Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, cây chè là một trong những cây trồng thế mạnh đặc biệt là các huyện Ba Bể, Chợ Đồn và Chợ Mới. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.712 ha, trong đó: 1.547 ha đã cho thu hoạch; năm 2021 diện tích đã được chứng nhận VietGAP là 50,9 ha, chứng nhận hữu cơ là 12,7 ha, diện tích được chứng nhận vệ sinh ATTP là 14 ha.
Để thống nhất trong việc hướng dẫn sản xuất nhằm đạt mục tiêu về năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, VietGAP trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, VietGAP đối với một số cây chè như sau:
- Yêu cầu chung đối với sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm
Yêu cầu chung đối với sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm thực hiện theo QCVN 01-132:2013/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với rau, quả, chè búp tươi đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, sơ chế. Trong đó cần chú ý một số yêu cầu sau:
1.1. Địa điểm sản xuất
– Nằm trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương.
– Không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố gây ô nhiễm sản phẩm như mùi, khói, bụi, chất thải, hóa chất độc hại từ hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, sinh hoạt khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nghĩa trang.
– Đường dẫn đến địa điểm sản xuất và đường nội đồng đáp ứng việc đi lại, vận chuyển vật tư, sản phẩm và không gây ô nhiễm cho quá trình sản xuất.
1.2. Đất trồng
– Hàm lượng các kim loại nặng trong đất không vượt quá giá trị quy định tại QCVN 03-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất.
– Trường hợp đất có chứa kim loại nặng vượt giá trị tối đa cho phép thì phải có biện pháp cải tạo đất hoặc lựa chọn loài cây trồng, biện pháp canh tác phù hợp và phân tích mẫu sản phẩm; nếu mức độ ô nhiễm của sản phẩm trong giới hạn cho phép thì được chấp nhận đủ điều kiện sản xuất đối với loài cây trồng được lấy mẫu phân tích.
1.3. Nguồn nước
– Hàm lượng các kim loại nặng, vi sinh vật gây hại trong nước tưới không vượt quá giá trị được quy định tại QCVN 08-MT:2015/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt.
– Trường hợp nước có chứa kim loại nặng, vi sinh vật gây hại vượt giá trị tối đa cho phép thì phải có biện pháp cải tạo nước tưới hoặc lựa chọn loài cây trồng, biện pháp canh tác phù hợp và phân tích mẫu sản phẩm; nếu mức độ ô nhiễm của sản phẩm trong giới hạn cho phép thì được chấp nhận đủ điều kiện sản xuất đối với loài cây trồng được lấy mẫu phân tích.
1.4. Giống cây trồng
– Giống cây trồng phải trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; hạt giống, cây giống, gốc ghép sử dụng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đảm bảo theo quy trình sản xuất an toàn, cây xuất vườn phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định cụ thể cho từng loại cây.
– Riêng các loại cây ăn quả lâu năm phải có giấy chứng nhận sản xuất cây giống do cơ quan có thẩm quyền cấp.
1.5. Phân bón
– Phân bón được sử dụng phải nằm trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đang có hiệu lực.
– Không được sử dụng trực tiếp phân tươi (chất thải của người, động vật), phân chuồng, phân xanh phải được xử lý hoai mục và đảm bảo vệ sinh môi trường.
1.6. Thuốc bảo vệ thực vật
– Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, đang có hiệu lực.
– Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách.
1.7. Thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV, chất thải, nước thải
– Thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tuân thủ theo hướng dẫn trên bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
– Thu gom, xử lý chất thải, nước thải theo đúng quy định, không gây ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và môi trường.
1.8. Thu hoạch và sơ chế sản phẩm
– Thiết bị, dụng cụ thu hoạch phải đảm bảo chắc chắn và vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi sử dụng.
– Thu hoạch sản phẩm đảm bảo thời gian cách ly theo hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc bảo vệ thực vật và phân bón.
– Sản phẩm sau thu hoạch không được để tiếp xúc trực tiếp với đất.
