Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023

Theo tổng hợp từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh động vật đã cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan thú y, một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đang có chiều hướng gia tăng mạnh, cụ thể: (i) Có 40 ổ dịch bệnh Cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại 21 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy  hơn 93.000 con gia cầm; (ii) Trên 1.150 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 51 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 53.000 con lợn; (iii) Trên 240 ổ dịch bệnh Viêm  da nổi cục trên trâu, bò tại 16 tỉnh, với 2.255 con trâu, bò mắc bệnh, 442 con bị chết và tiêu hủy; (iv) Có 16 ổ dịch bệnh Lở mồm long móng tại 7 tỉnh với 518 con gia súc mắc bệnh; (v) Có 135 ổ dịch bệnh Dại động vật, buộc tiêu hủy 174 con chó, mèo tại 16 tỉnh; đặc biệt bệnh Dại đã làm 52 người tử vong tại 21 tỉnh, thành phố.

Nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là rất cao, do: (i) Kết quả giám sát chủ động cho thấy các loại mầm bệnh nêu trên còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở nhiều địa phương; (ii) Tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn (trên 500 triệu con gia cầm, gần 28 triệu con lợn, khoảng 10 triệu con trâu, bò, dê, cừu,..); tổng đàn gia súc, gia cầm tái đàn tăng mạnh, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn, chăn nuôi an toàn sinh học còn rất hạn chế; Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh; (iv) Thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh; (v) Một số nơi có tình trạng chủ quan, lơ là, nhiều khó khăn trong việc triển khai phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc tổ chức tiêm vắc  xin phòng bệnh đạt tỷ lệ thấp.

Tiêu hủy lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ngày 08/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 7473/CT-BNN-TY đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, cụ thể:

  1. Tổ chức quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 204, cụ thể: “Chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ nghiên cứu, sản xuất vắc xin, thuốc thú y; phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, kiểm dịch động vật; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh”; Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
  2. Chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, các quyết định, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 – 2025; Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020 – 2025; Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 1814/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022 – 2030; Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 – 2030; Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030).
  3. Bố trí nguồn lực tổ chức triển khai ngay các giải pháp kỹ thuật sau:
  • Rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi (như: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Viêm da nổi cục,…) tại các địa phương đã, đang có dịch, có nguy cơ cao, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn của Cục Thú y;
  • Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng;
  • Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; bảo đảm quản lý, kiểm soát thú y tại các cơ sở, điểm giết mổ động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam;
  • Tổ chức triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu  độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh, đặc biệt tại các địa phương đã, đang có dịch bệnh, có nguy cơ;
  • Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở, họp cộng đồng về các loại dịch bệnh nguy hiểm, nguy cơ, nguyên nhân phát sinh và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

4. Thành lập các đoàn công tác do Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc triển khai các biện pháp kỹ thuật nêu trên.

5. Khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt và bố trí kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương trong năm 2023 và các năm tiếp theo, trong đó cần bố trí kinh phí triển khai các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục, Dại; kinh phí mua vắc xin, thuốc sát trùng và chi trả tiền công cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật.

6. Kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban  Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2021); văn bản số 409- BC/ĐĐQH15 ngày 07/12/2021 của Đảng đoàn Quốc hội gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư về duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật; đặc biệt mới đây nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022./.

Nông Quang Hải

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “ Giải pháp phát triển sản xuất...

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối, liên kết, đầu tư phát triển sản xuất trong việc thu mua, chế biến...

Tập huấn “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ...

Ngày 25-26/7/2024 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức lớp tập huấn...

Tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô ngọt vụ mùa năm...

Ngày 17/7/2024 tại hội trường UBND xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND xã...

Kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng...

Ngày 20/6/2024, Đoàn kiểm tra, đánh giá Dự án khuyến nông Trung ương năm 2024: “Xây dựng mô hình sản xuất dong riềng phục...

Kết quả triển khai mô hình thâm canh cây mơ trong thời kỳ kinh...

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm quả mơ đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua, kéo dài thời gian...

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000962
Hôm nay : 33
Trong tháng : 369
Trong năm : 17902
Tổng : 48516
Skip to content