Tọa đàm “ Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế nông nghiệp” tại tỉnh Bắc Kạn

Nhằm tạo điều kiện cho người nông dân được trực tiếp trao đổi, thảo luận với các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách, những thuận lợi, khó khăn cũng như những định hướng, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế nông nghiệp, giúp người nông dân có được cái nhìn toàn diện hơn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương qua đó cùng đưa ra những giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, khai thác những tiềm năng lợi thế của địa phương nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Kạn, ngày 23-24/6/2022,Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn tổ chức buổi Tọa đàm “Giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế nông nghiệp” tại thành phố Bắc Kạn.

Tham dự cuộc Tọa đàm có ông Hà Sỹ Huân – Đại biểu Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT,  đại diện các Phòng, Chi cục trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT, các Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, cùng sự tham dự của 70 đại biểu là nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn đánh giá: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một nhiệm vụ quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đảm bảo cho sản xuất phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững trên cơ sở phù hợp với lợi thế, thế mạnh từng địa phương. Thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, trong điều kiện dịch bệnh Covid phức tạp thì nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng, trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,6 % so với năm 2020, nông, lâm nghiệp chuyển dịch mạnh theo hương sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, các hợp tác xã, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, toàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp OCOP đạt 3 sao trở lên, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã vươn ra thị trường lớn, như xuất khẩu miến dong sang cộng hòa Séc, ngô ngọt xuất sang Thái Lan, Campuchia, bò thịt xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường chưa cao, chưa tạo được nhiều vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa; việc xây dựng mã vùng sản xuất còn bỏ ngỏ; khối lượng sản phẩm làm ra nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe báo cáo thực trạng và giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và báo cáo của Hợp tác xã Nhung Lũy về hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Đại diện cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ông Vũ Đình Mười, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần GAP Việt Nam trao đổi: “Bắc kạn là một tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng không cần quá chú trọng tới số lượng, mà tập trung vào những sản phẩm chủ lực, có ưu thế vùng, muốn thực hiện sản xuất trong giai đoạn hiện nay để chuyển đổi bền vững điều trước tiên phải có liên kết tiêu thụ sản phẩm, có thể tập trung vào các sản phẩm như: Dược liệu, bí xanh, ngô ngọt,… tùy vào điều kiện, thế mạnh của từng địa phương.”

Ảnh: Ban cố vấn giải đáp những thắc mắc của các đại biểu tại buổi Tọa đàm.

Tại buổi Tọa đàm các đại biểu được trao đổi về thực trạng, thuận lợi, khó khăn và những kinh nghiệm, cách làm; các mô hình chuyển đổi cơ cấu cấu cây trồng đạt hiệu quả cao có khả năng nhân rộng ra các địa phương khác và giải đáp trực tiếp được 30 câu hỏi thắc mắc của các nông dân tham dự về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, cụ thể như: Những khó khăn, vướng mắc của người nông dân trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lựa chọn cây trồng để chuyển đổi cơ cấu cho phù hợp đối với từng địa phương; hỗ trợ về kỹ thuật thâm canh bí xanh thơm, cam, quýt, hồng không hạt; các giải pháp nhằm duy trì, phát triển những sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; giải pháp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để giúp người dân có thu nhập ổn định và phát triển bền vững…

Ảnh: Ông Hà Sỹ Huân – Đại biểu Quốc hội, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Hà Sỹ Huân khẳng định: “Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng là việc chuyển đổi các cây trồng truyền thống sang canh tác các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có đầu ra ổn định, có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân; cần phải lựa chọn những cây trồng phù hợp, dựa trên lợi thế, thế mạnh của phương trên cơ sở quy hoạch sản xuất của từng vùng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2035. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả trước tiên cần có sự tiên phong của người dân, các hợp tác xã trong việc mạnh dạn đưa những cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, đồng thời cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất…”

Từ các nội dung, ý kiến được nêu ra tại buổi tọa đàm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với địa phương, các doanh nghiệp, HTX rà soát các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao, để tham mưu cho Sở chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, các đại biểu đã tham quan mô hình trồng dưa sữa Nhật trong nhà màng của HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố, xã Như Cố và mô hình trồng nho Hạ đen tại xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới./.

Quỳnh Thu

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000833
Hôm nay : 69
Trong tháng : 2436
Trong năm : 8812
Tổng : 39426
Skip to content