– Cần được làm sạch phương tiện trước khi vận chuyển sản phẩm. Không vận chuyển sản phẩm chung với các hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm.
1.9. Ghi chép và truy xuất nguồn gốc
– Ghi chép theo dõi nguồn cung cấp và việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (ngày mua, tên hàng hóa, người bán, khối lượng sử dụng, ngày sử dụng, việc sử dụng, thời gian cách ly…).
– Ghi chép theo dõi phân phối sản phẩm (ngày, tên sản phẩm, người mua, khối lượng).
– Biện pháp xử lý khi sản phẩm có vấn đề về ATTP (nếu có).
II. Yêu cầu chung đối với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Yêu cầu chung đối với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thực hiện theo TCVN 11892-1:2017 thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) – Phần 1: Trồng trọt. Trong đó cần chú ý một số yêu cầu sau:
2.1. Quy định đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất
– Vị trí, vùng sản xuất cây trồng theo VietGAP phải phù hợp với quy hoạch của huyện, của tỉnh.
– Vườn sản xuất cách khu công nghiệp, nghĩa trang, bệnh viện từ 500 m trở lên và đất không bị nhiễm kim loại nặng. Toàn bộ hồ sơ về vị trí lô đất và kết quả phân tích đất được lưu giữ tại HTX, nhóm sản xuất hoặc tại hộ gia đình để có thể truy nguyên nguồn gốc theo yêu cầu.
– Nếu vùng sản xuất có các nguy cơ ô nhiễm trên mà có thể khắc phục thì phải có cơ sở khoa học chứng minh sự khắc phục nguy cơ ô nhiễm và lưu trong hồ sơ.
– Vùng sản xuất có mối nguy cơ ô nhiễm hóa học (kim loại nặng, Nitrate, thuốc BVTV), sinh học (vi khuẩn Salmonella, E.Coli, Coliform), vật lý (xói mòn đất, ngập úng) cao và không thể khắc phục thì không được sản xuất theo VietGAP.
2.2. Quy định về thiết kế vườn
Phải có sơ đồ bố trí lô, vườn và bảng hiệu để phân biệt các lô, vườn của hộ gia đình, HTX. Sơ đồ cần nêu rõ số lượng cây, tuổi cây, phương pháp nhân giống, hệ thống giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiêu, hệ thống điện, nhà xưởng, kho để vật tư, phân bón, thuốc BVTV, dụng cụ làm vườn, nơi tập kết sản phẩm, phân loại, vệ sinh, đóng gói, bảo quản….
2.3. Quy định về sử dụng hóa chất (bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật)
– Nên áp dụng các biện pháp quản lý sâu bệnh hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng.
– Chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và tuân theo nguyên tắc “4 đúng”.
– Lưu trữ hồ sơ các hóa chất khi mua và khi sử dụng.
– Nếu phát hiện dư lượng hóa chất trong sản phẩm vượt quá mức tối đa cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch, mua bán sản phẩm, xác định nguyên nhân ô nhiễm và nhanh chóng áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Phải ghi chép cụ thể trong hồ sơ lưu trữ.
– Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất và dư lượng hóa chất có trong sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền. Các chỉ tiêu phân tích phải tiến hành tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế về lĩnh vực dư lượng thuốc BVTV.
2.4. Quy định sử dụng đất
– Hàm lượng các kim loại nặng trong đất không vượt quá giá trị quy định tại QCVN 03-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn cho phép của một số kim loại nặng trong đất.
– Trường hợp đất có chứa kim loại nặng vượt giá trị tối đa cho phép thì phải có biện pháp cải tạo đất hoặc lựa chọn loài cây trồng, biện pháp canh tác phù hợp và phân tích mẫu sản phẩm; nếu mức độ ô nhiễm của sản phẩm trong giới hạn cho phép thì được chấp nhận đủ điều kiện sản xuất đối với loài cây trồng được lấy mẫu phân tích.
