Hướng dẫn kỹ thuật nuôi vịt bầu cổ xanh

Vịt bầu cổ xanh là giống vịt nội đã được chăn nuôi từ lâu đời, giống vịt này phân bố chủ yếu từ vùng núi Bắc Trung bộ đến khu vực trung du miền núi phía Bắc, giống vịt này thường được nhân dân các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mường chăn nuôi dọc theo các khe suối, ao hồ, quy mô nuôi thường từ 10-30 con/hộ, chủ yếu sử dụng thức ăn tự có là ngô, thóc và vịt tự kiếm ăn trên các khe suối, ao hồ để bổ sung thức ăn giàu đạm.

Về đặc điểm hình thái vịt bầu cổ xanh: thân bầu, chân ngắn, cổ ngắn: Con đực có đầu màu xanh, vòng cổ trắng và ngực màu xám nâu, toàn thân có màu hơi xám nhạt; con đực có hai lông đuôi mọc ngược, vịt khi chéo cánh lông cánh có ô vuông màu xanh, trọng lượng 1,8-2,2 kg/con; Con cái có bộ lông màu xám nhạt, màu cánh sẻ đậm hoặc nhiều màu, cổ ngắn, thân bầu, bụng xệ, có trọng lượng 1,6 – 1,8 kg/con.

  1. Cách chọn vịt giống

– Con giống phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng từ các cơ sở uy tín, có giấy kiểm dịch khi xuất bán.

– Chọn vịt con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Lông bông, mắt sáng, bụng gọn, chân mập, cứng cáp, dáng đi vững vàng, có màu sắc lông tơ đặc trưng của giống. Nên đưa vịt con xuống chuồng nuôi trước 24 giờ tính từ lúc nở ra.

Giống vịt bầu cổ xanh Bắc Kạn 1 ngày tuổi.
  1. Chuẩn bị chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi vịt

2.1. Chuồng trại

Chuồng trại phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vịt.

Nên chọn nơi cao ráo dễ thoát nước, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông và tránh gió lùa để dựng chuồng.

Tùy thuộc vào quy mô và nguồn tài chính mà người chăn nuôi có thể lựa chọn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố hay đơn giản sao cho phù hợp với nuôi vịt chuyên thịt ở các giai đoạn tuổi khác nhau.

2.2. Dụng cụ chăn nuôi vịt

– Rèm che: Dùng vải bạt, cót ép hoặc phên liếp che xung quanh chuồng nuôi để giữ nhiệt, tránh gió lùa và mưa bão (nhất là giai đoạn vịt con).

– Máng ăn: gồm khay tập ăn loại tròn (1-3 ngày tuổi: 60 con/máng); máng xoay (3-7 ngày tuổi: 45 con/máng), máng dài 60 cm (từ 7 ngày tuổi trở lên: 70 con/máng). Từ tuần tuổi thứ 3 trở đi cho vịt ăn bằng máng tôn có kích thước 70 x 50 x 5cm hoặc máng nhựa hình chữ nhật.

– Máng uống: Giai đoạn 1- 2 tuần tuổi sử dụng máng uống tròn loại 2 lít. Giai đoạn 3-8 tuần tuổi sử dụng máng uống tròn loại 5 lít, dùng cho 30 – 40 con/máng. Có thể sử dụng máng nhựa hình chữ nhật, máng tôn, chậu sành, chậu nhựa có kích cỡ phù hợp với độ tuổi của vịt.

– Đèn sưởi: Đèn hồng ngoại loại 75w, 60 con/bóng, treo cao cách mặt trấu 1m.

– Quây vịt: Dùng cót ép quây, chiều cao 0,4- 0,5m, dài 4- 4,5m; sử dụng cho 60-70 con/quây, từ ngày thứ 7 nới dần diện tích quây. Từ cuối tuần thứ 2, bỏ quây để cho vịt vận động, ăn uống được thoải mái.

– Đệm lót chuồng: Nguyên liệu làm đệm lót chuồng cho vịt, ngan tốt nhất là phoi bào, nếu không có phoi bào thì dùng mùn cưa, trấu,…

  1. Chăm sóc nuôi dưỡng

3.1. Chăm sóc nuôi dưỡng vịt con từ 1-21 ngày tuổi (Giai đoạn úm)

Sát trùng chuồng trại trước khi nhập vịt về, có thể sử dụng vôi bột rắc dọc lối đi. Chuồng úm cần được quây kín tránh gió lùa nhưng vẫn phải đảm bảo độ thông thoáng. Bố trí máng ăn và máng uống phù hợp.Thả vịt nhẹ nhàng vào ô úm, cho vịt uống nước và sau khoảng 1 giờ cho vịt ăn.

a) Nhiệt độ

– Vịt từ 1 ngày tuổi: 340C; 2 – 7 ngày tuổi: 33 – 300C; 7 – 14 ngày tuổi: 30 – 260C; 14-21 ngày tuổi: 250C.

b) Mật độ

– Vịt từ 1-2 ngày tuổi: 60 con/m2 ; 3 – 7 ngày tuổi: 30 con/m2; 8 – 16 ngày tuổi: 15con/m2 ; > 17 ngày tuổi: 4 con/m2.

c) Độ ẩm

– Độ ẩm thích hợp để nuôi vịt giai đoạn úm trong khoảng 60 – 70%. Chuồng nuôi luôn đảm bảo thông thoáng tốt, nhưng phải tránh gió lùa.

d) Ánh sáng

Thời gian chiếu sáng trong 2 tuần đầu: 23-24 giờ/ngày, dùng bóng điện treo cách nền chuồng 0,3- 0,5m. Sau đó mỗi ngày giảm 01 giờ chiếu sáng đến khi đạt 14- 15 giờ/ngày. Từ tuần tuổi thứ 5 trở đi sử dụng ánh sáng tự nhiên.

e) Nước và vấn đề cho nước

Trước khi vịt con tới trại nửa tiếng, chuẩn bị nước pha glucoza bỏ vào bình trắng, đặt rìa ngoài ô úm, không để gần trấu. Khi vịt con tới trại, vịt con có thể được uống nước luôn để vịt giảm stress.

