kiện thời tiết khí hậu của Ba Bể thời vụ chính là vụ Đông Xuân).

Bí xanh thơm Ba Bể
  1. Làm đất:

2.1. Trên đất ruộng soi bãi:

Cày, bừa làm đất nhỏ, tơi xốp, sạch cỏ dại.

– Trường hợp làm giàn: Lên luống cao 0,25 – 0,3 m, rộng 5 m (để trồng hàng đôi) hoặc 2 m để trồng hàng đơn, giữa các luống làm rãnh thoát nước rộng 0,5 m.

– Trường hợp không làm giàn lên luống cao 0,25 – 0,3 m, rộng 2,5 m trồng hàng đơn.

2.2. Trên đất nương rẫy: Cuốc hố theo mật độ đã định, tạo cho đất trong hố tơi xốp, sạch cỏ dại.

  1. Mật độ khoảng cách trồng:

– Trồng trên đất ruộng và soi bãi:

+ Hàng cách hàng: 3 m

+ Hố cách hố: 1,5 – 2 m

Mật độ từ 1.700 – 2.200 gốc/ha, tương đương 170 – 220 gốc/bung.

– Trồng trên đất nương rẫy:

+ Hàng cách hàng: 4 m

+ Hố cách hố: 2 – 2,5 m

Mật độ từ 1.000 – 1.250 hố/ha, tương đương 100 – 125 gốc/bung.

  1. Chuẩn bị giống, xử lý hạt giống trước khi gieo:

– Giống trồng phải được chọn từ những quả tốt, để đến khi dây chết mới thu hoạch quả.

– Lượng giống cần gieo cho 1 bung (1.000m2):

+ Nếu trồng trên đất ruộng và soi bãi cần từ 680 – 880 hạt (gieo 4hạt/gốc).

+ Nếu trồng trên đất nương rẫy cần từ 400 – 500 hạt (gieo 4 hạt/hố).

– Xử lý hạt giống: Trước khi gieo, ngâm hạt trong nước sạch 4 – 6 giờ, đãi sạch nước chua, gói kín, ủ trong vải xô, ngày dấp nước 2 lần, khoảng 1 – 2 ngày khi hạt nứt nanh mới đem gieo.

  1. Gieo hạt:

– Trước khi gieo hạt phải bón lót phân đầy đủ, lấp 1 lớp đất dày khoảng 2 – 3 cm, phủ kín phân mới gieo hạt, sau đó lấp đất phủ kín hạt. Tùy điều kiện thời tiết tại thời điểm gieo hạt mà lấp đất dày hay mỏng (thời tiết khô, lạnh lấp đất dày), có thể tận dụng rơm, rạ, cỏ phủ kín để giữ ẩm, ấm tạo điều kiện thuận lợi cho hạt nảy mầm.

  1. Phân bón:

6.1. Lượng phân bón cho 1 bung (1.000m2 ):

– Phân chuồng: 2.000 kg

– Phân đạm Urê: 32 kg

– Lân super: 40 kg

– Kali: 25 – 28 kg

6.2. Cách bón:

  – Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + phân lân + ¼ kali + ¼ đạm

  – Bón thúc:

+ Thúc lần 1: Khi cây có 3 – 4 lá thật, dùng 3 – 4 kg đạm ure + 3 kg kali nếu trồng có cắm dàn; Bón 2 kg đạm ure + 2 kg kali nếu trồng không cắm dàn để bón cho cây, bón xung quanh gốc, kết hợp làm cỏ và vun cho cây.

 + Thúc lần 2: Trước khi cắm dàn (cây bắt đầu leo), dùng 4 kg đạm + 4 kg kali nếu trồng có cắm dàn, bắt đầu ngả ngọn bò dùng 2 – 3 đạm ure+ 3 kg kali; nếu trồng không cắm dàn để bón xung quanh gốc, cách gốc 15 – 20 cm, kết hợp vun cao và làm rãnh nông ở giữa luống. Sau đó tưới đẫm hoặc cho nước vào ruộng bí sau 4 tiếng tháo nước và chuẩn bị cắm dàn cho bí, phân bố ngọn bí đều trên mặt ruộng.

+ Thúc lần 3: Khi bí đã đậu quả rộ, dùng 3 kg đạm + 4 kg kali nếu trồng có cắm dàn; dùng 2 kg đạm ure + 2 kg kali nếu trồng không cắm dàn để bón. Lúc này có thể hoà với nước phân chuồng để tưới.

Tr­ường hợp bí sinh tr­ưởng thân lá quá mạnh cần hạn chế đạm và thúc thêm bằng kali để cân bằng thân-lá-hoa-quả. tỉa bớt nhánh phụ nếu thân lá quá rậm rạp.

Cắm dàn chữ A, dùng cây dóc cứng, dài 2 m để cắm, cần làm dàn chắc, không bị đổ khi có mưa gió to.

* Chú ý: Tuyệt đối không được bón hoặc tưới phân trực tiếp vào gốc cây; không nên chăm quá khi dây đã tốt và lá có màu xanh đậm.

  1. Tưới tiêu:

Ở giai đoạn đầu sau trồng cần tưới nhẹ thường xuyên cho cây mau bén rễ hồi xanh, đảm bảo đủ độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển tốt. Thời kỳ ra hoa kết quả bí xanh cần nhiều nước, cần tưới đủ nước cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Nếu thiếu nước cây sinh trưởng phát triển kém, sâu bệnh phát triển gây thiệt hại năng suất. Nếu bị mưa ngập cần tháo hết nước ngay vì bí xanh không chịu ngập úng.