– Cần có biện pháp canh tác phù hợp với điều kiện đất đai, cây trồng; tránh gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên đất.
2.5. Quy định về sử dụng nước tưới
– Cần lấy mẫu nước phân tích các chỉ tiêu hóa học và vi sinh vật trong nước theo quy định hiện hành. Trường hợp nước của vùng sản xuất không đạt tiêu chuẩn phải thay thế bằng nguồn nước khác an toàn hoặc chỉ sử dụng nước sau khi đã xử lý và kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng. Ghi chép phương pháp xử lý, kết quả kiểm tra và lưu trữ trong hồ sơ.
– Không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước thải chưa qua xử lý trong sản xuất.
2.6. Quy định về sử dụng phân bón và chất bổ sung
– Chỉ sử dụng các loại phân bón và chất phụ gia có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
– Không sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý (ủ hoai mục). Trong trường hợp phân hữu cơ được xử lý tại chỗ, phải được ghi lại thời gian và phương pháp xử lý. Trường hợp không tự sản xuất phân hữu cơ, phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân và thời gian cung cấp, số lượng, chủng loại, phương pháp xử lý.
– Lưu giữ hồ sơ phân bón và chất phụ gia khi mua (ghi rõ nguồn gốc, tên sản phẩm, thời gian và số lượng mua).
– Lưu giữ hồ sơ khi sử dụng phân bón và chất phụ gia (ghi rõ thời gian bón, tên phân bón, địa điểm, liều lượng, phương pháp bón phân và tên người bón).
2.7. Quy định về thu hoạch và xử lý sau thu hoạch
– Thu hoạch sản phẩm phải đảm bảo thời gian cách ly đối với thuốc BVTV theo quy định hiện hành hoặc hướng dẫn của nhà sản xuất.
– Cần thu hoạch vào thời điểm sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
2.8. Quy định ghi chép, lưu trữ hồ sơ, quản lý sản phẩm, truy xuất nguồn gốc
– Tổ chức và cá nhân sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP phải ghi chép và lưu giữ đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký về thuốc BVTV, phân bón, bán sản phẩm.
– Tổ chức và cá nhân sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP phải tự kiểm tra hoặc thuê kiểm tra viên, kiểm tra nội bộ xem việc thực hiện sản xuất, ghi chép, lưu trữ hồ sơ đã đạt yêu cầu chưa. Nếu chưa đạt yêu cầu thì phải có biện pháp khắc phục và phải được lưu trong hồ sơ.
– Hồ sơ phải được thiết lập cho từng chi tiết trong các khâu thực hành VietGAP và được lưu giữ tại cơ sở sản xuất và phải được lưu trữ ít nhất hai năm hoặc lâu hơn nếu có yêu cầu của khách hàng hoặc cơ quan quản lý.
2.9. Quy định kiểm tra nội bộ
– Tổ chức và cá nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải tiến hành kiểm tra nội bộ ít nhất mỗi năm một lần. Việc kiểm tra phải được thực hiện theo bảng kiểm tra đánh giá; sau khi kiểm tra xong, tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc kiểm tra viên có nhiệm vụ ký vào bảng kiểm tra đánh giá. Bảng tự kiểm tra đánh giá, bảng kiểm tra (đột xuất và định kỳ) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải được lưu trong hồ sơ.
– Tổ chức và cá nhân sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP phải tổng kết và báo cáo kết quả kiểm tra cho cơ quan quản lý chất lượng khi có yêu cầu.
III. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè đảm bảo ATTP, VietGAP
3.1. Thiết kế đồi nương
– Thiết kế từng đồi phải nằm trong thiết kế tổng thể chung toàn vùng.
– Thiết kế đồng bộ ngay từ đầu hệ thống đường, các công trình phụ trợ cây phân xanh, che bóng, chắn gió. Những nơi thuận lợi cần làm đập, hồ chứa nước chân đồi, bể chứa nước, hệ thống tưới nước, hố ủ phân trên đồi.