Phương pháp và mô hình việc cho uống nước bằng bình trắng khi vịt nhỏ từ 1-7 ngày tuổi

Tỷ lệ bình trắng 1 bình/70 con vịt.

Đặt xen kẽ với cám, để vịt gần nơi uống nước và ăn cám nhiều nhất.

Thay nước bẩn trong bình thường xuyên, không để vịt uống nước bẩn lẫn phân, trấu.

Thay nước, vệ sinh bình trắng ít nhất ngày 3 lần: sáng, trưa, chiều.

Nếu thấy nước đổ xuống dưới hay dưới bình trắng ẩm, xúc trấu trong khu vực đó ra và thay trấu khác.

f) Thức ăn và việc cho ăn

Hàm lượng Protein trong giai đoạn này phải đảm bảo: 20-22%. Vịt con có thể ăn cám được ngay khi vừa xuống thả, đặt mâm vàng phải đều khắp ô úm để vịt con có thể ăn cám đều và nhiều nhất.

Trong thời gian đầu cho cám, mỗi lần từ 1-2 nắm để cho vịt tập ăn cám dần. Nên cho ăn thành nhiều lần, mỗi ngày từ 4-6 lần, để kích thích vịt ăn cám được nhiều nhất. Trước khi cho ăn nên vệ sinh máng ăn sạch sẽ, lau phân và bỏ hết trấu khỏi cám.

3.2. Chăm sóc vịt từ 22 ngày tuổi đến xuất chuồng

Nhiệt độ chuồng nuôi đảm bảo: 250C. Độ ẩm: 60 – 70%. Chiếu sáng: 14-15 giờ/ngày. Từ tuần tuổi thứ 5 trở đi sử dụng ánh sáng tự nhiên.

Nước uống: Từ tuần thứ 5 đến xuất chuồng cho uống bằng máng xây ngoài sân chơi, hoặc máng nhựa hình chữ nhật. Máng uống phải dễ cọ rửa, làm vệ sinh, vịt uống được nhưng không tắm được.

Thức ăn: Đảm bảo hàm lượng Protein là 18 – 19%. Đảm bảo chất lượng thức ăn tốt, không bị nhiễm mốc. Sau 4 tuần tuổi kết hợp với chăn thả và dụng các loại thức ăn có sẵn ở địa phương: ngô, chuối, rau, bèo, phụ phẩm nông nghiệp.

Vịt bầu cổ xanh nuôi tại Bắc Kạn.
  1. Lịch phòng bệnh bằng vắc xin cho vịt

 Lịch tiêm phòng vắc xin cho vịt

Ngày tuổi Vắc xin Phòng bệnh Cách sử dụng
3 Viêm gan vịt Viêm gan vịt do virus Tiêm dưới da cổ
7 Dịch tả vịt mũi 1 Dịch tả vịt Tiêm dưới da cổ
14 H5N1 Cúm gia cầm Tiêm dưới da cổ
21 Dịch tả vịt mũi 2 Dịch tả vịt Tiêm dưới da cổ

Lưu ý khi sử dụng vắc xin phòng bệnh cho vịt

Chỉ sử dụng vắc-xin khi vịt khỏe mạnh

Nên bổ sung vitamin tổng hợp hoặc điện giải cho vịt uống trong thời gian sử dụng vắc-xin.

Sử dụng xi-lanh hoặc ống nhỏ đã được khử trùng (luộc sôi từ 5-10 phút)

Sử dụng đúng liều lượng, bảo quản vắc-xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Lọ vắc-xin sau khi sử dụng phải được luộc sôi 30 phút, sau đó có thể chôn hoặc để nơi quy định

Người tiêm vắc-xin phải được trang bị bảo hộ đầy đủ./.

Hoàng Thị Yến

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Phòng trừ rầy nâu và rầy lưng trắng hại lúa giai đoạn đẻ nhánh

Rầy nâu, rầy lưng trắng (Bọ rầy) là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây lúa, cả trưởng thành và...

Hướng dẫn sử dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật

Phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên điện thoại di động cho nông dân cung cấp danh mục thuốc BVTV...

Phòng trừ bệnh sương mai, héo xanh hại cây bí xanh

Hiện nay, cây bí xanh (bí xanh thơm Ba Bể, bí xanh dài, bí đao..) đang giai đoạn phát triển thân lá, leo giàn. Thời...

Chăm sóc cây ngô giai đoạn trồng đến 4 lá

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 8.318 ha cây ngô, hiện nay, cây ngô đang giai đoạn trồng đến...

Chăm sóc cây lúa giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch cấy 8.369ha lúa, hiện nay, cây lúa đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh....

Bài viết mới

LƯỢT TRUY CẬP

000833
Hôm nay : 97
Trong tháng : 2464
Trong năm : 8840
Tổng : 39454
Skip to content