  1. Làm giàn:

Khi cây ngả ngọn dài 60 – 70 cm có từ 3 – 4 đốt, tiến hành phân đều dây theo các hướng, đắp đất chặn 2 – 3 đốt để tạo điều kiện cho rễ đốt hình thành phát triển tạo cho cây bộ rễ khỏe kéo dài thời gian sinh trưởng để cây ra quả nhiều và nuôi quả. Làm giàn cho bí có thể áp dụng theo 2 phương pháp:

– Làm giàn bằng: Dàn lên bắc cao 1,2 – 1,5 m để thuận tiện cho việc đi lại chăm sóc, ở mỗi gốc cần cắm cây để ngọn bí leo lên giàn.

– Cắm giàn chữ A: Dùng cây hóp cứng, dài 2 m để cắm, cần làm giàn chắc, không bị đổ khi mưa gió to.

  1. Tỉa lá, quả:

– Khi bí đã có 8 – 10 lá cần hái bỏ lá già, lá bị sâu bệnh ở sát gốc.

– Hái bỏ những quả bí khi mới đậu bị dị dạng, bị sâu bệnh.

* Chú ý: Cần giữ ẩm thường xuyên và không để ruộng ngập nước để hạn chế bệnh héo xanh cho bí.

II. Phòng trừ sâu bệnh

– Giai đoạn cây có 2 lá mầm đến 3 lá thật: Là giai đoạn cây non dễ bị bọ nhẩy, bọ cánh vàng (tiếng Tày gọi tua mèng lài) cắn hại làm mất khoảng rất nhiều. Để hạn chế có thể dùng vải màn tuyn hoặc túi bóng để chụp trên miệng hố để phòng tránh, theo cách làm này cây mọc khỏe và chống được rét khi trồng trong vụ đông xuân. Hoặc có thể dùng thuốc trừ sâu Supertox pha theo hướng dẫn trên bao bì để phun định kỳ 7 ngày/lần liên tiếp đến khi cây phát triển qua giai đoạn này.

– Giai đoạn cây leo lên giàn đến ra hoa đậu quả rộ: Là giai đoạn cây thường hay xuất hiện các loại sâu hại như:

+ Rệp hại lá, đọt non, nụ hoa, quả…

+ Bọ xít hại quả non.

+ Ruồi vàng hại quả.

Cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm, nên áp dụng các biện pháp thủ công để phòng trừ như:

+ Đối với rệp hại bắt giết bằng tay, ngắt bỏ tiêu hủy những ngọn, lá có nhiều rệp.

+ Đối với ruồi vàng dùng bẫy bả chua ngọt để tiêu diệt, cách làm: Dùng 1 lít nước + 40 ml dấm + 10 ml rượu + 40 g đường + 1 g Dipterex, dùng vải quấn chặt tẩm vào dung dịch đã pha và treo đều trong giàn bí để dẫn dụ ruồi bâu vào hút dịch bẫy bả, ruồi sẽ bị chết khi châm hút dịch này.

– Để cho ít cây bị sâu bệnh, thì ngay từ khi cây con (sau mọc 7 – 8 ngày) cần dùng Validacin và Ofatox tưới cho cây.

– Bí xanh thường bị sâu xanh, rệp, sâu vẽ bùa phá hoại dùng Ofatox 0,1% hoặc Actara phun cho cây. Rệp khi mới xuất hiện có thể giết bằng tay hoặc ngắt bỏ ngọn, lá có nhiều rệp.

– Bọ phấn trắng, bọ nhảy: Dùng Sokupi, Dylan.

– Sương mai: Phòng bằng Boocđô 1% hoặc Zineb 0,25%, chữa bệnh bằng Ridomil 0,1 – 0,2%, Kasuzan 0,2 – 0,3%.

– Bệnh phấn trắng: Dùng Bayleston 0,1% hoặc Bavistin 0,1%.

* Chú ý: Dùng thuốc nên theo chỉ định ghi trên bao bì và không dùng thuốc quá hạn sử dụng. Khi phun thuốc cần phun ướt đều toàn bộ cây, cả mặt trên và mặt dưới lá.

III. Thu hoạch

Quả 50 – 60 ngày tuổi là thu hoạch được. Bí non có thể thu ở giai đoạn 25 – 30 ngày tuổi sau khi đậu.

Quả thu nhẹ nhàng vào sáng sớm, tránh bị xây xát. Quả già thu về có thể xếp thành hàng, lớp để nơi khô thoáng mát bảo quản. Có thể bảo quản trên 30 ngày không ảnh hưởng đến chất lượng./.

Ngọc Phùng

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Danh mục dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ cung cấp thông tin trực...

Ngày 19 tháng 11 năm 2024 Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành thông báo số 108/TB-SNN về danh mục dịch vụ công trực...

Hướng dẫn một số biện pháp khôi phục đàn gia cầm sau bão lũ

Sau bão lũ, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm nói riêng và vật nuôi nói chung là rất...

Chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi

Để chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong vụ Đông - Xuân 2024 -...

Hội thảo tổng kết mô hình trồng luân canh lạc – ngô ngọt theo...

Ngày 22/10/2024, tại hội trường UBND xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND xã...

Công tác bảo vệ vật nuôi thuỷ sản trong mùa mưa lũ

Chuẩn bị, gia cố lại bờ ao, khung lồng bè nuôi - Trước mùa mưa lũ bà con cần kiểm tra, vệ sinh,...

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

001036
Hôm nay : 17
Trong tháng : 2685
Trong năm : 26232
Tổng : 56846
Skip to content