– Thiết kế hàng: Nơi đồi có độ dốc bình quân 6o trở xuống (cục bộ có thể tới 8o): Thiết kế hàng chè thẳng theo hàng dài nhất, song song với đường bình độ chính, hàng cụt xếp ở bìa lô.
3.2. Kỹ thuật gieo trồng
3.2.1. Làm đất
Việc làm đất trồng chè phải đạt yêu cầu sâu, sạch, ải, vùi lớp đất mặt có nhiều hạt cỏ xuống dưới, san ủi những điểm dốc cục bộ.
- a) Làm đất: Cày sâu toàn bộ bề mặt sâu 30 – 35 cm, bừa san. Trường hợp không cày toàn bộ bề mặt cũng phải đào rãnh trồng. Đào rãnh hàng trồng chè sâu 40 – 45 cm, rộng 50 – 60 cm, lấp đất mặt xuống dưới, lấp đất cái lên trên cách mặt đất 5 – 10 cm.
- b) Thời vụ làm đất: Làm đất vào thời gian ít mưa (dưới 150mm/tháng) tránh xói mòn.
– Tháng 9 – 11 đối với loại đất mới, nhiều mùn, khai hoang xong trồng ngay.
– Tháng 11 – 3 đối với đất phục hoang, đất xấu, trồng một vụ cây phân xanh cải tạo đất.
3.2.2. Giống chè
Trồng các giống chè đã được khảo nghiệm thích hợp vùng:
– Vùng thấp (độ cao dưới 100m): Nên trồng các giống chè được chọn tạo trong nước như giống LDP1, LDP2, PH8, PH9, các giống nhập nội từ Trung Quốc và giống Trung du chọn lọc.
– Vùng giữa: Phân vùng có độ cao 100 – 500m trồng các giống LDP1, LDP2 và chè Shan chọn lọc giâm cành. Phân vùng có độ cao 500 – 1000m trồng giống chè Shan chọn lọc, TRI777 giâm cành.
– Vùng cao (hơn 1000m): Trồng giống chè Shan chọn lọc tại chỗ.
3.2.3. Thời vụ trồng
Thời vụ giâm cành: Tháng 1- 2 và tháng 7- 8.
Thời vụ trồng bầu cây: Tháng 1 – 3 và tháng 8 – 9.
3.2.4. Trồng cây chè
– Đất trồng chè phải được cày vùi phân xanh trước khi trồng ít nhất 1 tháng. Khi trồng thì bổ hố hay cày rạch sâu 20 – 25 cm theo rãnh hàng đã được đào để trồng bầu cây.
– Khoảng cách trồng:
Nơi dốc < 15o : Hàng cách hàng 1,4 – 1,5m, cây cách cây 0,4 – 0,5m.
Nơi dốc > 15o : Hàng cách hàng 1,2 – 1,3m, cây cách cây 0,3 – 0,4m.
– Trồng cây sau khi đã bỏ túi bầu. Đặt bầu vào hố hay rạch, lấp đất, nén đất đều xung quanh bầu, lấp phủ lớp đất tơi trên vết cắt hom 1 – 2 cm, đặt mầm cây theo một hướng xuôi chiều gió chính.
Trồng xong tủ cỏ, rác 2 bên hàng chè hay hốc trồng dày 8 – 10 cm, rộng 20 – 30 cm mỗi bên. Loại cỏ, rác dùng để tủ là phần không có khả năng tái sinh.
3.2.5. Trồng cây phân xanh, cây che bóng
– Cây phân xanh là các loại cây có khả năng cải tạo đất, làm phân bón tăng chất dinh dưỡng cho cây chè, tốt nhất là các cây họ đậu.
– Thời vụ gieo: Từ tháng 1 – 4 hàng năm, ngay sau khi làm đất, trồng chè.
– Cách gieo: Cây hàng năm gieo giữa hàng, mật độ tuỳ theo loại cây, cách gốc chè ít nhất 40 cm về mỗi bên. Cây phân xanh lưu niên 2- 4 năm (các loại muồng, cốt khí) kiêm che bóng tạm được gieo theo cụm một đường giữa 2 hàng chè, khoảng cách tâm cụm 30 – 40 cm, mỗi cụm đường kính 3 – 5cm.
– Cây bóng mát bộ đậu, thân gỗ, tán thưa, rộng, không tranh chấp nước với cây chè về mùa đông, được trồng cùng hàng hay giữa hai hàng chè, mật độ từ 150 – 250 cây/ha, trồng bằng cây ươm bầu, đảm bảo che bóng 30 – 50% ánh sáng mặt trời.
3.3. Đốn tỉa, tạo hình
3.3.1. Kỹ thuật đốn
Đốn tạo hình
– Lần 1: Khi chè 2 tuổi, đốn thân chính cách mặt đất 12 – 15 cm, đốn cành cách mặt đất 30 – 35 cm.
– Lần 2: Khi chè 3 tuổi đốn cành chính cách mặt đất 30 – 35 cm, đốn cành tán cách mặt đất 40 – 45 cm
Đốn phớt
– Hai năm đầu mỗi năm đốn trên vết đốn cũ 5 cm. Sau đó mỗi năm đốn cao thêm 3 cm, khi vết đốn dưới cùng cao 70cm so với mặt đất thì hàng năm chỉ đốn cao thêm 1cm so với vết đốn cũ.
– Tuyệt đối không cắt tỉa cành lá, đảm bảo độ che phủ, khép tán trên nương.
– Đối với nương chè sinh trưởng yếu, tán lá thưa mỏng, có thể áp dụng chu kỳ đốn cách năm: Một năm đốn phớt như trên, một năm đốn sửa bằng tán chỉ cắt phần cành xanh.
Đốn đau
Những đồi chè được đốn lửng nhiều năm, cành nhiều mấu, cây sinh trưởng kém, năng suất giảm rõ rệt thì dônd đau cách mặt đất 40-50 cm.
3.3.2. Thời vụ đốn
– Từ tháng 12 đến hết tháng 01.
– Nơi thường bị sương muối đốn muộn hơn, đốn sau đợt sương muối nặng.
– Đốn đau trước, đốn phớt sau.
– Đốn tạo hình, chè con trước, đốn chè trưởng thành sau.
3.4. Kỹ thuật chăm sóc
3.4.1. Làm cỏ
– Đối với chè thời kỳ kiến thiết cơ bản: Xới cỏ đảm bảo cỏ sạch quanh năm trên hàng chè, riêng chè 1 tuổi cần nhổ tay ở gốc chè để bảo vệ được cây chè. Giữa hàng trồng xen cây phân xanh, đậu đỗ hoặc bừa xới sạch cỏ.
Vụ xuân (tháng 1-2) và vụ thu (tháng 8-9) xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ.
Trong năm xới gốc 2-3 lần, rộng 30-40 cm về 2 bên hàng chè.
– Đối với chè thời kỳ kinh doanh:
+ Vụ đông xuân: Xới sạch cỏ dại, cuốc sâu 10 cm, lấp phân hữu cơ và cành lá già sau khi đốn, nếu hạn không cày được thì xới sạch toàn bộ.
+ Vụ hè thu: Phát hoặc xới cỏ gốc giữa hàng, cuốc sâu 5 cm.
Đồi chè được tủ cỏ, rác kín đất trong vụ đông xuân thì bớt các khâu làm cỏ trong vụ hè thu.
3.4.2. Bón phân
– Bón phân cho chè thời kỳ kiến thiết cơ bản (3 năm đầu):
Tuổi chè | Loại phân | Số lượng (kg/ha) | Số lần bón | Thời gian bón (Tháng) | Phương Pháp bón phân vô cơ |
Chè 1 tuổi | Hữu cơ
Supe lân Ure KCL |
10.000
1.000 120 90 |
01
01 12 12 |
Chia lượng phân bón 1 tháng/lần. Riêng H/cơ + lân bón tháng 12 – 1 | Trộn đều các loại bón sâu 6 – 8 cm cách gốc 20 – 30 cm lấp đất kín. |
Chè 2 tuổi
|
Hữu cơ
Supe lân Ure KCL |
10.000
1.000 150 120 |
01
01 12 12 |
Chia lượng phân bón 1 tháng/lần. Riêng H/cơ+ lân bón tháng 12 – 1 | Trộn đều các loại bón sâu 6 – 8 cm cách gốc 30 cm lấp đất kín. |
Chè 3 tuổi | Hữu cơ
Supe lân Ure KCL |
10.000
1.000 240 150 |
01
01 12 12 |
Chia lượng phân bón 1 tháng/lần. Riêng H/cơ+ lân bón tháng 12 – 1 | Trộn đều các loại bón sâu 6 – 8 cm cách gốc 30 cm lấp đất kín. |
– Bón phân cho chè thời kỳ kinh doanh: Là biện pháp kỹ thuật quan trọng nhằm thúc đẩy sinh trưởng của cây chè, tăng năng suất chất lượng chè, kéo dài tuổi thọ nương chè.
Tùy theo điều kiện đất đai (hàm lượng mùn, dinh dưỡng khoáng, mức năng suất thu hoạch) lượng phân bón và phương pháp bón tính cho 01 ha cụ thể như sau[1]:
Mức năng suất (tạ/ha) | Loại phân | Lượng
(Kg) |
Số lần
bón |
Thời
gian bón (Tháng) |
Phương pháp bón |
Năng xuất búp dưới 60 tạ/ha | Ure
Supe lân KCL |
220 – 260
230 -350 100 – 130 |
4
1 4 |
2, 4, 6, 8
2 2, 4,6,8 |
Trộn đều các loại phân, bón theo tán chè, bón sâu 6 – 8 cm, lấp đất kín. |
Năng xuất búp từ 60 đến dưới 80 tạ/ha | Ure
Supe lân KCL |
320 – 390
350 – 590 100 – 160 |
4
1 4 |
2, 4, 6, 8
2,8 2, 4,6,8 |
|
Năng xuất búp 80 đến dưới 120 tạ/ha | Ure
Supe lân KCL |
390 – 650
590 – 940 200 – 330 |
4
2 4 |
2, 4,6,8
2,8 2, 4,6,8 |
|
Năng xuất búp từ 120 tạ/ha trở lên. | Ure
Supe lân KCL |
650 – 1.300
940 – 1.170 330 – 500 |
4
2 4 |
2, 4,6,8
2,8 2, 4,6,8 |
Riêng phân hữu cơ: Có thể sử dụng phân chuồng, phân xanh ủ hoai mục, bón với lượng 20 – 30 tấn/ha, 3 năm/lần, bón vào đầu vụ (tháng 12 – 1).
3.4.3. Tưới nước
Nơi có điều kiện về nguồn nước, khả năng đầu tư thì có thể tiến hành tưới cho chè khi độ ẩm đất dưới 60% sức chứa ẩm đồng ruộng (vào các tháng hạn, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau và các thời điểm hạn dài chính vụ quá 15 ngày).
Tưới theo phương pháp phun mưa bề mặt với vòi tưới di động hoặc cố định cho hiệu quả cao.
3.5. Quản lý sinh vật hại:
3.5.1. Bọ trĩ (bọ cánh tơ)
- Đặc điểm gây hại: Bọ trĩ hút dinh dưỡng làm búp thô, cứng, lḠbiến dạng cong queo; hại nặng búp chè chùn lại, có khi lá non rụng trơ lại cuống, làm giảm năng suất chất lượng.
- Biện pháp quản lý:
– Trồng cây che bóng trước khi trồng chè (nhất là lúc khô hạn).
– Làm cỏ xới xáo, vệ sinh nương chè.
– Chăm sóc chè đầy đủ, bón phân cân đối cho cây phục hồi nhanh sau khi bị bọ trĩ hại.
– Phun thuốc trừ bọ trĩ khi mật độ cao, dùng một trong các loại thuốc: Sieufatoc 36EC, Apta 300WP, Dylan 2EC,Trebon 10EC, Amara 55EC…
Chú ý: Không nên dùng liên tục 1 loại thuốc.
3.5.2. Rầy xanh
- Đặc điểm gây hại: Rầy chích hút làm cho búp chè cằn cỗi, lá mất màu xanh, lá non bị cong, rìa lá cháy nâu.
- Biện pháp quản lý:
– Làm sạch cỏ, phát quang bụi hoang tạo độ thông thoáng cho nương chè.
– Không đốn chè quá sớm hoặc quá muộn.
– Khi mật độ cao dùng một trong các loại thuốc như: Butyl 10WP, Aga 25EC…
3.5.3. Bọ xít muỗi hại chè
- Đặc điểm gây hại: Bọ xít chích hút chất dinh dưỡng ở búp, lá và ngọn chè non tạo các vết đốm nâu nhỏ, hơi tròn sau đen đi. Lá non và búp cong queo co rúm lại, bị nặng thì như bị cháy khô.
- Biện pháp quản lý:
– Phát sạch bờ bụi xunh quanh.
– Đốn đau, đốn lửng các nương chè bị hại nặng.
– Phun thuốc khi cần. Có thể dùng các loại sau: Apta 300WP, Dylan 2EC, Butyl 10WP, Trebon 10EC,… (phun lúc trời mát).
3.5.4. Sâu chùm, sâu róm hại chè
- Đặc điểm gây hại: Sâu ăn trụi hết lá ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây chè.
- Biện pháp quản lý:
– Bảo vệ thiên địch
– Làm cỏ xới xáo nương chè để diệt nhộng trong vụ đông.
– Bắt diệt sâu non
– Mật độ cao chỉ cần phun một số thuốc hóa học như Acemide 20SC, Dipel 6.4WP… vào chỗ bị hại nơi sâu sống tập trung.
3.5.5. Bệnh chết loang chè
- Đặc điểm gây hại: Bệnh do nấm gây ra. Bệnh hại làm nhiều cây chết lan dần như vết dầu loang không cho thu hoạch.
- Biện pháp quản lý: Kiểm tra ruộng thường xuyên, thấy chè chết phải đào bỏ và xử lý thuốc trừ bệnh để hạn chế tốc độ lây lan.
3.5.6. Bệnh phồng lá chè
- Đặc điểm gây hại: Bệnh làm lá rụng, búp, lá bị hại nặng làm cháy chè.
- Biện pháp quản lý
– Chọn giống chè ít bị bệnh.
– Chăm sóc nương chè thông thoáng.
– Bệnh nặng có thể dùng một trong các loại thuốc sau: Stifano 5.5SL, Yomisuper 23WP…
3.5.7. Bệnh thối búp chè
- Đặc điểm gây hại: Bệnh do nấm gây ra. Bệnh làm búp và cành non đen, lá dễ rụng làm giảm năng suất và chất lượng chè.
- Biện pháp quản lý
– Tạo vườn ươm thoáng gió.
– Tăng lượng phân Kali hoặc hái chạy khi bệnh xuất hiện.
– Phun thuốc trừ bệnh khi cần thiết, có thể dùng một trong các loại thuốc như: Tilt Super 300EC, Aviso 350SC…
3.5.8. Nhện đỏ
- Đặc điểm gây hại: Nhện hút dịch lá cây tạo thành các vết màu nâu đồng làm lá cong, biến dạng, bị nặng lá rụng hàng loạt, chè chậm ra búp mới.
- Biện pháp quản lý
– Tưới cây đủ ẩm để kìm hãm nhện phát triển.
– Trồng cây che bóng, làm cỏ, bón phân cân đối./.